Người dân phía nam Hà Nội sắp được hưởng nguồn nước sạch uống tại vòi

Sau khi chính thức đưa vào vận hành giai đoạn 1, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đã tiến hành đánh chìm tuyến ống thép qua sông Hồng có chiều dài 500m, dẫn nước sạch sang khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì thay thế cho nguồn nước bị nhiễm phèn của người dân phía Nam TP Hà Nội…

Đầu tháng 10 vừa qua, Công ty Nước mặt Sông Đuống đã chính thức đưa vào vận hành Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1. Theo đó, nhà máy sẽ cung cấp 150.000 m3 nước/ngày đêm và đang triển khai giai đoạn 2 với dự kiến 300.000 m3 nước/ngày đêm. Việc nhà máy nước mặt sông Đuống vừa khánh thành xong giai đoạn 1 là niềm vui không nhỏ cho người dân huyện Gia Lâm, phần nào làm vơi đi nỗi lo về nước sinh hoạt vốn ám ảnh người dân tại nhiều xã.

Ngày 16/10 vừa qua, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đã tiến hành đánh chìm tuyến ống thép dẫn nước qua sông Hồng có chiều dài 500m, dẫn nước sạch sang khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì

Anh Chử Văn Tùng, Đội 14, Thôn Chử Xá, xã Văn Đức, Gia Lâm bày tỏ: “Kể từ khi khởi công dự án, người dân ở khu vực lân cận đã rất hưởng ứng. Bởi trước nay, người dân ở đây vẫn phải dùng nước giếng khoan, các gia đình đều phải có bể tự lọc nhưng cũng không đảm bảo. Do đó, rất mong chờ dự án hoàn thành, cấp nước đến các hộ dân”.

Gia đình có con nhỏ, rất dễ bị nhiễm các bệnh ngoài da từ nguồn nước, nên từ khi biết đến dự án, Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, thôn Thượng, xã Dương Hà, Gia Lâm ngày đêm mong dự án sớm đi vào hoạt động.

“Sử dụng nước giếng khoan là đường cùng. Nay có nhà máy nước sạch ngay trong vùng rồi thì người dân sẽ yên tâm hơn, sớm muộn cũng sẽ có nước sạch yên tâm sử dụng”- chị Hoa chia sẻ.

Không chỉ có người dân Gia Lâm, hàng triệu người dân Thủ đô đang phải đối mặt với nguy cơ nước sinh hoạt ngày một khan hiếm, thường xuyên đe dọa mất nước vào mùa hè, thậm chí một số khu dân cư còn rơi vào cảnh nước ô nhiễm.

Hơn hai năm nay, trên 4000 hộ dân sinh sống tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì phải sử dụng nguồn nước bẩn được cung cấp bởi trạm cấp nước Yên Kiện. Nguồn nước nhiễm Asen gấp 6 lần được vận chuyển đến người dân thông qua những ống nước rỉ sét, mọc đầy rêu.Để có nước sử dụng, người dân ở đây phải mua máy lọc nước để lọc lấy nước nước sinh hoạt hằng ngày. Do nguồn nước bẩn quá nên các cục lọc thường xuyên bị tắc, trung bình cứ 1,5 – 2 tháng là phải thay lõi lọc một lần.

Khu vực Định Công (quận Hoàng Mai) là nơi cũng thường xuyên thiếu nước sạch vào mùa hè các năm trước. Người dân nơi đây đã quen với lịch lấy nước vào nửa đêm về sáng. Vì vậy, việc tiến hành thành công đánh chìm tuyến ống thép dẫn nước qua sông Hồng được người dân các huyện Hoàng Mai, Thanh trì kỳ vọng góp phần cung cấp đủ nguồn nước sạch vào mỗi dịp hè. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho hàng triệu người dân Thủ đô trong bối cảnh nước sinh hoạt đang ngày một khan hiếm.

Toàn cảnh Nhà máy

Theo ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, việc hoàn thành giai đoạn 1 của Nhà máy nước mặt Sông Đuống 150.000 m3/ngày đêm, đã có thể cấp nước cho gần như toàn bộ 5 huyện ở phía Bắc Hà Nội. Hiện nay cũng đã thành công trong việc đánh chìm 2 đường ống phi 1.500m qua Sông Đuống và Sông Hồng để dẫn nước theo đường vành đai 3 về cấp nước cho khu vực Thanh Trì, Thường Tín ở phía Nam.

“Chúng tôi sẽ nghiên cứu mở rộng thêm một số huyện ở phía Nam. Như vậy, chúng ta đã bổ sung cấp nước đô thị và đặc biệt mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn, nơi mà người dân hiện nay vẫn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Điều này rất quan trọng”, ông Dục nhấn mạnh.

Ông Dục cũng cho biết, căn cứ vào quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt đồng thời hiệu chỉnh cục bộ hiện nay, giai đoạn 2 của Nhà máy nước mặt Sông Đuống được xem là một trong những dự án ưu tiên và cấp thiết hàng đầu.

“Với tiến độ của giai đoạn 1 cộng với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, đặc biệt thường trực Thành ủy của UBND Thành phố, của nhân dân, Chính quyền địa phương và các sở ngành, chúng tôi tin tưởng rằng đến năm 2020, chúng ta sẽ hoàn thành Giai đoạn 2 với 300.000m3 /ngày đêm và xa hơn nữa chúng ta sẽ bảo đảm được quyền cấp nước từ 600.000 đến 900.000 m3 - công suất cuối cùng của Nhà máy nước mặt sông Đuống” – ông Lê Văn Dục cho biết.

Liên quan đến giá nước sạch sông Đuống, hiện nay, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao cho Sở Xây dựng cùng các sở, ngành liên quan xây dựng phương án giá bán nước sạch đảm bảo hài hòa lợi ích người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, cần hướng dẫn các đơn vị cấp nước bán lẻ thực hiện đấu nối chuyển nguồn từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống trong phạm vi cấp nước của dự án.

Hạnh Nguyên

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/nguoi-dan-phia-nam-ha-noi-sap-duoc-huong-nguon-nuoc-sach-uong-tai-voi-d2057111.html