Người dân Phú Nhi kiếm trăm triệu mỗi năm nhờ làm bánh tẻ

Chỉ từ những nguyên liệu hết sức quen thuộc trong đời sống hàng ngày người dân Phú Nhi phường Phú Thịnh (Sơn Tây, Hà Nội) đã chế biến thành những chiếc bánh tẻ thơm ngon nức tiếng gần xa. Nhờ có bánh tẻ nhiều người dân Phú Nhi có thu nhập ổn định, có những hộ kiếm hàng trăm triệu mỗi năm.

Mặc dù sau Tết Nguyên đán khá lâu, nhưng cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình vẫn tất bật, nhộn nhịp. Chỗ này đang quấy bột, chỗ kia đang ra bột, vào nhân, gói bánh, quấn dây rồi cho bánh vào khay mang đi hấp. Mỗi người làm một việc, tất cả tạo thành một quy trình khép kín.

Người dân Phú Nhi kiếm trăm triệu nhờ làm bánh tẻ

Người dân Phú Nhi kiếm trăm triệu nhờ làm bánh tẻ

Bà Phạm Thị Bình, chủ cơ sở sản xuất bánh tẻ Thanh Bình, người có thâm niên làm bánh hàng chục năm chia sẻ: Để làm nên chiếc bánh ngon, người thợ phải chuẩn bị nhiều công đoạn và tỉ mỉ trong suốt thời gian làm. Trong đó, muốn cho bánh trắng phải chọn được gạo ngon thơm tự nhiên. Tùy theo thời tiết mà ngâm gạo, nếu trời nóng thì ngâm gạo khoảng 2 ngày, trời lạnh ngâm lâu hơn để bánh không bị cứng rồi xay thành bột. Sau đó, phải đun bột cho đặc lại, có độ dính như keo, vừa đun vừa quấy đều cho bột mềm, mịn, tránh vón cục. Đặc biệt, bột không được chín hoặc khê, công đoạn này người ta gọi là “ráo bột”. Đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình làm bánh. Bánh có ngon hay không là nhờ vào chất lượng bột được ráo. Phú Nhi có bí quyết riêng trong khâu ráo bột nên bánh tẻ ở đây luôn có hương vị độc đáo.

Nhiều công đoạn tỉ mỉ trong suốt thời gian làm bánh

Những chiếc bánh tẻ được ra bột, vào nhân

Công đoạn làm nhân bánh tẻ không quá phức tạp nhưng cũng cần có kinh nghiệm. Chọn thịt ba chỉ ngon thái nhỏ, hành khô bóc vỏ băm nhuyễn, mộc nhĩ ngâm nước cho nở rồi thái chỉ. Tất cả ướp gia vị và hạt tiêu cho thơm, khi hỗn hợp đã ngấm thì cho lên bếp xào chín. Khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, tiến hành gói bánh. Lá dong và lá chuối rửa sạch, cho bột lên lớp lá dong rồi thêm nhân vào giữa, cuốn lá dong lại, cuốn lá chuối ngoài cùng ôm lấy lá dong và bánh tẻ bên trong. Cố định bánh bằng dây lạt hoặc dây chuối khô rồi hấp, sau khoảng 1 giờ 30 phút là chín một mẻ bánh. Trước đây các sở hấp bánh đun bằng củi, nhưng giờ đây hấp bánh bằng nồi điện vừa nhanh hơn và cũng được nhiều hơn (một mẻ hấp được trên 500 bánh chỉ hơn 1 giờ). Bánh tẻ ngon nhất là ăn lúc nóng. Bóc phần lá ra, chiếc bánh vẫn còn nóng hổi, hiện ra trắng ngần với mùi thơm dung dị từ lá dong, bột gạo nấu chín ôm phần nhân mỡ màng, khiến ai đã thưởng thức khó lòng quên được.

Bánh tẻ được gói bằng lá dong, bên ngoài quấn nhiều vòng dây

Mỗi ngày gia đình bà Bình làm đến gần 4.000 chiếc bánh tẻ

Áp dụng công nghệ mới để tiết kiệm sức người nhưng vẫn đảm bảo chất lượng

Trước đây giá mỗi chiếc bánh giá từ 6-8 nghìn đồng, từ ngày giá thịt lợn tăng giá mỗi chiếc bánh từ 8-10 nghìn đồng. Với các cơ sở sản xuất lớn, thời gian cao điểm của việc sản xuất và tiêu thụ bánh tẻ là từ tháng 9 đến tháng 3, đặc biệt dịp sát và sau Tết Nguyên đán. Vào thời điểm đó, mỗi ngày gia đình bà Bình và các hộ khác làm đến gần 4.000 chiếc bánh tẻ, huy động hàng chục nhân công làm suốt ngày đêm.

Hầu như người phụ nữ Phú Nhi nào trong làng cũng biết làm bánh

Thời gian thấp điểm là khoảng tháng 4 đến tháng 8, nhưng mỗi ngày gia đình bà Bình cũng làm đến hơn 1.000 chiếc bánh. Khách hàng của bà chủ yếu là khách quen đặt trước. Thường mỗi lần mua 20 - 50 chiếc bánh để mang về thưởng thức tại gia đình, hoặc các nhà hàng ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội đặt hàng. Thậm chí, có người mua đến 200 - 300 cái bánh để làm quà biếu cho họ hàng xa. Món bánh tẻ qua đó cũng được mang đi rất nhiều nơi khắp đất nước. Giờ đây, bánh tẻ Phú Nhi được đóng cẩn thận trong thùng xốp hay thùng carton để khi chuyển tới tay khách hàng, bánh vẫn còn nóng và thơm. Khách phương Nam cũng đặt bánh, thậm chí khách ở Lào, Campuchia, Hàn Quốc...cũng thường xuyên đặt và thưởng thức loại bánh đặc sản này. Bà Bình tiết lộ mỗi chiếc bánh trung bình bà lãi được chừng 2 nghìn đồng. Tính sơ mỗi ngày cơ sở của bà Bình thu về khoảng vài triệu, một năm trừ chi phí cũng còn lãi vài trăm triệu đồng.

Nhờ có bánh tẻ nhiều người dân có thu nhập ổn định

Ngày nay, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi đang trở thành nghề kinh tế mũi nhọn của phường Phú Thịnh, mang lại cuộc sống khá giả cho nhiều hộ gia đình.

Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-dan-phu-nhi-kiem-tram-trieu-moi-nam-nho-lam-banh-te-132022.html