Người dân phản đối phương án thu hồi đất đúng hay sai?

Em nhờ báo tư vấn về việc làm lại đường lên bê tông (đường chưa có tên) nhưng không làm trên vị trí đường củ mà lệch xuống phần đất của hơn 7 hộ gia đình, (để chia lô trên vị trí đường củ bán). Sổ đỏ của các hộ gia đình có 2 mặt đường trước và sau, cả 2 mặt đường vẽ sát đất của các chủ hộ ( gồm đất ở và đất nông nghiệp ). Tháng 11/2017 phòng kinh tế hạ tầng huyện có đi đo lại đê làm dự án bê tông đường chưa có tên, sau đó nói với các hộ dân là nâng cao cảnh quan đô thị làm lại đường cho thẳng cho đẹp và thông báo đường sẽ lấn vào đất của các hộ do làm lại đường thẳng( sơ đồ bản vẻ thì đoạn đường khoảng 100m có tới 3 đoạn uốn ). Nhưng khi mời các hộ lên làm việc đưa ra bảng thiết kế thì thay đổi đường. dời xuống hẳn đất của các hộ để chia lô trên vị trí con đường củ. và thông báo rằng đất của các hộ chưa có trong bìa đỏ, ( Trong khi đó thị trấn đc thành lập 1984, đường đó đc làm khoảng 1980 và các hộ đc cấp đất từ năm 1986- khoảng 1980 sau đó làm sổ đỏ, trong sổ đỏ có vẽ 2 con đường trước và sau. ) có vài hộ có nhà ở được xây trước 2013 nếu làm theo sơ đồ thì phá luôn nhà. Các hộ dân không đồng tình, kí biên bản chỉ đồng ý làm lại trên vị trí đất củ, thằng nếu lấn vô đất thì dân chịu và còn lại nhưng mảnh đất nào còn lại thì người dân làm sổ đỏ lại. Nhưng khi họp thường vụ phòng tài nguyên lại nói rằng người dân đồng ý và sắp tới sẽ tiến hành dự án, vậy người dân hay cơ quan nhà nước vi phạm luật đất đai?

Em xin cảm ơn!

Ảnh bạn đọc gửi.

Trả lời

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Theo những gì bạn cho biết, Tòa soạn hiểu rằng, hiện, một số hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất làm đường mới đang không đồng ý với phương án thu hồi, giải phóng mặt bằng địa phương đưa ra. Nhưng, để khẳng định việc người dân hay cơ quan chức năng trong trường hợp này vi phạm Luật Đất đai thì Tòa soạn cần có nhiều thông tin hơn.

Để hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật liên quan đến việc thu hồi, giải phóng mặt bằng khi nhà nước xây dựng công trình công cộng, bạn có thể tìm hiểu tại một số văn bản pháp luật như: Luật Đất đai 2013; Nghị định 43/2014/NĐ – CP; Nghị định 44/2014/NĐ – CP quy định về giá đất; Nghị định 47/2014/NĐ – CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư 37/2014/TT – BTNMT quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư 36/2014/TT – BTNMT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.

Trong đó, Điều 69 Luật Đất đai 2013 thì khi Nhà nước muốn thu hồi đất thì phải thực hiện những bước sau:

Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm:
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất.Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong việc điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người sử dụng đất thực hiện.Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày được vận động, thuyết phục mà người sử dụng đất vẫn không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định kiểm đếm bắt buộc. Người có đất thu hồi có trách nhiệm thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc. Trường hợp người có đất thu hồi không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban
nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.

Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 66 của Luật này quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày; Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến từng người có đất thu hồi, trong đó ghi rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ; thời gian bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có) và thời gian bàn giao đất đã thu hồi cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt;
Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện. Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế.

Báo TN&MT

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tu-van-phap-luat/201712/nguoi-dan-phan-doi-phuong-an-thu-hoi-dat-dung-hay-sai-2871885/