Người dân tái định cư không mặn mà nơi ở mới

Tại TP HCM, hàng nghìn căn nhà tái định cư (TĐC) đang bỏ không, trong khi nhu cầu nhà ở tại TP vẫn rất lớn. Nghịch lý này đã kéo dài từ rất lâu, cả từ các khu TĐC cũ lẫn mới. Nguyên do là nhiều khu TĐC nằm ở những nơi không thuận lợi, cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích thiếu thốn, khiến người dân quay lưng với các khu TĐC.

Dù khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi đưa vào sử dụng đã lâu, nhưng nhiều căn nhà vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Ảnh: TG

Dù khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi đưa vào sử dụng đã lâu, nhưng nhiều căn nhà vẫn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. Ảnh: TG

Thất nghiệp ở nơi ở mới

Khu TĐC Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) là một trong số ít dự án TĐC tại TP HCM được đầu tư quy mô lớn, với hơn 30ha. Vào năm 2008, để phục vụ TĐC cho các gia đình bị giải tỏa nhà, TP HCM đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng để xây dựng khu TĐC này, với quy mô 1.939 căn hộ và 529 nền đất. Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị được UBND TP giao làm chủ đầu tư dự án. Được đưa vào sử dụng từ năm 2011, hiện khu TĐC này có hàng trăm căn hộ không người ở, đang xuống cấp với dấu hiệu sụt lún, nứt vách...

Theo tìm hiểu, khu TĐC Vĩnh Lộc B không thu hút cư dân đến sinh sống vì khu này nằm khá xa trung tâm, đường đi lại bất tiện. Trong khi đó, hầu hết những người có nhà bị giải tỏa đều ở các quận xa dự án, họ có công việc tại nơi ở cũ, khi đến khu TĐC thì không có việc làm. Chính thế, những người bị giải tỏa sau này cũng không ai muốn về ở, khiến nơi đây thêm phần hoang vắng.

Bà Lê Thị Vân, một trong những cư dân đầu tiên chuyển về sinh sống ở khu TĐC Vĩnh Lộc B cho hay, so với nơi ở cũ, căn hộ của bà hiện nay khá hơn nhiều, nhưng nơi ở mới này không thuận tiện cho công việc của những người trong gia đình.

“Trước đây, khi ở nơi cũ tôi bán đồ ăn sáng, còn chồng tôi chạy xe ôm nên cuộc sống cũng đỡ. Từ khi dọn về đây, tôi không buôn bán gì được nữa, chỉ ở nhà làm nội trợ, trông chờ vào tiền chạy xe ôm của ông xã. Thêm nữa, sống ở đây tương đối vắng vẻ, không có chợ, trạm y tế, khu vui chơi dành cho trẻ con. Mang tiếng ở chung cư mà thiếu thốn nhiều thứ” - bà Vân than.

Nếu khu TĐC Vĩnh Lộc B không “hút” cư dân đến sinh sống vì quá xa trung tâm, thì khu TĐC Bình Khánh (phường Bình Khánh, quận 2) dù nằm ngay nội thành cũng không khá gì hơn. Khu TĐC Bình Khánh là dự án TĐC được UBND TP HCM yêu cầu phải trở thành dự án kiểu mẫu, đáp ứng mọi tiêu chuẩn về một nơi ở mới khang trang, hiện đại cho người dân, song sau nhiều năm vẫn vắng bóng người ở. Dự án bao gồm 3 khu: Khu 30,2ha Bình Khánh có 4.216 căn hộ; khu 38,4ha Bình Khánh có 6.220 căn hộ; khu 17,3ha An Phú - Bình Khánh có 1.844 căn hộ. Hiện tại, sau nhiều năm xây dựng, hàng loạt block cao tầng tại khu TĐC Bình Khánh đã hoàn thiện. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng hầu như nơi đây rất vắng bóng người dọn đến sinh sống. Nguyên nhân là bởi nhiều người dân thuộc diện đền bù nhưng không đủ tiền mua nền TĐC ở đây, bởi giá bán khá đắt đỏ nên người nghèo mua rồi đành bán lại suất nhà của mình cho người khác.

Mặc dù nơi ở mới được xây dựng khang trang, nhưng người dân vẫn không mặn mà với chung cư Thạnh Mỹ Lợi. Ảnh: TG

Theo ghi nhận, người dân TP không mặn mà sinh sống tại các khu TĐC nói trên vì họ ngại chi phí, không có việc làm ở nơi ở mới và không quen với lối sinh hoạt chung cư. Ông Đông, một người dân từng sinh sống ở đường Lương Định Của (phường An Phú, quận 2), nay chuyển đến khu TĐC Bình Khánh ở, nói: “Bà con chúng tôi nhiều năm sống dưới mặt đường, không tốn tiền gì hết. Vậy mà giờ đây tốn đủ chi phí, nào là tiền gửi xe máy, tiền vệ sinh môi trường..., với lại sống trên cao khó chịu lắm. Trước còn có đất nuôi gia cầm, trồng rau rồi đem ra chợ Bình Khánh bán, cũng đủ ăn hàng ngày. Nay về đây chẳng biết làm gì hết”.

Cơ quan quản lý thiếu thực tế

Sau gần 10 năm đưa vào sử dụng, đến nay khu TĐC Vĩnh Lộc B chỉ mới có chừng 25% số căn hộ có chủ, còn cả ngàn căn hộ đóng cửa, không có người nhận. Chính vì vậy, các căn hộ ở đây đã xuống cấp nhiều.

Cũng rơi vào tình trạng tương tự, khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) - là một trong những khu TĐC được TP đầu tư xây dựng với quy mô lớn, cơ sở vật chất khang trang, thoáng mát, do công tác quản lý ngày càng bị buông lỏng nên các căn hộ ở đây cũng xuống cấp không phanh.

Hệ thống đèn tại cầu thang thoát hiểm ở khu C có nhiều bóng không hoạt động nhưng không được khắc phục từ lâu, vấn đề an toàn cháy nổ của cư dân dường như bị bỏ ngỏ. Đến nay tại khu chung cư cao tầng, nhiều căn hộ vắng chủ...

Theo ý kiến của một số chuyên gia, tình trạng “vườn không nhà trống” ở các khu TĐC trên địa bàn TP có nhiều lý do, trong đó nổi lên là chất lượng nhà TĐC tương đối thấp. Trong khi đó, nhiều dự án có giá bán như chung cư thương mại nên không mấy ai mặn mà.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, hiện TP còn dư gần 14.000 căn hộ TĐC, tập trung chủ yếu ở 2 khu vực Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và Thủ Thiêm (quận 2). Điểm chung của các dự án này đó là đều vắng bóng người ở và xuống cấp nghiêm trọng. Thời gian tới, TP sẽ hạn chế tối đa xây mới dự án nhà TĐC. Hiện nay, TP cần bán hơn 7.000 căn hộ TĐC chưa sử dụng, bởi nếu để lâu sẽ xuống cấp.

Phân tích tình trạng nhà TĐC bị “ế” trong thời gian qua, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng vấn đề này xuất phát từ sự thiếu thực tế của cơ quan quản lý, ít quan tâm đến tâm lý, hoàn cảnh của người dân. Trước đây, người ta cứ nhận định đã áp giá đền bù là người dân phải chịu, không có chuyện thương lượng gì cả. Người dân TĐC chủ yếu là người nghèo quen sống trong những căn nhà cấp 4, muốn ở sao thì ở, muốn sửa sao thì sửa.

Trong khi đó, nhà TĐC là chung cư, người dân sống không quen. Hơn nữa, khâu quản lý chung cư trong khu TĐC không tốt, tiện ích không có, chất lượng xây dựng thấp… nên người dân không mặn mà. Họ thà nhận tiền, hoặc ở trong căn nhà cấp 4 chứ không chịu vào ở trong khu chung cư TĐC.

Chung cư Thạnh Mỹ Lợi đã xuống cấp nhiều do công tác quản lý bị buông lỏng. Ảnh: TG

Ông Hiển cũng khuyến cáo đã là bất động sản, nhà ở kinh doanh thì phải thỏa thuận với người dân theo giá thị trường, chứ không nên thực hiện theo kiểu áp giá đền bù thấp, rồi bố trí nhà TĐC không phù hợp. Thay vì xây nhà TĐC rồi đắp chiếu, tốt nhất là khi giải tỏa, Nhà nước nên đưa cho người dân một khoản tiền phù hợp với giá của thị trường để họ tự lựa chọn nơi sinh sống cho gia đình mình, sau đó thu hồi đất, bán cho doanh nghiệp thông qua đấu thầu, để họ sử dụng khu đất đó theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc mà TP đã định ra.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM phân tích, nhà ở TĐC có mục đích là đưa người dân tại các khu giải tỏa về sinh sống, nhưng khi về những khu chung cư cao tầng, người dân không biết làm gì để mưu sinh, trong khi các khoản chi phí tại chung cư rất cao so với thu nhập của người dân sống tại khu TĐC. Đặc biệt là việc mưu sinh gặp khó.

Chính vì vậy, người dân nhận nhà TĐC chỉ sinh sống thời gian ngắn rồi rao bán nhà, thậm chí bán không được cũng bỏ nhà đó mà đi nơi khác sống. Đây là câu chuyện đáng buồn của các khu nhà TĐC của TP hiện nay.

Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng của TP cần tính đến nhiều giải pháp đồng bộ hơn trong việc TĐC, như đào tạo và giải quyết việc làm cho người dân khi về nơi ở mới, để họ không lo lắng về việc mưu sinh. Ngoài ra, khi tính toán chỗ TĐC thì người dân khu vực đó phải được ưu tiên. Có thể không TĐC trực tiếp ở vị trí cũ nhưng không thể bố trí cho họ quá xa, có như vậy mới kéo được người dân đến với nơi ở mới.

Tây Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/bat-dong-san/nguoi-dan-tai-dinh-cu-khong-man-ma-noi-o-moi_t114c6n151313