Người đàn ông Việt Nam đầu tiên sinh con

Ngày 16/5, Việt Nam ghi nhận trường hợp người đàn ông đầu tiên sinh con thành công. Tuy nhiên, do từng chuyển giới từ nữ sang nam, nên việc người này có thể mang thai và sinh thường được coi là hiện tượng hoàn toàn bình thường.

Cặp vợ chồng chuyển giới Minh Khang - Minh Anh xuất hiện trong chương trình "Come out - Bước ra ánh sáng". Ảnh MCV

Cặp vợ chồng chuyển giới Minh Khang - Minh Anh xuất hiện trong chương trình "Come out - Bước ra ánh sáng". Ảnh MCV

Đẻ thường, con nặng 2,3kg

“Anh Khang sinh con vào lúc 19 giờ 40 phút. Bé nặng 2,3kg. Hiện tại cả anh và con đều mạnh khỏe. Chồng em sinh thường. Lúc đầu cả nhà dự tính sinh mổ vì sẽ an toàn hơn nhưng cũng may gần tới giờ mổ thì chuyển dạ luôn nên bác sĩ quyết định để anh Khang sinh thường”, Minh Anh - vợ của người đàn ông đầu tiên sinh con tại Việt Nam, chia sẻ.

Minh Khang (tên thật là Đào Thị Kiều Trang, 24 tuổi, quê Cần Thơ) là người chuyển giới từ nữ thành nam, còn vợ anh - Minh Anh (tên thật Đặng Khắc Nguyên, 21 tuổi, quê Bến Tre) từng chuyển giới từ nam sang nữ. Cặp đôi làm đám cưới vào năm 2017 sau khi gặp nhau tại một cuộc thi sắc đẹp cho người chuyển giới nữ.

Năm 2019, cặp vợ chồng quyết định mang thai sau khi Minh Khang đọc được bài báo về người đàn ông trên thế giới mang thai. Khi đó, anh đã tiêm hormone nam được 2,5 năm, Minh Anh cũng tiêm hormone nữ một thời gian. Vì cả hai đã trải qua nhiều lần phẫu thuật, sử dụng các loại thuốc kháng sinh, nên bác sĩ cảnh báo rằng, quá trình thụ thai và giữ thai sẽ gặp khó khăn.

Để bắt đầu quá trình mang thai, Minh Khang quyết định dừng tiêm hormone để có kinh nguyệt trở lại và bồi bổ. Trong khi đó, Minh Anh cũng chuyển từ tiêm hormone sang thuốc uống để giảm liều. 3 tháng sau, Minh Khang có thai và trở thành người đàn ông đầu tiên ở Việt Nam mang bầu.

Cặp đôi chia sẻ, do Minh Khang đã cắt hết tuyến sữa, nên em bé sẽ được nuôi bằng sữa ngoài hoàn toàn. “Cả hai vợ chồng đã mong muốn có con nên cố gắng thực hiện. Sau khi có con, trong năm nay tôi sẽ đi chuyển giới hoàn toàn để thành con gái thật”, Minh Khang từng chia sẻ. Người đàn ông đầu tiên tại Việt Nam sinh con cũng bày tỏ mong muốn sẽ hỗ trợ những người có hoàn cảnh giống mình để họ có thể mang thai và sinh con.

“Vấn đề tự nhiên”

Năm 2008, Thomas Beatie (sinh năm 1974, sống tại thành phố Phoenix, bang Arizona, Mỹ) đã trở thành hiện tượng toàn cầu khi là người đàn ông đầu tiên trên thế giới mang bầu. Trước đó, năm 2002, Beatie hoàn thành chuyển giới từ nữ thành nam. Anh kết hôn với Nancy Gillespie vào năm 2003. Tuy nhiên, sau khi vợ được chẩn đoán vô sinh, Beatie quyết định mang thai thay. Vì sau khi phẫu thuật chuyển giới, Beatie vẫn giữ lại bộ phận sinh dục nữ và tử cung, nên anh có thể mang thai và sinh nở như phụ nữ bình thường. Beatie khẳng định, dù mang thai và sinh con, nhưng anh vẫn hoàn toàn nam tính.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh chuyên khoa cấp II, chuyên ngành Phụ sản, từng có nhiều năm làm việc tại Bệnh viện Quân y 108, cho biết: “Đối với trường hợp là nữ chuyển giới thành nam và chưa cắt bỏ tử cung, việc có thể mang thai và sinh con là vấn đề hết sức tự nhiên”.

Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Thanh cho hay, khi người chuyển giới ngừng sử dụng hormone nam, buồng trứng của họ có thể hoạt động bình thường trở lại, hoặc có thể bổ sung hoàn toàn bằng nội tiết tố nữ. “Vấn đề là buồng trứng của người chuyển giới đó có bình thường hay không và hormone sinh dục nữ như thế nào. Nếu những yếu tố này bình thường như phụ nữ, họ hoàn toàn có thể mang thai và sinh con”.

Những người chuyển giới hoàn toàn sẽ phải thực hiện phương pháp sinh mổ. Trong khi đó, trường hợp chuyển giới chưa hoàn toàn như Minh Khang có thể sinh thường.

Theo bác sĩ Thanh, chỉ người nam chuyển giới thành nữ nhưng vẫn có thể mang thai mới là hiếm. “Nội tiết là yếu tố có thể bổ sung được, nhưng để có thể mang thai thì cần có tử cung. Đối với trường hợp nam chuyển giới sang nữ hoặc nữ chuyển giới thành nam và đã cắt bỏ tử cung, phương pháp duy nhất là cấy ghép tử cung từ người khác sang”, chuyên gia nói thêm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh chia sẻ, Bệnh viện Quân y 108 từng có đề cương nghiên cứu về phẫu thuật cấy ghép tử cung. Tuy nhiên, tới nay, chưa có ca nào được thực hiện thành công bởi đây là phẫu thuật vô cùng phức tạp. “Bệnh viện chưa thể tiến hành được phẫu thuật vì rất nhiều lý do”, bác sĩ Thanh cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, người chuyển giới từ nam sang nữ cần tạo hình lại cơ quan sinh sản nếu muốn sinh con. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tạo hình còn gặp nhiều khó khăn và không ít ca phẫu thuật thất bại.

Trả lời về việc người chuyển giới sử dụng hormone nhiều năm và đã trải qua nhiều phẫu thuật có thể sinh em bé khỏe mạnh hay không, bác sĩ Thanh cho rằng, đây là vấn đề khó có thể nói trước.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-ong-viet-nam-dau-tien-sinh-con-20200519094827891.html