Người dân thấp thỏm vượt qua những cây cầu treo giữa dòng nước cuồn cuộn

Phần lớn các cây cầu treo vượt sông, suối ở Lâm Đồng được xây dựng từ vài chục năm trước hoặc do người dân xây tạm bợ nên đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Sau những ngày mưa dầm, những cây cầu đang đứng trước nguy cơ sập, gãy gây nguy hiểm cho cuộc sống người dân.

Theo ghi nhận, những cây cầu treo này hầu hết nằm ở các xã miền núi xa xôi tại huyện Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông… Tại các xã Lộc Tân, Lộc Đức (huyện Bảo Lâm) - một trong những nơi có nhiều cầu treo xuống cấp, mỗi khi mưa lớn đứng bên bờ sông nhìn về dòng nước đỏ ngầu, chảy xiết như muốn nuốt chửng những chiếc cầu gỗ.

Ngày 18/8, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh 2 người đang cố vượt qua một chiếc cầu treo đã bị ngập nước. Chiếc cầu treo được níu giữ bằng những sợi thép mỏng manh, mặt cầu là những tấm gỗ đã mấp mé mặt nước. Dòng nước đỏ ngầu cuộn chảy mạnh xô vào đoạn trùng nhất của chiếc cầu khiến nó lắc lư dữ dội. Một người đàn ông đi trước ôm chiếc máy phát cỏ trên tay và một người phụ nữ theo sau. Cả hai liên tục bị chao đảo, cố vượt qua trong khi dòng nước cuộn chảy đánh mạnh vào chiếc cầu.

Nhìn vào cảnh tượng ai cũng thấy kinh hãi. Qua xác minh, cây cầu trên là cầu A Lý nối thôn 6 với thôn 7 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm). Hai người trong clip được cho là đang vội trở về nhà vì sợ nước cuốn trôi mất cầu. Theo lãnh đạo xã Lộc Tân, trong tối 18-8, chiếc cầu treo này đã bị dòng nước mạnh cuốn trôi. Hiện, người dân đang gặp khó khăn khi đi vào khu vực đất sản xuất tại thôn 7.

Anh Nguyễn Văn Thành (người dân sống ở đây) cho biết: "Hàng ngày chúng tôi phải đi qua cây cầu này mới có thể tới vườn. Suốt mấy tháng qua, mưa ròng rã, nước dâng cao cuồn cuộn. Mỗi lần đi qua cầu tôi thấy rất sợ nhưng không đi không được. Đành liều mình để qua sông vậy".

Theo anh Thành, để làm cây cầu này, người dân tự đi lấy gỗ trong rừng về làm. Ngoài ra, người dân cũng tìm dây cáp, thép để nối hai bên bờ sông, suối với nhau sau đó đặt những khúc gỗ lên làm đường đi. Do làm bằng gỗ nên nhanh xuống cấp vì vậy hàng năm người dân phải cùng nhau lên rừng lấy gỗ về "gia cố". Cầu này chỉ dành cho người đi bộ băng qua tuy nhiên do mưa lớn, nước chảy xiết nên đã cuốn trôi.

Chung số phận với cầu A Lý là hàng chục cây cầu tạm nằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Qua khảo sát, đa số các cầu treo, cầu tạm được làm từ những cây gỗ, đường kính 20 - 30cm, nên tuổi thọ chỉ được hai năm. Những cây cầu gỗ lâu năm đã được "kéo dài sự sống" phải "gánh" hàng trăm lượt xe máy qua lại mỗi ngày. Dù biết vậy nhưng hàng trăm hộ dân tại các xã xung quanh vẫn phải qua sông trên các cây cầu tạm, dây neo thô sơ rất mất an toàn.

Một cây cầu tạm được làm bằng gỗ tại huyện Di Linh hiện đã xuống cấp do gỗ bị mục rỗng. Hàng ngày, hàng trăm lượt xe vẫn băng qua cây cầu này bất chấp nguy hiểm

Ông K’ Bích - ngụ tại thôn 6A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh chia sẻ: "Chúng tôi biết nguy hiểm nhưng nếu đi đường khác thì đường rất khó khăn và xa hơn nhiều lần. Rất mong Nhà nước quan tâm sớm sửa lại cây cầu này để người dân đi lại thuận lợi".

Trong khi đó, các cây cầu treo ở xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc, thôn K’Giảo xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm… đều ghi dòng chữ "chú ý, cầu hỏng, hạn chế qua lại" hay "cầu hỏng, cấm lưu thông". Các trụ cầu cũng được làm bằng gỗ, xiêu vẹo, không có thành chắn bảo vệ hai bên. Mặt cầu được làm bằng gỗ, ván gồ ghề nay đã mục nát, nhiều chỗ xuất hiện lỗ hổng rất nguy hiểm cho người qua lại.

Một cây cầu tại huyện Bảo Lâm cũng nằm trong tình trạng xuống cấp khi ván gỗ bị bong tróc lỗ chỗ.

Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng cho biết, UBND tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với Tổng Cục đường bộ Việt Nam đầu tư xây mới 70 cầu treo, được chia làm 4 gói thầu với tổng số vốn đầu tư 144 tỷ đồng nhằm cải thiện giao thông đi lại và đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo đó, nguồn vốn xây 70 cầu mới nằm trong dự án LRAMP (vốn vay WB) được Bộ GTVT phối hợp triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và nhiều địa phương khác trên cả nước. 70 cây cầu treo được đầu tư xây mới được Sở GTVT đánh giá đã xuống cấp nghiêm trọng, hạn chế tải trọng và phải tăng cường trực, gác cầu thường xuyên nằm trên địa bàn các huyện: Bảo Lâm, TP Bảo Lộc, Đam Rông, Di Linh…

Ngoài ra, có 9 cây cầu treo xuống cấp nghiêm trọng đã được xây mới hoàn toàn bằng nguồn ngân sách tỉnh đầu tư với số vốn 46 tỷ đồng được đưa vào sử dụng trong năm 2018. Hiện nay trên địa bàn tỉnh theo rà soát của Sở GTVT còn lại 158 cây cầu yếu, xuống cấp nghiêm trọng cần xây mới, nâng cấp trên tổng số 504 cây cầu hiện có.

theo thời đại

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nguoi-dan-thap-thom-vuot-qua-nhung-cay-cau-treo-giua-dong-nuoc-cuon-cuon-d64427.html