Người đàn ông sợ quên lối về nhà sau lần trả án vì ma túy

Đi tù vì mua bán ma túy, Thềm A Sử, SN 1985, ở xã Nậm Tha, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai bảo, ngày trở về còn xa lắm nên sợ đến lúc mãn hạn không nhớ đường về nhà.

Từ ngày vào trại cải tạo đến nay, Sử chưa một lần gặp người thân nhưng thông tin về gia đình người thân luôn được cập nhật do con cái viết thư cho biết. Sử bảo đó là cầu nối anh ta với gia đình và mỗi khi nghĩ đến điều đó, anh ta lại cố gắng cải tạo.

Sự trả giá

“Tôi nghiện ma túy và vì nghiện nên đi bán ma túy để có cái sử dụng”, Sử chia sẻ thông tin về bản thân và lý giải về nguyên nhân dẫn đến việc phải vào trại cải tạo. Hỏi anh ta nghĩ gì về bản án 13 năm tù, có cảm thấy nặng không, Sử gãi đầu ngẫm nghĩ một lúc rồi thủng thẳng: “Kể ra thì cũng nặng nhưng nghĩ tới việc mình làm cả một thời gian dài thì cũng phải thôi. Tôi cũng từng nghĩ nếu mình không bỏ được ma túy thì trước sau rồi cũng đi tù. Nhưng mà tôi không bỏ được”.

Hỏi Sử từ ngày đi tù còn nhớ ma túy không, anh ta cười bảo: “Vào đây rồi thì không bỏ cũng sẽ cai được nhưng nhớ thì thi thoảng vẫn còn nghĩ đến”.

Rồi không đợi chúng tôi hỏi thêm, người đàn ông này bảo rằng, mỗi khi nghĩ đến thì cách tốt nhất là tìm một việc gì đó để làm, có thể là đọc truyện, xem tivi hoặc tán gẫu với những người cùng buồng cho quên đi. Nhưng cách hiệu quả nhất, theo lời Sử là chơi thể thao và đừng bao giờ để suy nghĩ ấy xuất hiện trong đầu dù chỉ là thoáng qua bởi chỉ cần nghĩ tới thôi là chân tay đã bải hoải, rã rời.

Sử là con thứ trong một gia đình có 4 anh chị em, học hết cấp THCS thì nghỉ. 19 tuổi lấy vợ nhưng việc con cái lại gặp nhiều trắc trở. Sử bảo vợ anh ta là người chăm chỉ, chịu khó, làm việc luôn tay luôn chân, không biết mệt mỏi. Sử yêu vợ vì cái nết hay làm chứ không phải vì nhan sắc.

Vì cái tính tham công tiếc việc ấy mà vợ Sử hai lần mang thai đều bị hỏng giữa chừng, đến lần thứ ba mới cho Sử lên chức. Sử bảo chính trong khoảng thời gian vợ hoài thai, vì buồn chán mà anh ta dính nghiện.

Hỏi Sử không thương vợ hay sao lại bập vào ma túy, anh ta cười bảo, vẫn thương nhưng buồn thì tụ tập với bạn bè uống rượu, được rủ chơi thì thử cho biết. Đến lúc vợ sinh nở mẹ tròn con vuông thì Sử nghiện mất rồi.

Nhớ lại thời kỳ nghiện ngập của mình, Sử bảo ngày đầu còn giấu vợ, chỉ bớt xén tiền công đi làm thuê, đến lúc nghiện nặng thì không giấu nổi nữa mới đi bán ma túy. Theo nhẩm tính của Sử thì từ lúc anh ta dính vào ma túy đến khi bị bắt là 2 năm trời.

“Mới đầu xuống TP Lào Cai làm cửu vạn ở khu vực cửa khẩu, tôi là một người rất có trách nhiệm với gia đình. Công việc bấy giờ làm không hết nên thu nhập cũng khá ổn. Ngoài chi tiêu cho bản thân ra, mỗi tháng tôi cũng dành dụm được vài triệu đồng gửi về cho vợ. Cô ấy chẳng ăn tiêu đâu mà lại tiết kiệm hoặc sắm sửa vật dụng cho gia đình. Mỗi khi về nhà, thấy đồ đạc trong nhà dần đầy đủ, tôi yên tâm về vợ lắm”, Sử kể.

Từ khi bập vào ma túy, Sử không còn tiền gửi về cho gia đình, thời gian đi làm cũng ít đi và như một cái vòng luẩn quẩn tất yếu của những kẻ nghiện ngập không có thu nhập mà vẫn muốn có ma túy để sử dụng, Sử tham gia vào đội quân bán lẻ ma túy. Sử bảo cứ bán được 4 tép ma túy thì lời một gói để sử dụng và để có đủ ma túy dùng cho 1 ngày với 3 cữ hút hít, Sử phải bán khoảng 20 gói ma túy cho con nghiện. Để che mắt, Sử vẫn đi làm cửu vạn nhưng không còn làm nhiều như trước đây nữa.

“Năm 2015 tôi bị CA TP Lào Cai bắt quả tang đang bán ma túy cho con nghiện. Số ma túy giấu trong phòng trọ không kịp tẩu tán nên án phạt mới nặng”, Sử kể.

Cuối năm 2016, Sử được đưa về trại giam Hồng Ca thi hành bản án 13 năm tù. Anh ta cải tạo ở xưởng may mặc.

Các phạm nhân đang làm việc ở xưởng may mặc. Ảnh: Nguyễn Vũ

Các phạm nhân đang làm việc ở xưởng may mặc. Ảnh: Nguyễn Vũ

Chỉ lo quên lối về nhà

“Tôi về đây được hơn 3 năm rồi, công việc thì vẫn lao động ở xưởng may thôi”, Sử kể. Anh ta bảo không có gì phàn nàn về nơi cải tạo lao động cả vì cảm thấy công việc phù hợp với sức khỏe của mình.

Hỏi Sử ngoài thời gian lao động ra có tham gia vào các hoạt động của trại giam không, nam phạm nhân này cho biết, có chơi trong đội bóng đá của phân trại và dịp lễ Tết nào cũng tham gia thi đấu với các đội bóng của các phân trại khác. Nam phạm nhân này tỏ ra rất hào hứng kể rằng, mỗi khi gần tới ngày thi đấu, tâm trạng rất háo hức và cả đội lại tranh thủ thời gian nghỉ để luyện tập.

“Phần thưởng chỉ là những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt đời thường thôi như mì tôm, khăn mặt, xà phòng, thuốc đánh răng… Những thứ ấy chúng tôi vẫn có thể mua ở căng tin của phân trại nhưng ý nghĩa của nó thì không thể tính theo giá trị bằng tiền”, Sử kể.

Nói về gia đình, Sử cho biết, anh ta có hai con và cả hai đều đang đi học. Con lớn của Sử, SN 2008, thường thay mẹ đều đặn tháng nào cũng viết thư cho bố, thông báo về tình hình gia đình. Sử bảo anh ta rất an tâm khi biết ở nhà bố mẹ, các anh chị em và vợ con mình đều mạnh khỏe.

Về phần Sử mỗi khi viết thư về cho gia đình cũng kể khá chi tiết về cuộc sống của mình trong trại giam để mọi người yên tâm. Sử bảo mặc dù gia đình không xuống thăm nhưng thi thoảng vẫn gửi tiền ký quĩ cho anh ta để mua sắm những vật dụng cần thiết.

“Nếu bảo không mong gặp người thân là nói dối. Ai ở trong này cũng đều mong ngóng gia đình xuống thăm. Nhưng xuống thăm xong rồi thì sao, lại nghĩ ngợi, chưa kể là vất vả, tốn kém tiền bạc, thời gian đi lại nên tôi bảo vợ con đừng xuống”, Sử tâm sự.

Nam phạm nhân này bộc bạch rằng, với anh ta những lá thư do con trai viết xuống đã là quá đủ và mỗi khi cảm thấy buồn chán hay nhớ gia đình thì lại mang thư ra đọc. Lời lẽ ngây thơ của con khi nhắc đến ông bà, chú bác và cả những suy nghĩ hồn nhiên của con như liều thuốc thức tỉnh người cha nghiện ngập. Sử bảo lúc đầu nghĩ tới thời gian 13 năm sống trong trại giam cũng cảm thấy nản và bi quan nhưng rồi sự động viên chia sẻ của vợ con đã khiến anh ta bình tâm lại.

Sử bảo anh ta không có điều gì phàn nàn về vợ con ở nhà mà chỉ lo đến lúc được ra tù lại quên mất lối về. “Tôi nghe con kể rằng trường học của nó đã được xây lại khang trang, đường về bản cũng đã được rải đá, đổ bê tông. Ngay cả nhà tôi cũng vừa thay mái mới. Nhiều đổi thay thế thì đến lúc tôi về có khi đi lạc mất”, Sử tâm sự.

Nam phạm nhân này bảo cứ nghĩ đến điều đó lại lo và sau nhiều ngày trăn trở, trong đầu Sử chợt lóe lên ý nghĩ phải làm gì đó để luôn nhớ đường về nhà.

“Tôi bảo con kể nhiều về những thay đổi ở bản, nhất là đường đi. Trong này tôi sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để sớm có tên trong danh sách đề nghị xét giảm án. Có như vậy thì tôi sẽ sớm ra tù. Các con tôi thì bảo bố đừng lo quá, khi nào chuẩn bị về thì nhớ thông báo để chúng xuống đón. Nhưng tôi lại muốn có sự bất ngờ với gia đình nên chỉ có cách cải tạo tốt thôi”, Sử chia sẻ rồi xin phép được tiếp tục công việc của mình.

Nhìn dáng đi của anh ta, chúng tôi thầm nghĩ, không phải phạm nhân nào đi tù cũng được may mắn như người đàn ông này, có một người vợ biết vun vén gia đình và dạy dỗ các con ngoan ngoãn, hiếu thảo.

Nếu như những người lầm lỗi ai cũng nhận được sự động viên, chia sẻ kịp thời của người thân thì chắc hẳn sẽ rất tiến bộ và bước đường cải tạo sẽ được rút ngắn.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-dan-ong-so-quen-loi-ve-nha-sau-lan-tra-an-vi-ma-tuy-199416.html