Người đàn ông tật nguyền và chiếc bánh mè quê hương

Nhìn nhà xưởng khang trang cùng hệ thống máy móc trị giá hơn 700 triệu đồng đang cắt, sấy bánh mè tự động, chẳng mấy ai tin nổi đấy là cơ ngơi của anh Hoàng Minh Cường (1981) - người đàn ông tật nguyền, bị cụt một tay ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong (Mộ Đức).

“Người ta thường nói câu "Lập nghiệp bằng đôi bàn tay trắng". Còn tôi, đến đôi bàn tay cũng chẳng đủ, mà chỉ lập nghiệp bằng một bàn tay, bởi bàn tay còn lại đã cụt do tai nạn từ lúc 8 tuổi”, ông chủ cơ sở sản xuất bánh mè lớn nhất huyện Mộ Đức Hoàng Minh Cường hóm hỉnh kể với tôi như thế khi nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp.

Anh Cường bên máy cán bánh mè. Ảnh: Ý THU

Rời quê hương khi vừa học xong lớp 9, Hoàng Minh Cường trải qua hơn 15 năm bôn ba nơi đất khách quê người với đủ các nghề “lận lưng”. Từ bốc vác, phụ hồ, thợ sơn, thợ điện... rồi sau cùng là đẩy xe trái cây đi bán khắp đường sá, ngõ hẻm của TP.Hồ Chí Minh. Nhưng rồi đến năm 2012, khi mẹ già nơi quê nhà nay đau mai ốm, anh Cường quyết định dắt vợ con trở về quê hương sinh sống và lập nghiệp lại từ đầu.

Trở về quê khi đã bước sang tuổi 31, lại chẳng có nghề gì trong tay, thời gian đầu anh Cường làm nghề phụ hồ để kiếm sống. “Làm phụ hồ được chừng 1 năm, thì mẹ vợ khuyên vợ chồng tôi: Hay là hai đứa học theo mẹ, cứ làm bánh mè mang ra chợ bán, lấy công làm lời. Ý tưởng kinh doanh bánh mè đến với vợ chồng tôi từ lúc ấy”, anh Cường bồi hồi nhớ lại.

Không bán nhỏ lẻ tại chợ ở quê như mẹ, anh Cường đến khắp các chợ truyền thống và tiệm tạp hóa trên địa bàn tỉnh để chào mời dùng thử. Nhờ chịu thương chịu khó mở rộng thị trường cộng với sản phẩm bánh mè làm ra giòn rụm, đậm đà hương vị quê hương, nên ngay khi vừa chân ướt chân ráo “trình làng” vào mùa Tết năm 2013, anh Cường đã bán được 300 kg bánh mè ngọt và mặn. “Tiếng lành đồn xa”, đến năm 2014, lượng bánh mè mà gia đình anh bán ra thị trường tăng gấp đôi. Còn hiện tại, sau hơn 7 năm gắn bó với chiếc bánh mè quê hương, sản lượng bánh mè bán ra tại cơ sở của anh đã tăng gấp nhiều lần so với trước. Riêng năm 2020, hơn 15 tấn bánh mè thành phẩm sản xuất từ lò bánh nhà anh đã lan tỏa khắp thị trường trong và ngoài tỉnh.

Sau khi sản phẩm làm ra có chỗ đứng vững chắc trên thị trường và mang lại thu nhập mơ ước cho gia đình, anh Cường lại tiếp tục đề ra cho mình mục tiêu mới: Giúp chiếc bánh mè truyền thống có tên tuổi, thương hiệu rõ ràng. Năm 2019, sau 5 năm gắn bó với nghề làm bánh mè, anh Cường mạnh dạn tìm hiểu và xây dựng thương hiệu “Bánh mè Huy Ny”. Tiếp đến, anh mạnh dạn bỏ ra hơn nửa tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất. Từ đó, sản lượng bánh mè làm ra tại cơ sở của anh Hoàng Minh Cường tăng gấp đôi so với trước. Nhờ vậy, cơ sở sản xuất bánh mè Huy Ny của anh từ giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động, giờ đã tăng lên 11 lao động.

Khuyết tật, nhưng không khuyết quyết tâm. Anh Cường đã dùng đôi bàn tay không lành lặn để đưa đặc sản quê hương đi muôn nơi và đang hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP cho bánh mè. Bởi niềm vui của anh là được nhìn thấy sản phẩm truyền thống của quê hương mình ngày càng "bay cao, bay xa"...

Ý THU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202103/nguoi-dan-ong-tat-nguyen-va-chiec-banh-me-que-huong-3048657/