Cuộc sống của người dân quanh nhiệt điện Vĩnh Tân

Từ khi dự án nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) hoạt động vào tháng 9/2014, người dân địa phương phản ánh việc môi trường biển, nước và không khí bị ô nhiễm.

Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân được chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600 MW và một cảng biển, được xây dựng bên quốc lộ 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Phát điện 3 là chủ đầu tư của 3/4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, bao gồm Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Các ống xả khói và bụi từ bãi xỉ than của nhà máy này bị gió biển đẩy vào khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm.

Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân được chạy bằng than đá, với tổng công suất lên đến 5.600 MW và một cảng biển, được xây dựng bên quốc lộ 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Phát điện 3 là chủ đầu tư của 3/4 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, bao gồm Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng. Các ống xả khói và bụi từ bãi xỉ than của nhà máy này bị gió biển đẩy vào khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm.

Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, khánh thành vào tháng 9/2019, có vị trí rất gần khu dân cư. Các chất ô nhiễm đặc trưng trong khí thải phát sinh từ các nhà máy nhiệt điện đốt than, bao gồm SO2, NOx và các hạt bụi. Do đó, nhà máy sẽ là nguồn phát thải khí ô nhiễm lớn nếu không có các biện pháp, hệ thống xử lý khí thải tương ứng. Đại diện EVN khẳng định đơn vị này đã có các biện pháp xử lý tại nguồn (chọn than có chất lượng tốt, lắp đặt vòi đốt Low-NOx) và lắp đặt các hệ thống khử SO2 (FGD) với hiệu suất trên 90%, hệ thống khử NOx (SCR) với hiệu suất 75%-90%; hệ thống lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất khử trên 99%.

Ông Hoàng Mình Thuận (49 tuổi, thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân) cho biết sau vụ tụ tập đông người năm 2015, lãnh đạo nhà máy và chính quyền địa phương cam kết với người dân sẽ sử dụng xe bồn kín để vận chuyển tro nhưng hàng ngày vẫn có những chuyến xe ben chở tro, xỉ than được che chắn sơ sài hoạt động.

Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, hiện bãi xỉ than của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân đã cao hàng chục mét, hàng chục triệu tấn tro xỉ than được chôn lấp. Vị trí bãi xỉ than của nhiệt điện Vĩnh Tân chỉ cách quốc lộ 1 khoảng 1 km và rất gần khu dân cư. EVN khẳng định đơn vị có các biện pháp lu lèn, tạo ẩm để hạn chế khả năng phát tán bụi. Các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, 4 và 4 mở rộng đang chuyển giao tro xỉ cho đối tác sản xuất vật liệu xây dựng. Đến nay Vĩnh Tân 4 đã chuyển giao được 60%, Vĩnh Tân 2 là 18-20% tro bay để làm phụ gia xi măng.

Hoạt động của nhà máy về đêm. Bằng mắt thường không khó để quan sát thấy khói theo gió lan xa.

EVN cho biết để giảm thiểu lượng bụi phát thải ra môi trường, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng đều lặp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) cho từng tổ máy. Ngoài ra các nhà máy này đều đã lắp đặt các hệ thống quan trắc khí thải tự động liên tục (24/24h) kết nối trực tiếp về Sở TNMT Bình Thuận, UBND xã Vĩnh Tân để người dân có thể theo dõi, giám sát.

Nhiều người dân sống tại khu vực cạnh nhà máy cho biết dù luôn đóng cửa kín, mỗi ngày họ phải lau chùi nhà cửa nhiều lần mà vẫn không hết bụi. Bụi bám dày dặc trên mái tôn khiến nguồn nước mưa tại đây đục ngầu không sử dụng được. Vào năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã có khuyến cáo người dân gần khu vực bãi xỉ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không nên dùng nguồn nước ngầm để sinh hoạt.

Anh Nguyễn Xá (38 tuổi, ngư dân hành nghề lặn biển ở xã Vĩnh Tân) cho biết gần khu vực miệng xả nước làm mát của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 xuất hiện tình trạng nước đục, trắng như nước cơm, rất nóng và ngứa. Tàu bè đi qua khu vực này rất khó khăn do dòng nước đổ thẳng ra biển rất mạnh. Theo EVN, nước làm mát của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng chính là nước biển tự nhiên được bơm từ biển vào để làm mát bình ngưng của nhà máy và sau đó được trả lại biển. Nước làm mát chỉ gia tăng nhiệt độ chứ không làm thay đổi bản chất về hóa học, vật lý so với nước biển tự nhiên.

Anh Xá còn cho biết thêm từ khi dự án nhiệt điện này hoạt động, khiến lượng cá tôm gần bờ ngày một ít.

Vào tháng 6/2018, nhiều hộ nuôi cá nuôi lồng bè trên vùng biển Vĩnh Tân, cách trung tâm Điện lực Vĩnh Tân khoảng 1 km, cho biết có hiện tượng chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Nhiều ngư dân phải đi lặn hoặc đánh bắt xa bờ, thậm chí nhiều người phải bỏ đi xứ khác để làm ăn.

Vị trí nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh. Google Maps.

Quỳnh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-song-cua-nguoi-dan-quanh-nhiet-dien-vinh-tan-post1001186.html