Người dân phải trả phí vô lý

Phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục phản ánh thực trạng của những con đường BOT kém chất lượng, thu phí phi lý tại nhiều địa phương

Sáng 29-10, Cục Quản lý đường bộ III (thuộc Tổng cục Đường bộ - TCĐB, Bộ Giao thông Vận tải) cho tạm dừng hoạt động thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với dự án BOT Bắc Bình Định đoạn Km1.125 - 1.153 trên Quốc lộ 1 (QL1), thuộc địa bàn xã Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Vừa hoàn thành đã hỏng

Quyết định tạm dừng thu phí dự án BOT Bắc Bình Định được TCĐB đưa ra, nguyên nhân là do nhà đầu tư chậm khắc phục, sửa chữa những hư hỏng. Theo TCĐB, tình hình khắc phục các hư hỏng tại dự án BOT Bắc Bình Định thời gian qua chưa hoàn thành, vẫn còn nhiều vị trí hư hỏng nặng gây mất an toàn giao thông.

Trạm thu phí BOT Bắc Bình Định bị dừng thu phí từ ngày 29-10

Trạm thu phí BOT Bắc Bình Định bị dừng thu phí từ ngày 29-10

Trước đó, đầu tháng 4-2018, Cục Quản lý đường bộ III cũng đã có văn bản kiến nghị TCĐB dừng thu phí trạm này. Dự án BOT Bắc Bình Định dài 28,6 km, có tổng mức đầu tư 1.785 tỉ đồng, giá trị quyết toán 1.455 tỉ đồng. Dự án hoàn thành ngày 30-5-2016, thời gian thu phí là 20 năm 5 tháng. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 1 năm đưa vào sử dụng, tuyến QL1 thuộc dự án này đã bị bong tróc, chi chít ổ voi, ổ gà.

Ông Nguyễn Minh Khánh, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị quản lý dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định), cho biết sau khi TCĐB có quyết định tạm dừng thu phí, mấy ngày qua, nhà đầu tư dự án BOT Bắc Bình Định đã triển khai sửa chữa, khắc phục những hư hỏng trên QL1. "Khi nào nhà đầu tư sửa chữa, khắc phục xong hư hỏng, TCĐB vào kiểm tra thấy đạt yêu cầu thì mới cho thu phí lại" - ông Khánh nói.

Trước việc dừng thu phí tại dự án BOT Bắc Bình Định, nhiều chủ đầu tư đã gấp rút cho sửa chữa đường BOT của mình. Ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3, cho biết cơ quan này liên tục có văn bản yêu cầu chủ đầu tư các dự án BOT nâng cấp, mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa khẩn trương khắc phục các hư hỏng để bảo đảm an toàn giao thông. "Trước đây, việc sửa chữa còn chậm nhưng từ khi dự án BOT qua Bình Định bị đề nghị ngừng thu thì tiến độ đang được chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đẩy nhanh. Có lẽ chủ đầu tư cũng lo nên đã chỉ đạo khắc phục rốt ráo. Riêng phía Nam Khánh Hòa do BOT 194 làm chủ đầu tư ít hư hỏng hơn nhưng đang vướng ở khâu thoát nước. Chúng tôi đang yêu cầu nhà đầu tư khắc phục" - ông Tình nhìn nhận.

Trạm thu phí đặt nhầm chỗ

Đi đường hỏng phải trả tiền đã đành, có tuyến BOT không đi nhưng người dân vẫn bị chặn lại thu phí, điển hình là trạm thu phí Cầu Rác, đặt trên QL1 (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Tuyến đường này do Tổng Công ty MTV Hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư, được thu phí cho tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh, cách đó... hơn 30 km. Với vị trí này, nhiều người dân không đi một mét nào trên đường tránh TP Hà Tĩnh nhưng nhiều năm nay vẫn phải đóng phí cho chủ đầu tư.

Còn ở Nghệ An, trạm thu phí Bến Thủy I và II do Tổng Công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4) thu phí để hoàn vốn cho các dự án BOT tuyến đường tránh TP Vinh; dự án nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn phía Nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh; tiểu dự án cầu vượt QL8B (cũ) với QL1; dự án cầu vượt QL46 với đường sắt Bắc - Nam; dự án cầu đường bộ Yên Xuân. Tổng mức đầu tư cho các dự án này khoảng hơn 4.200 tỉ đồng.

Thế nhưng, trạm thu phí của dự án này lại đặt kiểu "đơm đó" ngay đầu cầu Bến Thủy I và II khiến nhiều người dân bị thu phí oan. Bức xúc vì trạm thu phí đặt nhầm chỗ, người dân đã nhiều lần tập trung phản đối, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị di dời trạm thu phí này về tuyến đường BOT nhưng chủ đầu tư không chấp nhận.

Bàn giao xong là... xuống cấp

Tuyến đường tránh QL1 qua TP Tam Kỳ (đường tránh Nguyễn Hoàng, dài 8 km) được Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 156 tỉ đồng. Đường này được thu phí với thời hạn 14 năm 4 tháng, đến ngày 1-4-2014. Thế nhưng đến hạn trên, việc thu phí vẫn kéo dài đến tháng 6-2015.

Chỉ sau vài tháng dừng thu phí, tuyến đường tránh Nguyễn Hoàng bị xuống cấp nghiêm trọng nên chính quyền tỉnh Quảng Nam có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải thảm nhựa lại. Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động mới đây, ông Võ Trường Giang, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 5 (thuộc TCĐB), cho biết dự án cải tạo, nâng cấp đường Nguyễn Hoàng đang được thực hiện từ nguồn kinh phí của quỹ bảo trì đường bộ.

Nhóm phóng viên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/nguoi-dan-phai-tra-phi-vo-ly-20181029221759532.htm