Người dân rất quan tâm việc phát huy dân chủ của nhân dân

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đã trao đổi với báo chí về việc tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân về các dự thảo văn kiện trình Đại hội.

PV: Xin đồng chí cho biết, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc: Ban Dân vận Trung ương đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức 24 cuộc lấy ý kiến nhân dân góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Qua đó, lấy ý kiến đại diện các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, các tầng lớp công nhân, người lao động, nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi. Điều đó cho thấy sự công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị, thể hiện được "ý Đảng, lòng dân".

Các góp ý của đại diện các tầng lớp nhân dân thể hiện sự tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao đối với Đảng, nhân dân, đất nước. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần cầu thị, dân chủ ngày càng cao của Đảng, nhân dân và xã hội, phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Điều này cũng thể hiện được chiều sâu của sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.

PV: Qua công tác tổ chức tiếp thu các góp ý của nhân dân, những vấn đề nổi bật nào được người dân quan tâm, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc: Người dân rất quan tâm đến các dự thảo văn kiện, trọng tâm là báo cáo chính trị, trong đó vai trò của nhân dân được xem là chủ thể và có vị trí rất quan trọng, được đề cao trong mọi mặt, lĩnh vực, nhiệm vụ của báo cáo chính trị. Người dân rất quan tâm đến việc phát huy dân chủ của nhân dân. Rất nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ đóng góp cho thành tố nhân dân làm chủ trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý với phương châm "dân biết, dân bàn" và lần này bổ sung thêm hai thành tố mới là "dân giám sát" và "dân thụ hưởng". Người dân rất quan tâm, đồng tình ủng hộ và đóng góp rất nhiều ý kiến xác đáng.

Có thể kể ngày càng hoàn thiện hơn cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội đóng vai trò nòng cốt, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội, trong góp ý xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Hoàn thiện hơn nữa cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng, thông qua dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và dân chủ cơ sở cần phải được thể chế bằng chính sách pháp luật.

Vấn đề thứ hai mà người dân luôn quan tâm đó là thành tố khơi dậy "ý chí khát vọng phát triển đất nước". Người dân đánh giá cao thành tố này và kiến nghị rất nhiều giải pháp, nhiều nội dung cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để làm sao có sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các giai tầng xã hội đóng góp vào quá trình phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề thứ ba là người dân quan tâm 3 đột phá chiến lược: Đồng bộ về thể chế, phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Người dân đóng góp rất nhiều giải pháp bởi mục đích của đột phá chiến lược phát triển đất nước nhanh, bền vững và mục tiêu cốt lõi là phục vụ cho lợi ích của nhân dân.

Vấn đề người dân quan tâm sâu sắc hơn nữa là công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, trong đó nội dung rất quan trọng là công tác phòng, chống tham nhũng. Người dân quan tâm, đồng tình ủng hộ, đánh giá cao về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và mong muốn rằng sắp tới phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, sự phục vụ nhân dân. Đồng thời đề nghị phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc kê khai tài sản, thu nhập, việc giải trình những tài sản bất minh, không lý do và thu hồi tài sản do tham nhũng mà có. Người dân quan tâm và kiến nghị rất nhiều giải pháp. Chúng ta làm tốt điều đó thì người dân đánh giá rất cao, củng cố được niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn sắp tới.

Nội dung mà người dân quan tâm tiếp nữa là chủ trương, đường lối của Đảng đã đúng, đã trúng thì phải nhanh chóng thể chế chính sách, pháp luật, để làm sao chủ trương đi vào cuộc sống một cách thuận lợi, đồng bộ, thống nhất, toàn diện và hiệu quả nhất. Cuối cùng người dân đóng góp rất nhiều về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng còn nợ đọng các văn bản dẫn đến khoảng trống pháp lý, dễ có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau sẽ gây cản trở quá trình phục vụ nhân dân. Vì vậy nhân dân kiến nghị cũng nên nghiên cứu xây dựng Luật kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật.

PV: Đề nghị đồng chí cho biết những định hướng lớn trong đổi mới phương thức công tác dân vận của Đảng trong thời gian tới?

Đồng chí Nguyễn Phước Lộc: Công tác dân vận phải tiếp tục được đổi mới, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chung sức, chung lòng cho những mục tiêu chung của đất nước. Đồng thời, quan tâm đến cuộc sống, quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu - nghèo, đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, quan tâm các đối tượng yếu thế trong cuộc sống, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng đánh giá cán bộ, đảng viên.

Mọi nhiệm vụ của hệ thống chính trị phải hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, công tác dân vận gắn liền với công tác xây dựng Đảng, gắn liền với sự nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hành dân chủ, tạo đồng thuận xã hội, đảm bảo cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

PV

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nguoi-dan-rat-quan-tam-viec-phat-huy-dan-chu-cua-nhan-dan-628530/