Người dân Sơn La gặp nhiều khó khăn để tái đàn, bình ổn giá thịt lợn

Sau đợt dịch tả lợn châu Phi cộng thêm giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, việc kinh doanh của nhiều tiểu thương trên địa bàn tỉnh Sơn La gặp nhiều khó khăn.

Khảo sát nhanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Sơn La, giá thịt lợn hơi vẫn ở mức trên dưới 90.000 đồng một kilôgam và giá thịt lợn thương phẩm trên dưới 160.000 đồng một kilôgam.

Thực tế hiện nay, việc người dân còn tâm lý e ngại tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi, chi phí cho con giống đầu vào, vật tư thú y hay thức ăn chăn nuôi đều tăng giá trong thời gian qua đã cho thấy việc làm sao để giảm giá thịt lợn là bài toán khó có lời giải.

Những năm trước, khi giá lợn hơi còn ở mức dưới 60.000 đồng mỗi kilôgam thì các cơ sở giết mổ như thế này cũng bận rộn hơn. Lợn mổ xong bán chạy, lãi có thể tới hơn 2 triệu mỗi con. Nhưng giờ thì các chủ lò mổ đều ngán ngẩm khi giá lợn hơi nhập vào đã hơn 90.000 đồng mỗi kilôgam.

Chị Lường Thị Hương chia sẻ: “Hiện tại là dân bây giờ trắng chuồng. Chúng em đi bắt rất là khó luôn. Có khi hai ba ngày mới bắt được một con lợn.”

Mười lăm năm trong nghề kinh doanh thịt lợn thương phẩm nhưng chưa bao giờ chị Việt thấy giá thịt lợn cao như thời điểm này. Sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào năm ngoái khiến số lượng lợn sụt giảm mạnh, lại thêm giãn cách xã hội vì dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh của các tiểu thương khá khó khăn.

“Người lấy đổ ra phải bán một trăm rưỡi họ mới có công thì nó thành một yến gạo – một cân thịt thì nói thật ra là rất khó khăn cho những người dân. Kể cả những người buôn bán như chúng tôi cũng rất khó khăn,” chị Đỗ Thị Việt - Tiểu thương chợ 7/11, thành phố Sơn La băn khoăn chia sẻ.

Ảnh hưởng từ giá thịt lợn tăng cao phần nào khiến bữa cơm của những người nội trợ vơi bớt đi món ăn truyền thống.

Chị Hoàng Thị Huyền Trang cho biết: “Ảnh hưởng thực tế nhất là bữa cơm gia đình. Tại vì giá thịt lợn tăng cao như thế này thì phải bớt đi một tí. Không mua được nhiều như trước nữa.”

“Từ lâu lâu rồi toàn mua giá mười sáu, mà như các cô thì lương hưu thấp lắm. Lương hưu của cô cả tháng không đủ được,” bà Lê Thị Lý, cán bộ về hưu ở thành phố Sơn La chia sẻ.

Thời điểm này, tổng đàn lợn của cả tỉnh Sơn La là hơn năm trăm nghìn con, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhiều địa phương tại Sơn La vẫn chưa hết dịch tả lợn châu Phi, do vậy tâm lý của người dân còn khá e ngại khi tái đàn, cộng thêm một số nguyên nhân khách quan có thể dẫn tới việc giá thịt lợn leo thang và vẫn ở mức cao.

Qua trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La được biết: “Giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng. Giá vật tư đầu vào như thuốc thú y, thuốc sát trùng cũng tăng và người chăn nuôi cũng phải chi phí nhiều cho khử trùng, tiêu độc là phải thực hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó các yếu tố như vật tư đầu vào, đặc biệt là con giống thời điểm này giá rất cao so với trước.”

Có thể thấy, giá thịt lợn thương phẩm tuân theo quy luật thị trường. Khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá thịt thương phẩm sẽ tăng theo. Mặc dù đã có sự điều tiết nguồn cung từ Chính phủ để đáp ứng sự mong mỏi giá thịt lợn sẽ được bình ổn của người dân nhưng trên thực tế thì việc này sẽ khó có thể thực hiện được trong một sớm một chiều./.

Nguyễn Hào (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguoi-dan-son-la-gap-nhieu-kho-khan-de-tai-dan-binh-on-gia-thit-lon/639748.vnp