Người dân Thanh Hóa kêu khổ vì muốn dùng nước sạch phải nộp tiền triệu

Để có nước sạch sử dụng hàng trăm hộ dân ở xã Thiệu Dương phải bỏ ra hàng triệu đồng mới có thể sử dụng.

Muốn có nước sạch phải bỏ 5 – 7 triệu đồng

Phản ánh đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, người dân ở xã Thiệu Dương, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang bức xúc về dự án nước sạch về địa phương nhưng người dân muốn có nước sạch lại phải đóng từ 5 – 7 triệu đồng cùng một lúc.

Người dân cho rằng chi phí lắp đặt quá cao khiến họ không đủ khả năng về kinh tế để lắp đặt hệ thống nước sạch.

Nhiều hộ đành chịu dùng nước giếng khoan, nước giếng khơi để sinh hoạt.

Tuy nhiên nguồn nước giếng khơi, giếng khoan đang bị nhiễm chất Asen dễ gây cho người dân nhiều bệnh tật.

Nhiều hộ dân ở trên địa bàn xã Thiệu Dương đang phải dùng nước giếng khơi, giếng khoan không đảm bảo vệ sinh mặc dù có hệ thống nước sạch về làng. Ảnh: Trực Ngôn

Người dân cho biết, Dự án nước sạch có trị giá 2 tỷ 800 triệu đồng được Ủy ban nhân dân xã Thiệu Dương thỏa thuận với đơn vị lắp đặt là xã hội hóa 100% (trong khi, giai đoạn 2011 - 2015 Thiệu Dương được hỗ trợ gần 300 tỷ từ ngân sách nhà nước) và yêu cầu hơn 3 ngàn hộ dân nộp mỗi hộ 5 - 7 triệu đồng mới được đấu nối chỉ để mua nước sạch (hiện tại, 1 số hộ dân đang được thu qua ủy ban nhân dân xã, 1 số hộ dân được thu qua đơn vị lắp đặt)

Người dân còn cho biết, họ không được lấy ý kiến nên không được biết về mức đóng, cách thức, thỏa thuận...

Giờ đây, số ít hộ đành nhắm mắt nộp khoản tiền chi phí lắp đặt này, còn đa số các hộ dân không có tiền nộp thì vẫn phải dùng nước giếng ô nhiễm Asen nặng nề và ô nhiễm bùn, thải sau lũ.

“Hiện gia đình tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan, nước giếng khơi.

Cũng muốn lắp đặt nước sạch nhưng chi phí cao quá nên đành ăn nước giếng khơi vậy”, bà Phúc, một người dân ở thôn 3 chia sẻ.

“Năm ngoái gia đình tôi lắp đặt hết hơn 5 triệu đồng mới có nước sạch để dùng. Còn tiền nước hàng tháng thì tính theo khối lượng, hết bao nhiều thì mình tính bấy nhiêu”, bà Dương Thị Tám, người dân thôn 3 cho biết.

Người dân cho biết thêm, những năm trước, xã Thiệu Dương đã được Sở tài nguyên môi trường đánh giá nguồn nước là bị ô nhiễm nặng nề chất độc Asen, vượt mức 0,05 mg/lít.

Vì vậy, đến năm 2012, xã Thiệu Dương được ưu tiên cấp nước sạch trong Quyết định số 909/QĐ-UBND ngày 05 tháng 04 năm 2012 về Phê duyệt quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

Nhưng dự án nước có trị giá 2 tỷ 800 triệu đồng lại được xã thỏa thuận với nhà đầu tư là xã hội hóa 100% và yêu cầu hơn 3 nghìn hộ dân nộp mỗi hộ 5 - 7 triệu đồng mới được đấu nối chỉ để mua nước sạch.

Ngoài ra, dự án nước này còn được đào đặt đường ống nước xuyên qua đê trung ương mà nhiều người phản ánh là không được phép và đáng lẽ phải chạy đường ống từ phường Hàm Rồng lên xã Thiệu Dương.

Nhiều hộ gia đình không có đủ kinh phí lắp đặt hệ thống nước sạch nên đành phải dùng nước giếng khơi, giếng khoan nhiễm chất Asen. Ảnh: Trực Ngôn.

Điều đáng nói nữa là, từ cuối năm 2015, xã Thiệu Dương đã báo cáo để đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, nên cuối năm 2016 đã được nhận bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới để được thưởng 1 tỷ đồng.

Trong khi, xã Thiệu Dương có hơn 3 nghìn hộ gia đình thì đến nay mới có khoảng 500 hộ gia đình được dùng nước sạch theo dự án cấp nước, còn lại các hộ gia đình vẫn dùng nước giếng nhiễm Asen.

“Báo cáo đã đạt chuẩn nông thôn mới này có gì đó khuất tất và nó đã vô tình đẩy người dân nghèo ra khỏi sự quan tâm, hỗ trợ của chính sách từ các cấp chính quyền.

Người dân Thiệu Dương đang rất khổ sở vì nguồn nước. Những năm qua, số người mắc bệnh hiểm nghèo tăng đột biến, nhất là ung thư; xã cũng đã đánh giá và thừa nhận điều này.

Chúng tôi tha thiết khẩn cầu sự quan tâm, vào cuộc giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành để người dân sớm được sử dụng nước sạch đúng quy định, tránh được những căn bệnh đáng tiếc”, ông N.V.H một người dân cho biết.

Chủ đầu tư lý giải kinh phí lớn nên phải xã hội hóa

Để giải đáp những thắc mắc trên của người dân, ngày 20/11 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thiệu Dương.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có 3073 hộ gia đình, 11.645 nhân khẩu, cả xã có 10 thôn.

Từ ngày 1/7/2012 xã Thiệu Dương được sáp nhập về thành phố Thanh Hóa, người dân ở xã thời trước chủ yếu dùng nước sông Mã và một số giếng tự đào, tự khoan để sinh hoạt.

Nhưng trong thời gian gần đây, do sự ô nhiễm môi trường quá lớn, trên địa bàn có nhiều người mắc bệnh và chết do bệnh ung thư. Nhiều người dân cho rằng liên quan đến nguồn nước nơi mình đang sinh sống.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Thiệu Dương trao đổi với phóng viên. Ảnh: Trực Ngôn

“Chúng tôi có làm tờ trình đề nghị với ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa, thì được ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa chấp thuận cho phép đầu tư cho xã Thiệu Dương, trong đó có cả xã Thiệu Vân, Thiệu Khánh.

Trong đó xã Thiệu Dương được đầu tư 50%, đường ống 30%. Sau khi được chấp thuận, chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn, đo đạc, thiết kế tất cả các thôn trên địa bàn toàn xã.

Nếu tính bình quân mỗi hộ phải đóng góp khoảng 15 triệu, xét thấy chi phí quá lớn nên chúng tôi không làm nữa. Tuy rằng xã là chủ đầu tư nhưng cũng không có nguồn vốn để làm.

Trong 5 tỷ đồng để đầu tư mà hỗ trợ xã được 50%, còn 50% xã bỏ ra thì ngân sách không có để chi. Cái đó hoàn toàn không thể thực hiện được.

Sau đó có đơn vị tư nhân là anh Hà, người dân địa phương, có nói với xã là sẽ đầu tư 100%. Công ty của nhà máy nước Thanh Hóa đầu tư ở 3 thôn vùng nội đê, và anh Hà đầu tư ở 7 thôn vùng ngoại đê.

Sau khi các anh ấy về làm việc với địa phương, địa phương đã thống nhất và làm tờ trình với ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa.

Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa cũng đã chấp thuận cho xã Thiệu Dương được phép đầu tư nước sạch bằng việc xã hội hóa", ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, sau khi mời đơn vị thi công về, Ủy ban nhân dân xã Thiệu Dương cũng đã họp, thống nhất với các hộ dân.

Trong đó có 3 thôn vùng nội đê là 550 hộ với giá lắp đặt 5 triệu đồng/hộ.

Các thôn vùng ngoại đê với chi phí lắp đặt hết 5 triệu đồng/hộ.

"Sau khi thống nhất, chúng tôi đã tiến hành họp dân, triển khai cho nhân dân ai có nhu cầu thì lắp mà không có nhu cầu thì thôi, chứ không bắt buộc vì cá nhân họ bỏ tiền đầu tư.

Khi tiến hành thì chúng tôi đã yêu cầu người dân phải đăng ký lắp đặt qua trưởng thôn, để tránh tình trạng người dân muốn lắp đặt nhanh chóng rồi gọi đơn vị khác vào làm thì chi phí lắp đặt sẽ bị nâng lên cao", ông Tuấn cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện trong tổng số hơn 3 nghìn hộ dân trên địa bàn xã Thiệu Dương chỉ có 1/3 hộ sử dụng nước sạch, số còn lại đang phải dùng nước máy, nước giếng khơi.

Liên quan đến thông tin lắp đặt hệ thống nước sạch được Ủy ban nhân dân thành phố Thanh Hóa đầu tư 2 tỷ 800 triệu đồng, và trong năm 2015 hỗ trợ cho Thiệu Dương hơn 300 tỷ đồng, theo lãnh đạo xã Thiệu Dương đó là những thông tin hoàn toàn không chính xác.

"2 tỷ 800 triệu đồng là ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa không đầu tư, vì xã Thiệu Dương là xã hội hóa 100%, có quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Thanh Hóa.

Thứ hai nữa là số tiền 300 tỷ đồng là toàn bộ chúng tôi tổng hợp toàn bộ kết quả xây dựng nông thôn mới của nhân dân trên địa bàn xã, gồm có nhân dân đóng góp và vốn ngân sách và vốn các doanh nghiệp.

Trong đó tiêu chí nhà ở dân cư, nhà hai tầng, ba tầng, nhà cấp 4 xây dựng trong những năm vừa qua để đạt nông thôn mới là trên 300 tỷ đồng", ông Tuấn cho biết thêm.

TRỰC NGÔN

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/ban-doc/nguoi-dan-thanh-hoa-keu-kho-vi-muon-dung-nuoc-sach-phai-nop-tien-trieu-post181840.gd