Người dân phẫn uất vì huyện Ân Thi muốn làm nhanh dự án để lấy thành tích!

Mặc dù không có thông báo hay quyết định thu hồi nhưng UBND huyện Ân Thi vẫn chỉ đạo lực lượng công an hỗ trợ thi công tại Dự án quản lý tài sản giao thông đường bộ Việt Nam (VRAMP) khu vực thôn La Mát.

Tòa soạn Pháp luật Plus nhận được Đơn thư của 7 hộ dân gồm: Đặng Đình Được; Nguyễn Thị Xuân; Lê Duy Vụ; Trần Văn Mạch; Đặng Đình Tuấn; Ngô Văn Duấn; Ngô Xuân Trường đã tố cáo hành vi trái pháp luật của UBND huyện Ân Thi và UBND xã Phù Ủng trong việc thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án quản lý tài sản giao thông đường bộ Việt Nam (VRAMP).

UBND huyện Ân Thi đã chỉ đạo máy xúc múc đất khu vực trước cửa nhà ông Lê Duy Vụ (ảnh chụp ngày 14/1/2019).

UBND huyện Ân Thi đã chỉ đạo máy xúc múc đất khu vực trước cửa nhà ông Lê Duy Vụ (ảnh chụp ngày 14/1/2019).

Nguồn gốc đất rõ ràng

Theo đơn thư phản ánh của 7 hộ dân, Pháp luật Plus xin trích đăng: "UBND xã Phù Ủng, UBND huyện Ân Thi thực hiện việc thu hồi đất trong khoảng thời gian từ tháng 11/2018 đến tháng 08/2019 tại thôn La Mát.

Tuy nhiên, do việc xác định nguồn gốc và loại đất không đúng, gây thiệt hại đến quyền lợi của người sử dụng đất nên chưa đạt được sự đồng tình của gần chục hộ dân ở đây.

Nguồn gốc đất đã sử dụng từ trước ngày 15/10/1993. Có hộ mua của UBND xã Phù Ủng theo chế độ giãn dân hoặc được cấp, có hộ được thừa kế của cha ông để lại có nguồn gốc từ trước năm 1945, có hộ lại nhận chuyển nhượng lại từ người mua của UBND xã Phù Ủng.

Quá trình sử dụng đất ổn định, đã tôn tạo, xây dựng trên đất không gặp bất cứ sự cản trở nào của chính quyền địa phương. Đất đều đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện đang nộp thuế cho Nhà nước với loại đất ở nông thôn.

Tuy nhiên, để thực hiện dự án thì vào ngày 14/01/2019, UBND huyện Ân Thi chỉ đạo cho máy móc đào toàn bộ phần đất dưới mặt đường sâu khoảng hơn 1m trong phần sân gạch nhà ông Lê Duy Vụ và nhà ông Trần Văn Mạch. Tiếp đến, ngày 29/01/2019 tổ chức phá dỡ sân bê tông, tường bao, cổng, mái nhà, chặt cây của hộ ông Đặng Đình Được và phá dỡ sân bê tông nhà bà Nguyễn Thị Xuân".

Máy xúc tiếp tục xúc đất khu vực trước nhà bà Xuân (ảnh chụp ngày 28/8/2019).

Bức xúc trước việc cưỡng chế trái pháp luật ngày 14/01/2019 và ngày 29/01/2019 nên các hộ dân đã tố cáo sự việc này đến Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên. Mặt khác, họ không đồng ý bàn giao mặt bằng để chờ kết quả giải quyết.

Tuy nhiên, ngày 28/08/2019, UBND huyện Ân Thi tiếp tục tổ chức lực lượng để "tăng tốc" thi công dự án. Buổi hỗ trợ thi công này có đầy đủ lực lượng chức năng, ban ngành của huyện và thực hiện bài bản như một buổi "cưỡng chế". Trong quá trình này đã xảy ra xô xát dẫn đến việc anh Đặng Đình Phương - một người dân phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Video ghi lại cảnh rất đông lực lượng Công an hỗ trợ như một buổi "cưỡng chế" đất nhà dân (Clip ghi lại ngày 28/8/2019).

Hơn nữa, việc Sở GTVT Hưng Yên có văn bản cho rằng việc chính quyền cấp xã hoặc cấp huyện giao đất, cấp đất ở cho các hộ dân sau ngày 21/12/1982, có phần diện tích đất ở nằm trong hành lang đường bộ là trái pháp luật.

UBND huyện giao các cơ quan chuyên môn kiểm tra để hủy bỏ các hành vi trái pháp luật trên theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi Nhà nước mở rộng QL 38, toàn bộ phần đất ở giao trái pháp luật do các cấp chính quyền giao trong hành lang bảo vệ đường bộ không được bồi thường.

Chính điều này khiến người dân chưa đồng thuận với việc xác định nguồn gốc đất nên chưa đồng ý nhận tiền bồi thường.

"Tôi không hiểu các vị quan ở huyện Ân Thi được ăn học, đào tạo bài bản ấy vậy mà không thấu đáo xử lý vụ việc này cho dân khâm phục, để giờ chạy theo thành tích mà lỡ lòng nào đẩy dân vào chốn khốn cùng. Dân không nhận được văn bản cưỡng chế, thế mà các ông ấy tổ chức hàng trăm người đầy đủ ban bệ, phương tiện như một buổi cưỡng chế hoành tráng chỉ vì mấy mét đất", ông Lê Duy Vụ bức xúc nói.

Nhiều người dân phản đối việc "cưỡng chế" thu hồi đất tại khu vực thôn La Mát (ảnh chụp ngày 28/8/2019).

Để làm sáng rõ sự việc Phóng viên Pháp luật Plus đã có buổi làm việc với ông Dương Tuấn Doan – Chánh văn phòng UBND huyện Ân Thi. Ông Doan cho biết: “Cái Đơn này gửi lâu rồi. Hiện tại các hộ đã nhận hết tiền hỗ trợ. Trực tiếp tôi và đồng chí chủ tịch UBND huyện đã xuống đối thoại với 7 hộ này. Gia đình ông Vụ là hộ nhận cuối cùng”.

Khi được hỏi về việc ngày 28/8/2019 UBND huyện Ân Thi và UBND xã Phù Ủng đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an huyện và các lực lượng khác lên tới hàng trăm người để tiến hành cưỡng chế thì ông Doan cho hay: “Đó không phải là cưỡng chế mà là hỗ trợ thi công. Các hộ đã nhận hết tiền rồi. Xong xuôi rồi bây giờ lại phản đối nên cho lực lượng Công an xuống hỗ trợ”.

Trái ngược với lời khẳng định "như đinh đóng cột" của Chánh văn phòng UBND huyện Ân Thi thì UBND xã Phù Ủng lại phản hồi ngược lại. “Hiện tại vẫn đang còn 4 hộ chưa nhận tiền nên rất khó khăn trong việc bàn giao mốc giới cho đơn vị thi công”, đại diện UBND xã Phù Ủng cho hay.

"Cưỡng chế" trái pháp luật

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc Phóng viên Pháp luật Plus đã có buổi trao đổi với Luật sư Nhâm Mạnh Hà – Công ty Luật TNHH Luật Gia Vũ. Luật sư Hà cho biết: "Theo hồ sơ mà 7 hộ dân cung cấp thì UBND huyện Ân Thi và UBND xã Phù Ủng tổ chức giải tỏa hành lang đường bộ thực tế là cưỡng chế giải phóng mặt bằng trái pháp luật.

Nếu các hộ trên vi phạm hành lang thì phải có Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông. Việc giải tỏa phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục tuân thủ các quy định của Luật Xử lý Vi phạm hành chính ngày 20/6/2012 và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Việc giải tỏa hành lang đường bộ (nếu có) chỉ tiến hành khi đã Thông báo yêu cầu thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến đối tượng vi phạm và gửi quyết định cưỡng chế của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà người vi phạm không thực hiện theo quyết định cưỡng chế đó.

Đến nay, các hộ trên không được nhận bất cứ văn bản nào của UBND xã Phù Ủng, huyện Ân Thi về việc cưỡng chế giải tỏa hành lang an toàn giao thông.

Nói về nguồn gốc đất của 7 hộ dân thì trên cùng một dải đất nhưng UBND huyện Ân Thi lại xác định loại đất khác nhau là không thống nhất và không có căn cứ".

Văn bản của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên.

"Sở GTVT tỉnh Hưng Yên đã viện dẫn quy định Điều 7, Điều 8 Nghị định 203/HĐBT ngày 21/12/1982 và Công văn số 409/KH ngày 15/6/1995 của Sở Giao thông vận tải Hải Hưng hướng dẫn cắm mốc hành lang bảo vệ đường bộ để từ chối bồi thường về đất vì cho rằng: “Khi nhà nước mở rộng QL 38, toàn bộ phần đất ở giao trái pháp luật do các cấp chính quyền giao trong hành lang bảo vệ đường bộ không được bồi thường”.

Nội dung này không phù hợp vì: Người dân không thể biết được các quy định pháp luật chuyên ngành nên người dân không có lỗi trong việc UBND các cấp giao đất, cấp đất trái pháp luật cho người dân.

Tiền thu được từ việc giao đất, cấp đất đã được nộp vào ngân sách của Nhà nước nên Nhà nước phải có trách nhiệm với người dân.

Khi xác định UBND huyện, UBND xã giao đất, cấp đất cho người dân trái pháp luật thì UBND huyện, UBND xã phải chịu trách nhiệm không thể bắt người dân phải gánh chịu thiệt hại được.

Khi UBND huyện chưa hủy bỏ các hành vi trái pháp luật thì quyền sử dụng đất bị thu hồi vẫn là đất ở vẫn phải bồi thường hỗ trợ theo quy định về đất ở", Luật sư Nhâm Mạnh Hà – Công ty Luật TNHH Luật Gia Vũ phân tích.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Thanh Bình

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/nguoi-dan-phan-uat-vi-huyen-an-thi-muon-lam-nhanh-du-an-de-lay-thanh-tich-d106108.html