Người đàn ông nửa cuối đời vướng vòng lao lý vì tham lam

Không kìm lòng được trước món tiền chênh lệch mà nếu tính theo thu nhập của người nông dân là bằng cả một năm trời do hai kẻ mua-bán ma túy đưa ra, Vũ Đình Quân, SN 1974, trú tại xã Xuân Lai, Gia Bình (Bắc Ninh) đã nhận lời làm trung gian cho phi vụ mua bán này. Lần đầu bán 3 bánh ma túy trót lọt, Quân ham lời làm tiếp lần nữa thì bị bắt. Suýt phải trả giá bằng mạng sống của mình, Quân ân hận khi nhắc tới người thân, nhất là ba đứa con vì việc làm của bố chúng mà dang dở đường công danh, sự nghiệp.

Chuyến “ hàng” đưa chân vào tù

“Nếu như không có chuyện do tôi gây nên thì con đường sự nghiệp của con lớn tôi đã không gập ghềnh như bây giờ. Vì tội của bố mà nó phải dừng chuyện học hành, gác lại ước mơ ĐH để đi làm công nhân. Đứa thứ hai con tôi cũng đi làm công nhân rồi, giờ chỉ còn con út đang học phổ thông thôi”, Vũ Đình Quân chia sẻ về gia đình mình, ánh mắt chứa đầy sự ân hận. Người đàn ông này cho biết bản thân chưa học hết cấp hai trường làng nên khi thấy các con học lực tốt lại có ý chí phấn đấu để thoát ly cuộc sống ruộng đồng thì trong lòng đã rất mừng rồi. Quân bảo cũng từng hy vọng cuộc sống của các con sau này đi làm cơ quan, DN chứ không phải vất vả cuốc cày sớm hôm như bố mẹ, ai dè….

“Vì tôi đã làm thay đổi tất cả. Nhiều lúc ngồi vẩn vơ nhớ về gia đình, tôi lại có suy nghĩ tiêu cực: “Sao mình không chết quách cho rồi còn viết thư xin tha tội chết làm gì nữa”. Nhưng mỗi khi được vợ con lên thăm rồi nhận được thư của chúng gửi vào động viên, tôi chợt nhận ra rằng người thân đã tha thứ cho mình và mình dù cuộc sống bây giờ là trong chốn trại giam nhưng vẫn còn hình còn tướng để cho con cái có chỗ dựa chí ít là về mặt tinh thần”, Quân bộc bạch. Đôi mắt một mí như ánh lên tia hy vọng và một chút gì đó như là tự an ủi bản thân rằng vẫn còn giá trị với gia đình.

Theo bản án, Quân và Nguyễn Văn Hiên, SN 1981, cùng trú tại xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh là đôi bạn thân vì thế mà khi Hiên trong lần đi ăn giỗ ở nhà người chị kết nghĩa dưới Hải Phòng, biết được có người cần mua ma túy nên đã về nhà kể lại với Quân. Theo lời Hiên thì người này đồng ý mua với giá 175 triệu đồng/bánh heroin. Trong lúc Hiên và Quân chưa biết tìm mối hàng ở đâu thì tình cờ được Nguyễn Bá Hưng, SN 1980, người cùng huyện Gia Bình, nhờ tìm người mua ma túy vì anh ta có chỗ cung cấp. Thấy Hưng báo giá bán một bánh heroin là 140 triệu đồng chênh 35 triệu đồng so với giá của người hỏi mua ở Hải Phòng nên Quân và Hiên nổi máu tham, nhận lời làm trung gian.

Khoảng 20g ngày 14-8-2017, Quân chở vợ và con trai út đến nhà em rể chơi rồi bí mật hẹn Hưng mang “hàng” đến và sau khi kiểm tra chất lượng, Hiên và Quân đồng ý mua 4 bánh ma túy sau đó hẹn người mua là một phụ nữ tên Vi ở Hải Phòng tới nhận. Trao đổi qua điện thoại, cả hai thống nhất sẽ giao “hàng” và nhận tiền tại nhà hàng 555, phường Bình Hàn, TP Hải Dương. Cuộc mua bán trong lần gặp này diễn ra thành công, Quân và Hiên bán được 3 bánh heroin. Vi đề nghị cung cấp thêm 3 bánh ma túy nữa. Quân và Hiên nhận lời nên đã hỏi mua thêm 2 bánh heroin nữa rồi hôm sau cùng em rể và vợ Hiên đến điểm hẹn giao hàng nhưng chưa thực hiện được thì bị lực lượng CA Hải Phòng phát hiện, bắt giữ. Qua hai lần xét xử, Vũ Đình Quân và Nguyễn Văn Hiên cùng bị tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình; Nguyễn Thị Luân, SN 1983, vợ Hiên lĩnh án 17 năm tù giam còn em rể Quân lĩnh án 20 năm giam. May mắn cho Quân là sau 2 năm sống trong phòng tử tù, ông ta nhận được sự ân xá của Chủ tịch nước.

Nhớ lại quãng thời gian đó, người đàn ông này bộc bạch: “Lúc đó, tôi đã phải gắng gượng với ý nghĩ sống được ngày nào thì cố gắng sống có ích ngày ấy. Mặc dù lý trí thì bảo thế nhưng tâm tư thì nặng nề lắm, đôi lúc muốn buông xuôi nhưng nghĩ đến cái chết lại sợ”. Quân bảo, ngày nhận quyết định được tha tội chết, bước chân ra khỏi buồng biệt giam, tâm trạng của ông ta lâng lâng khó diễn tả thành lời.

Hỏi Quân có nhớ ngày nhận quyết định ân xá không, ông ta cười bảo đó là ngày chào đời lần thứ hai nên không bao giờ có thể quên được. Ngày 22-2-2012, Vũ Đình Quân về trại giam Hoàng Tiến thi hành bản án chung thân.

Phạm nhân Vũ Đình Quân trong trại giam. Ảnh: N. Vũ

Phạm nhân Vũ Đình Quân trong trại giam. Ảnh: N. Vũ

Và sự hối lỗi muộn mằn

Là con thứ 2 trong gia đình có 5anh em, Quân bảo vì bố mẹ làm ruộng, kinh tế cũng không được khá giả nên học hết lớp 7, ông ta quyết định nghỉ học. Những lúc mùa màng, Quân ở nhà phụ đỡ bố mẹ chuyện đồng áng, hết việc lại theo cánh thợ đi làm xây dựng. Quân lấy vợ khi mới tròn 18 tuổi và theo lời ông ta thì đó là một sự may mắn vì cưới được một người vợ ngoan hiền và đảm đang. Ba đứa con hai trai một gái lần lượt chào đời khiến cho cuộc sống của gia đình Quân từ trước tới nay thu nhập chủ yếu là đồng ruộng và những đồng tiền công phu hồ càng trở nên eo hẹp. Quân kể rằng khi đứa con trai út ra đời, ông ta còn tính đến chuyện đi buôn và sự lanh lợi nhạy bén của một người trải đời sớm đã giúp Quân thành công. Nói đến chuyện này, Quân bảo ông ta không buôn bán một mặt hàng nào cố định cả mà gặp gì buôn nấy, buôn theo mùa và buôn theo nhu cầu của khách.

Sự cần cù, chịu khó của Quân cộng với việc biết thu vén của người vợ đã giúp kinh tế gia đình ông ta dần khấm khá hơn nhưng mặt trái của nó là khi có thêm nhiều mối quan hệ ngoài xã hội thì không đơn thuần chỉ là những người làm ăn chân chính. Và Quân đã lạc bước trước món lợi hấp dẫn từ việc làm ăn phi pháp mà suýt nữa thì phải trả bằng mạng sống của mình.

Quân bảo, ông ta cải tạo ở đội dệt chiếu và mỗi khi luồn sợi cước qua mảnh tre nhỏ, Quân lại chợt nghĩ tới cuộc đời của mình. Ông ta bảo nhiều mảnh cước xâu lại sẽ dệt thành cái chiếu. Nếu ông ta cứ chịu bằng lòng với việc gặp gì buôn nấy của mình thì kinh tế gia đình cũng sẽ dần dần mà khá giả. Vì nôn nóng làm giàu, vì tham món lợi lớn mà Quân đã không nghĩ tới rủi ro, nguy hiểm. Nghĩ thế, Quân thấy thương vợ, thương con nhiều hơn.

“Ngày tôi đi tù, đứa con út mới 2 tuổi, hai đứa lớn cũng đang tuổi ăn học. Chúng nên người là do một tay vợ tôi dạy dỗ, chăm bẵm”, Quân kể. Người đàn ông khoác áo phạm nhân này cho rằng, ông ta là người may mắn vì vẫn được vợ con tha thứ và tuy không thể thường xuyên lên trại thăm ông ta nhưng một năm hai, ba lần tới thăm là đã quá đủ rồi.

Nói về dự định của mình, Quân bảo con đường cải tạo của ông ta còn rất dài nhưng sẽ quyết tâm cải tạo tốt với hy vọng sự cố gắng của mình sẽ nhận được cơ hội xuống án, sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Nguyễn Vũ - Hà My

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-dan-ong-nua-cuoi-doi-vuong-vong-lao-ly-vi-tham-lam-222036.html