Người dân thành phố hoa phượng đỏ ủng hộ lựa chọn giải pháp bảo đảm an toàn nhưng không 'lạm sát' cây xanh

Sau 1 loạt những vụ việc các cây đổ, bật gốc nhiều trường học đã tiến hành chặt bỏ, cắt tỉa cây xanh trong sân trường đến trụi lủi vì lo 'chuyện không may' sẽ xảy ra.

Sau sự việc đau lòng một học sinh trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) qua đời do cây phượng bật gốc đè trúng ngày 26-5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương, nhà trường cần quan tâm, tăng cường hơn nữa các biện pháp bảo đảm an toàn trường học.

Người dân Thành phố hoa phượng đỏ: Ủng hộ lựa chọn giải pháp an toàn, nhưng không "lạm sát" cây xanh

Ngay sau đó, nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đắk Lắk, Gia Lai, TP.HCM, Đà Nẵng… quyết liệt triển khai việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn và cắt tỉa cây xanh. Trong đó không thể không kể đến sự chỉ đạo nhanh chóng và kịp thời của Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng.

Rà soát, kiểm định và xử lý cây xanh có nguy cơ gây mất an toàn không đồng nghĩa với việc chặt phá vô tội vạ.

Tuy nhiên, rà soát kiểm tra để kịp thời xử lý trong trường hợp có nguy cơ gây mất an toàn không đồng nghĩa với việc “lạm sát”, cắt tỉa hay chặt bỏ vô tội vạ.

Là 1 thành phố luôn đề cao chỉ tiêu cây xanh, thành phố Hải Phòng - nơi được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ lại lựa chọn tìm kiếm và thực hiện những biện pháp thích hợp hơn thay vì chặt bỏ hàng loạt.

Đặt an toàn của con người lên trên hết

Là 1 thành phố với số lượng cây xanh lớn và liên tục triển khai trồng thêm cây non, chú trọng đến các cây cao, cây râm mát. Đến với thành phố này, có lẽ ấn tượng đầu tiên dễ để lại trong lòng du khách nhiều nhất đó chính là những con đường xanh mướt, bóng râm che kín mặt vỉa hè, lòng đường.

Vào mùa hạ, len lỏi giữa màu xanh bạt ngàn đó là sự màu sắc rực đỏ của phượng vĩ. Dưới ánh nắng vàng rộm, thành phố này bỗng đi vào thơ ca với hình tượng thành phố hoa phượng đỏ.

Ấn tượng đầu tiện khi bước chân đến thành phố này chính là màu xanh mát của các loại cây xanh, cây bóng mát.

Tuy nhiên, nếu thật sự để ý, người ta sẽ nhận thấy cây xanh ở từng con phố, đoạn đường đều rất quy củ, luôn có sự chăm sóc cẩn thận thông qua việc cành lá, tán cây đều không tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Chẳng khó để bắt gặp những hình ảnh đội ngũ chăm sóc cây xanh đang tiến hành bảo trì, cắt tỉa, kiểm tra các cây xanh trên mỗi con đường.

Một đoạn được đang tiến hàng cắt tải cây xanh.

Chính vì vậy, khi xảy ra sự việc đau lòng tại trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM), Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng đã nhanh chóng và kịp thời chỉ đạo để đề phòng những nguy cơ có thể gây mất an toàn cho người dân nói chung và đặc biệt là các học sinh trong trường học nói riêng.

Học sinh trong 1 tiết học ngoài trời của trường THCS Chu Văn An

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Trịnh Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Lê Lợi - Ngô Quyền - Hải Phòng) cho biết.

“Tôi đã nghe về câu chuyện đau lòng xảy ra trong 1 trường học tại TP.HCM thông qua các phương tiện truyền thông thông tin. Toàn bộ ngành Giáo dục cũng như tôi đều thấy đây là việc rất đáng tiếc.

Chính vì vậy, Phòng Giáo dục và Ủy ban quận Ngô Quyền đã cho đi rà soát toàn bộ hệ thống cây xanh tại tất cả các trường trong địa bàn quận.

Gốc phượng đã có từ những năm đầu thành lập trường THCS Chu Văn An.

Riêng đối với trường THCS Chu Văn An hiện nay chỉ có 1 cây phượng to. Cây phượng có từ những năm đầu thành lập trường và cho đến nay không chỉ tỏa được bóng mát mà đặc biệt mỗi khi mùa hè đến đều cho ra hoa rất đẹp. Kết thúc đợt kiểm tra hệ thống cây xanh vừa rồi, quận cũng đã kết luận cây phượng không có vấn đề gì gây mất an toàn cho giáo viên và học sinh trong trường.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối và tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra, nhà trường vẫn sẽ tiến hành cắt tỉa bớt những cành yếu. Bên cạnh đó, trong sân trường THCS Chu Văn An thì không có quá nhiều cây to, cây cổ thụ”.

Cây muồng hoàng yến phía bên ngoài cổng trường nhưng vẫn được ban lãnh đạo trường THCS Chu Văn An quan tâm chú ý.

Không chỉ chú trọng đến việc đảm bảo hệ thống cây xanh trong khuôn viên trường học, thầy Trịnh Văn Tuấn cũng cho sẽ phối hợp với quận Ngô Quyền để tiến hành rà soát, kiểm tra 1 số cây muồng hoàng yến lớn phía bên ngoài cổng trường.

Gốc phượng đã được kiểm định không có nguy cơ gây mất an toàn trong trường học.

“Mặc dù các cây muồng hoàng yến lớn đều nằm ở cổng trường nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiến hành kiểm định để đảm bảo an toàn cho các phụ huynh đến đón con cũng như các cán bộ công nhân viên đang công tác tại trường”.

Không ủng hộ việc chặt cây vô tội vạ

Để đề phòng những chuyện không may xảy ra, không ít trường học thay vì cắt tỉa lại đốn hạ toàn bộ cây phượng đang có, khiến sân trường trở lên trống vắng, thiếu đi những bóng cây gắn liền với tuổi học trò.

Những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về những góc sân trường cây cối trơ trụi, các canh lá xanh nằm la liệt dưới đất như vừa trải qua 1 trận càn quét khiến cộng đồng mạng không khỏi xót xa.

Con đường quanh chợ với nhiều tiểu thương luôn được phủ kín bởi những bóng cây xanh.

Với thầy trò trường THPT Lê Quý Đôn, việc cắt tỉa hay chặt bỏ cây xanh trong sân trường đều phải cân đo đong đếm thật kĩ, bởi lẽ “cắt bỏ cành cây thôi thì thầy trò đã tiếc lắm rồi huống chi là chặt bỏ nguyên 1 gốc cây xanh”.

Chợ Cầu Rào Cát Bi ở Hải Phòng nổi tiếng với danh hiệu “thiên đường ăn uống” nhưng ít ai biết, quanh chợ là rất nhiều cây phượng lâu năm với tán cây tỏa bóng mát và màu hoa rực rỡ mỗi lần mùa hạ ghé về.

Chợ Cầu Rào Cát Bi được mệnh danh là "thiên đường ăn uống".

Bởi đây là nơi buôn bán sầm uất nên những rất nhiều tiểu thương đổ về đây buôn bán. Dưới cái nắng gay gắt và thời tiết oi nồng của mùa hè, ai cũng muốn trốn dưới tán cây phượng để tránh nắng.

Cô bán nước sâm bông cúc bên vỉa hè nhanh lẹ múc 1 cốc nước sâm mát lạnh cho khách hàng cũng chia sẻ.

Hoa phượng vĩ - loài hoa đã đưa thành phố Cảng đi vào thơ ca.

“Trời nắng nóng không có tán cây to này thì không chịu nổi. Giờ mà chặt đi thì chết dở!”.

Thành phố Hải Phòng luôn đề cao an toàn của con người, nhưng lại không muốn “lạm sát” những cây xanh trên từng tuyến phố, con đường, từng sân trường học. Chính vì vậy, chính quyền đã có những biện pháp thích hợp hơn để cân đối giữa chỉ tiêu cây xanh trong thành phố nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Mời chuyên gia tư vấn cây trồng thích hợp với địa chất

Việc bảo đảm an toàn là điều rất quan trọng, thế nhưng 1 thành phố Cảng được mệnh danh là thành phố hoa phượng đỏ thì từng cành cây, từng tán lá đều mang những ý nghĩa riêng biệt.

Cắt tỉa hay chặt bỏ bất kỳ 1 cây xanh nào đều cần có sự kiểm định kĩ càng, với những cây xanh không có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân, vẫn cho bóng mát mỗi ngày hè nắng nóng, vẫn cho ra hoa làm đẹp mỹ quan của thành phố thì không có lý gì lại phải chặt bỏ nó đi.

Bên bờ sông Tam Bạc...

Nếu như thầy hiệu trưởng của trường THPT Lê Quý Đôn luôn chú trọng về vấn đề dinh dưỡng, bảo dưỡng cho từng cây xanh trong trường học, kiểm tra định kỳ hệ thống cây xanh trong trường thì trường THCS Chu Văn An cũng có biện pháp thích hợp với đặc thù của trường mình.

Hình ảnh quen thuộc dễ dàng thấy trên những hình ảnh giới thiệu về thành phố Cảng.

Bên cạnh gốc phượng lâu năm tỏa bóng mát với mùa đỏ rực rợ của hoa phượng, sân trường THCS Chu Văn An có rất nhiều cây non mới trồng và đang được chăm sóc kĩ lưỡng. Chia sẻ với chúng tôi, phó hiệu trưởng của trường cho biết để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của cây cũng như an toàn đối với con người, nhà trường đã mời chuyên gia tư vấn loại cây phù hợp với đặc thù địa chất trong khu vực của trường.

Trường THCS Chu Văn An có rất nhiều cây non mới được trồng.

“Trường THCS Chu Văn An đã thành lập được 25 năm, trong suốt quá trình đó, có rất nhiều công trình thay đổi, các công trình, khu nhà hay lớp học mới được tu sửa. Cùng với việc đó thì không tránh khỏi có sự ảnh hưởng đến sân trường.

Hầu hết các cây trong sân trường đều là mới trồng. Nhà trường đã kí hợp đồng với công ty cây xanh thành phố, họ đã tư vấn và tiến hành trồng các cây xanh phù hợp. Hiện tại trong sân trường có 2 cây osaka, 2 cây bằng lăng, 3 cây phượng nhỏ, 1 cây phượng to và 1 cây bàng.

Giàn hoa xinh xắn trước cổng trường.

Do địa chất đặc biệt, nền sân trường tương đối thấp so với mặt hồ, độ ẩm bên dưới rất cao nên không thể trồng được những cây lớn nên phải trồng từ những cây nhỏ”.

Với sự chỉ đạo kịp thời và sát sao của các cấp chính quyền của thành phố, từ trường học cho đến các tuyến phố, con đường có sự xuất hiện của cây xanh đều được hệ thống quy củ, tiến hành kiểm tra, kiểm định và đưa ra những phương án thích hợp nhất trong thời điểm đó với điều kiện của khu vực đó để đảm bảo cân đối chỉ tiêu cây xanh và việc đảm bảo an toàn cho người dân thành phố.

Góc sông thơ mộng.

Hồ Tam Bạc với 4 hàng cây phượng rực rỡ trong tán lá xanh mơn mởn đã trở thành hình ảnh quen thuộc của thành phố Hải Phòng. Người ta chỉ cần giơ máy ảnh lên chụp bất kỳ góc độ nào, bất kỳ khoảnh khắc ở địa điểm này đều trở thành những bức hình nghệ thuật.

Khi mà nhiều trường học, nhiều địa phương phòng tránh bất trắc bằng cách loại bỏ hoàn toàn nguy cơ gây hại thì thành phố hoa phượng đỏ lựa chọn lắng nghe từng gốc cây tán lá, thăm khám cho tất cả hệ thống cây xanh toàn thành phố để đưa ra những giải pháp hài hòa nhất, an toàn nhất và bảo vệ môi trường tự nhiên nhất.

Mạn Ngọc

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nguoi-dan-thanh-pho-hoa-phuong-do-ung-ho-lua-chon-giai-phap-bao-dam-an-toan-nhung-khong-lam-sat-cay-xanh-2220205621335258.htm