Người đàn ông ở Cao Bằng nổi hạch khắp người sau khi bị chuột cắn

Bệnh nhân bị chuột cắn vào mu bàn tay nhưng không để ý. Chỉ khi bệnh nhân thấy nổi hạch ở cánh tay, nách, cổ, sưng đau hạch kèm theo sốt nóng, mệt mỏi, ăn ngủ kém mới đến BV thăm khám, điều trị.

 Hình ảnh bàn tay của bệnh nhân (BVCC)

Hình ảnh bàn tay của bệnh nhân (BVCC)

Ngày 8/4, BV Đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết, BV đang điều trị cho bệnh nhân L.V.A. (38 tuổi, ở huyện Hòa An, Cao Bằng) bị dịch hạch thể nhiễm trùng huyết do chuột cắn.

Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, rét run, vã mồ hôi, mệt mỏi. Bệnh nhân cho biết, khoảng 20 ngày trước có bị chuột cắn vào mu bàn tay phải. Sau vài ngày, bệnh nhân thấy xuất hiện sưng tấy đỏ, đau nhức tại vết cắn. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám mà chỉ tiêm vaccine phòng bệnh.

Sau tiêm 2 tuần, bệnh nhân thấy nổi nhiều hạch ở cánh tay, nách, cổ, sưng đau hạch kèm theo sốt nóng, mệt mỏi, ăn ngủ kém nên đã đến Trung tâm y tế huyện Hòa An thăm khám. Bệnh nhân được điều trị 2 ngày nhưng không đỡ nên được chuyển lên BVĐK tỉnh Cao Bằng.

Tại BV, kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán bị dịch hạch thể nhiễm trùng huyết. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được điều trị tại BV.

GS. Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, chuột là động vật gây hại và trung gian lây truyền một số bệnh truyền nhiễm cho người như dịch hạch, viêm phổi, vàng da xuất huyết, sốt xuất huyết kèm theo suy thận do Hantavirus...

Đối với dịch hạch, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể lây lan ra cộng đồng. Trong lịch sử, đã có nhiều vụ dịch kinh hoàng do chuột gây ra làm chết rất nhiều người. Do đó, bác sĩ Kính cũng khuyến cáo, nếu người dân không may bị chuột cắn cần rửa sạch vết thương bằng nước và xà phòng, sát trùng lại bằng cồn hoặc povidine. Sau đó, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhà để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh đúng cách.

Linh Trần

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-dan-ong-o-cao-bang-noi-hach-khap-nguoi-sau-khi-bi-chuot-can-20210408200527345.htm