Người dân TP Đông Hà có nguy cơ thiếu nước sạch trầm trọng

Trong vòng bốn ngày tới, nếu trời không mưa, Nhà máy nước đầu nguồn Tân Lương của TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị sẽ không cung cấp đủ nước hằng ngày cho gần 100 nghìn người dân ở TP Đông Hà. Một tuần nữa, nếu trời tiếp tục không mưa, Nhà máy sẽ phải dừng hoạt động hoàn toàn do sông Vĩnh Phước bị khô hạn nặng.

Công nhân khơi thông sông Vĩnh Phước, bòn mót từng m3 nước ngọt phục vụ cho nhân dân.

Công nhân khơi thông sông Vĩnh Phước, bòn mót từng m3 nước ngọt phục vụ cho nhân dân.

Sông Vĩnh Phước, nguồn cung cấp nước sinh hoạt khô trơ đáy

Hơn ba tháng qua Quảng Trị không có mưa, nắng hạn quá lớn, sông suối, ao hồ khô trơ đáy. Tại thành phố tỉnh lỵ Đông Hà, những ngày nắng hạn và gió Tây Nam thổi mạnh liên tục này, người dân phải dè sẻn, tiết kiệm hết sức với nước sinh hoạt hằng ngày. Nhiều gia đình ở khu phố 5, phường 5 từ hai, ba giờ sáng mỗi ngày phải thức dậy hứng nước máy trữ dự trữ.

Chia sẻ với với người tiêu dùng, không ít công nhân của Xí nghiệp nước sạch Đông Hà chẳng quản đêm hôm khuya khoắt, ngay khi nhà máy cung cấp nước trở lại cho các khu phố có địa hình cao, họ liền tìm đến các gia đình để thông báo đã có nước cho bà con chủ động hứng nước tích trữ đủ phục vụ sinh hoạt cho một ngày nữa.

Chúng tôi có mặt tại Nhà máy nước Tân Lương của Xí nghiệp nước sạch Đông Hà, nằm bên bờ sông Vĩnh Phước, tỉnh Quảng Trị vào chiều 7-8. Mực nước trên đoạn sông này, tại địa điểm bơm cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho toàn bộ TP Đông Hà, chỉ còn cao hơn miệng hệ thống ống hút nước 0,5m.

Ông Lê Thành Ty, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Quảng Trị đang dầm mình giữa cái nắng gió Tây Nam gay gắt chỉ đạo hàng trăm công nhân đắp đập trên sông Vĩnh Phước, ngăn nước, bòn mót từng m3 nước ngọt, tâm trạng đầy lo lắng: Mỗi ngày, lưu lượng nước được chắt chiu ngăn lại trên sông để phục vụ nước sinh hoạt cho TP Đông Hà lại vơi dần vì nắng hạn kéo dài, trời không có mưa nên nước bốc hơi nhanh. Cộng thêm người dân đô thị Đông Hà mỗi ngày đêm sử dụng đến 20 nghìn m3 nước sinh hoạt nên lượng nước trên đoạn sông này giảm xuống trông thấy từ 7 đến 10 cm mỗi ngày.

Tại địa điểm bơm cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho toàn bộ thành phố Đông Hà, mực nước chỉ còn cao hơn miệng hệ thống ống hút 0,5m.

Khi mực nước còn lại trên đoạn sông Vĩnh Phước tiếp tục giảm xuống, chỉ còn cao hơn phần miệng hệ thống ống hút của trạm bơm đầu nguồn 0,2 m thì nhà máy không thể hút nước được nữa. Ông Lê Thành Ty cho biết, trong bốn ngày tới nếu trời không mưa thì Nhà máy nước đầu nguồn Tân Lương sẽ hoạt động khó khăn hơn nữa, nghĩa là không cung cấp đủ nước hằng ngày cho TP Đông Hà; nếu một tuần tới trời không có mưa, Nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn. Trong lúc mùa nắng nóng nhu cầu người dân cần nước sinh hoạt cao hơn lúc nào hết trong năm thì nguồn nước cung cấp lại ít nhất trong năm.

Mỗi ngày gần 30 nghìn hộ dân của TP Đông Hà sử dụng trung bình 20 nghìn m3 nước sạch sinh hoạt, trong đó Xí nghiệp nước sạch Đông Hà cung cấp được 70% khối lượng trên, 30% khối lượng còn lại được Nhà máy nước ngầm huyện Gio Linh cung ứng hòa vào mạng lưới cung cấp nước của Xí nghiệp nước sạch Đông Hà. Trong vòng bảy ngày nữa, trời không có mưa, TP Đông Hà chỉ còn mong chờ vào 30% khối lượng nước ngầm được cung cấp từ Gio Linh từ nhiều năm nay.

Trước tình hình khẩn cấp trên, lãnh đạo, công nhân của Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Trị đều tập trung có mặt tại sông Vĩnh Phước tìm mọi cách khắc phục nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân với phương châm còn nước còn tát. Ông Đào Bá Hiếu, Chủ tịch HĐQT của Công ty cho biết, chúng tôi đã hạ ống hút tại trạm bơm đầu nguồn Tân Lương xuống sâu dưới đáy sông thêm 2 m, nhưng nước cũng khô cạn theo. Nắng hạn kéo dài năm nay đã giảm mực nước ở trạm bơm đầu nguồn của nhà máy xuống thấp hơn 1,5 m so với mực nước của trận đại hạn lớn nhất tại Quảng Trị vào năm 1998.

Cùng với việc đắp đê ở hạ lưu ngăn sông, giữ nước, nạo vét sông, bơm chuyền nước ở từng đoạn sông khô cạn về vị trí trạm bơm chính, Công ty chuẩn bị phân vùng, tách mạng lưới, cấp nước luân phiên. Công ty thông báo đến người dân TP Đông Hà chủ động tiết kiệm nước sinh hoạt, nước chỉ dùng để ăn uống, không tưới cây; mua dụng cụ dự trữ nước cho những ngày chính thức mất nước toàn thành phố sắp đến nếu thời tiết vẫn cứ khô hạn và gió Tây Nam thổi ào ào thế này.

Suy nghĩ đã lâu nhưng tiền còn nằm ở đâu chưa biết

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân, đây không phải là lần đầu tiên, nhân dân TP Đông Hà lại đứng trước thực tế thiếu nước sinh hoạt trầm trọng mỗi khi gặp hạn. Vậy con sông Vĩnh Phước có xứng đáng là nơi đặt niềm tin là nguồn cung cấp nước chính, chất lượng cho TP Đông Hà?

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Trị Đào Bá Hiếu cho biết, Nhà máy nước sạch Đông Hà được đưa vào sử dụng từ năm 1977 có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thị xã Đông Hà (42 năm trước Đông Hà là thị xã) từ nguồn nước sông Vĩnh Phước. Từ đó đến nay, Công ty đã nâng cấp nhà máy lên công suất 20 nghìn m3/ngày đêm cũng như cải tạo hệ thống lắng lọc, trạm bơm để đủ phục vụ nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân thành phố.

Người dân thành phố Đông Hà lo âu tích trữ nước bằng mọi cách.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì Vĩnh Phước là con sông ngắn, có chiều dài khoảng trên dưới mười km, bắt nguồn từ hợp lưu các sông suối ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ chảy qua phường Đông Lương của TP Đông Hà rồi đến xã bên cạnh là Triệu Giang trước khi hợp lưu vào sông Ái Tử. Sông chảy qua địa hình khá bằng phẳng, sông không rộng, bề ngang chỉ vài chục mét nên lưu lượng nước cũng rất ít. Vì vậy, bảo đảm cung cấp nguồn nước sinh hoạt an toàn, đầy đủ cho nhân dân TP Đông Hà là vấn đề luôn được quan tâm vì quá sức với sông Vĩnh Phước.

Nhận thấy sông Vĩnh Phước không còn gánh vác nổi nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho TP Đông Hà với gần 100 nghìn người dân, hai năm trước Công ty đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: “Nâng cấp cải tạo và chống thất thoát hệ thống cấp nước thị xã Quảng Trị - TP Đông Hà” giai đoạn một, có tổng kinh phí đầu tư 600 tỷ đồng với công suất 30 nghìn m3 ngày đêm, giai đoạn hai nâng lên 100 nghìn m3 ngày. Kết quả phê duyệt dự án công ty vẫn còn phải đợi. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất là nguồn vốn đầu tư, công ty đang tiếp cận các nguồn vay ODA song vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Nếu có vốn sớm, dự án này sẽ đầu tư dẫn nguồn nước từ đập Trấm trên sông Thạch Hãn về cung cấp cho nhân dân TP Đông Hà. Kết quả quan trắc nước tại đập Trấm bao năm nay luôn đạt chuẩn cao nhất của quy chuẩn kỹ thuật, trữ lượng dồi dào. Bây giờ đầu tư trạm bơm, lọc và đường ống đưa nước về thị xã Quảng Trị, sau đó bơm trung chuyển ra Đông Hà, tất cả chiều dài trên dưới 30 km, là phương án tối ưu nhất vừa bảo đảm an toàn an ninh nguồn nước cho TP Đông Hà và thị xã Quảng Trị, không chỉ phục vụ nhu cầu nước sạch sinh hoạt của nhân dân, mà còn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Trước tình hình vô cùng khẩn cấp này, đồng chí Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, chỉ đạo: Ngoài việc đắp đập, khơi thông dòng chảy sông Vĩnh Phước, nếu trời tiếp tục không mưa, Công ty cần phải có các phương án dự phòng khác, kể cả đặt bơm ở những nơi xa hơn để dẫn nước về thành phố cung cấp cho người dân sinh hoạt. Ưu tiên nguồn nước ít ỏi cho Bệnh viện, trạm y tế, trường học, các trung tâm xã hội…

Bài, ảnh: LÂM QUANG HUY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41138602-nguoi-dan-tp-dong-ha-co-nguy-co-thieu-nuoc-sach-tram-trong.html