Người dân sống chung với… ô nhiễm đến bao giờ?

Theo phản ánh của nhiều người dân xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, về tình trạng ô nhiễm không khí xung quanh khu vực Trường Mầm non Trung tâm xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Hàng ngày, khoảng 600 em nhỏ đang phải sống chung với môi trường không khí ô nhiễm, độc hại mà 'thủ phạm' là một số cơ sở sản xuất, chế biến gỗ xung quanh trường…

Lần theo phản ánh, những ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm về Trường Mầm non Trung tâm xã Hữu Bằng để tìm hiểu tình hình. Khu đất trống trước cửa trường học, rác thải xây dựng bị đổ tràn lan, những khúc gỗ, vụn gỗ phế thải nằm vương vãi khắp nơi.

Khói đen bay trên khuôn viên trường Mầm non Trung tâm xã Hữu Bằng. Ảnh: Minh Phương

Khói đen bay trên khuôn viên trường Mầm non Trung tâm xã Hữu Bằng. Ảnh: Minh Phương

Con đường dẫn vào trường thường xuyên bị các xe tải lớn chuyên chở nguyên vật liệu cho các hộ sản xuất, chế biến gỗ đỗ tràn ra đường, gây cản trở giao thông, mất vệ sinh môi trường. Trường Mầm non Trung tâm xã Hữu Bằng nằm lọt thỏm trong khu dân cư đông đúc. Xung quanh trường là những xưởng chế biến, sản xuất gỗ. Khoảng 8h30, nhìn thấy khuôn viên trường cũng là lúc chúng tôi nhìn thấy cột khói đen nghi ngút. Không khí ở đây thật khó tả, chỉ thấy cảm giác khó thở, nhức đầu. Bác bảo vệ trường đeo khẩu trang bịt kín, chia sẻ, tình trạng ô nhiễm môi trường đã diễn ra từ lâu nhưng không xử lý được dứt điểm. Khi biết chúng tôi là phóng viên đến tìm hiểu, bác bảo vệ gọi điện cho lãnh đạo trường và sau đó đóng cửa trường, mời chúng tôi ra ngoài với lý do hiệu trưởng đi vắng…

Một số phụ huynh gặp chúng tôi ngay cổng trường và đã phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ. Chị Phan Thị H. (trú tại thôn Bò, xã Hữu Bằng), cho biết: Nhà chị có 2 cháu đã và đang theo học ở trường. Nhiều năm nay, những ống khói xung quanh trường xả khói đen gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Mặc dù phụ huynh đã nhiều lần kiến nghị với nhà trường song vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Để bảo vệ các cháu, phụ huynh ở đây cũng chỉ biết cho cháu đeo khẩu trang hàng ngày để giảm thiểu ảnh hưởng. Nhiều phụ huynh đã nghĩ tới việc gửi con ở trường khác, nhưng vì không có điều kiện đưa đón nên vẫn phải gửi ở đây.

Cách trường không xa là cửa hàng tạp hóa của bà Nguyễn Thị Sáu. Bà Sáu cho biết, bà mới ra đây bán hàng khoảng vài tháng. Tình trạng ô nhiễm không khí, mùi khét hàng ngày xuất phát ống khói của những xưởng gỗ xung quanh đây, có những ngày cột khói đen bốc lên đậm đặc như có vụ hỏa hoạn. Theo hướng chỉ tay của bà Sáu chúng tôi nhận thấy có ít nhất 2 cột khói đen đang theo gió bay về hướng trường mầm non…

Theo ghi nhận, rất nhiều cơ sở chế biến gỗ đang hoạt động xung quanh trường Mầm non Hữu Bằng. Tại thôn Miếu, nơi có cột ống khói đang xả khói đen, đa phần nền nhà, tường, cửa, ban công… đều bám một lớp bụi có màu xám đen. Nhiều người dân sinh sống gần đây cho hay, các cơ sở sấy gỗ làm việc ngày đêm, nên dù đã đóng kín cửa nhưng mùi khét vẫn xộc thẳng vào trong nhà, khói đen bốc lên bao trùm cả khu vực như thể đang chìm trong sương mù.

Để tìm hiểu thêm thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Hữu Bằng, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Phan Lạc Trường, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Bằng. Ông Trường cho biết, xã Hữu Bằng có dân số trên 2 vạn người với khoảng 1.200 hộ sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ. Đa số hộ làm nghề đã từ rất lâu, việc xả khói thải ra môi trường không chỉ ảnh hưởng trường mầm non mà còn ảnh hưởng chung đến người dân trong khu vực. Chính cán bộ nhân viên của xã cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ ô nhiễm khói bụi này.

Theo ông Trường, riêng xung quanh khu vực trụ sở Ủy ban nhân dân xã và Trường Mầm non Hữu Bằng có khoảng 10 cơ sở sản xuất sử dụng công nghệ ép, xẻ, gỗ tẩm thuốc chống mối mọt sau đó sấy khô. Quá trình sấy khô, những cơ sở này đã trực tiếp xả thải ra môi trường những cột khói đen có mùi khét. Người dân làng nghề có điều kiện kinh tế cao, khi có biểu hiện không tốt đến sức khỏe người dân thường đến các bệnh viện của Thành phố hoặc Trung ương để khám chữa bệnh, do đó y tế xã gần như không đánh giá được tác động của việc ô nhiễm môi trường đến sức khỏe. Hàng năm liên tục có đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội và phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thạch Thất về làng nghề để đánh giá tác động môi trường, kết quả ô nhiễm nhưng chưa đánh giá được hết mức nguy hại.

“Chính quyền xã Hữu Bằng cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất trên địa bàn tìm mọi biện pháp để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm, nhưng các xưởng vẫn chỉ đưa ra giải pháp tạm thời. Về lâu dài, xã đề nghị các cơ quan chức năng huyện Thạch Thất và Thành phố sớm triển khai dự án Cụm công nghiệp Hữu Bằng nhằm tạo mặt bằng sản xuất với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp, hộ sản xuất mở rộng và phát triển sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương”, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Bằng chia sẻ…

Với phương châm “phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường sống” mà Chính phủ đã và đang triển khai, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân và các cháu học sinh./.

Được biết, ngày 28/1/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 887/VP-KT yêu cầu các sở, ngành rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) diện tích 30ha. Hiện trạng khu vực đề xuất thành lập cụm công nghiệp là đất nông nghiệp được giao cho các hộ theo Chỉ thị 100/CT-TW ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về việc cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Ngành nghề hoại động chủ yếu của cụm công nghiệp là sản xuất đồ nội thất, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Ủy ban nhân dân Thành phố giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì, phối hợp các sở: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ quy định hiện hành về quy hoạch, đất đai và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Văn bản số 5626/VP-KT, ngày 23/7/2018, của Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo cụ thể trình tự, thủ tục lập điều chỉnh các quy hoạch có liên quan đảm bảo phù hợp Quy hoạch chung xây dựng huyện Thạch Thất đã được phê duyệt, hướng dẫn Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất thực hiện theo quy định.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân, từ đó đến nay việc khi nào đưa vào sử dụng Cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng vẫn “giậm chân tại chỗ”. Việc thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Hữu Bằng sẽ phục vụ di dời, mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất hộ gia đình, cá nhân trong làng nghề Hữu Bằng. Từ đó, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng chống nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư.

Minh Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nguoi-dan-song-chung-voi-o-nhiem-den-bao-gio-120804.html