Người đàn ông nói chuyện về sức khỏe sinh sản bằng thơ ca

Thông qua những làn điệu sli, lượn, hà lều, lượn then… một người đàn ông ở Cao Bằng lồng ghép đưa thông tin truyền thông của công tác dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục… một cách hiệu quả và được đồng bào và chị em nhiệt tình đón nhận.

Anh là Nông Thanh Phong, hiện đang làm việc tại Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng. Anh cho biết: “Trà Lĩnh là một huyện vùng cao biên giới, có 10 xã, thị trấn, trong đó có 8/10 xã thuộc vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn với dân số hơn 22 nghìn người và 5 dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Tày, Nùng và người Mông… Tại đây, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhiều chị em không nghe, không nói được tiếng phổ thông. Đặc biệt, với phụ nữ người Mông, Tày, khi đề cập đến vấn đề tình dục, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ)… lại càng là điều tế nhị, cấm kỵ, khó nói…”.

Để có thể đi “trò chuyện” được với bà con về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số và phát triển, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, chăm sóc SKSS, anh và các đồng nghiệp đã xác định mình phải thường xuyên đi gặp gỡ người dân, phải giao tiếp gần gũi, phải có thái độ niềm nở, nhiệt tình… để tạo tâm lý thoải mái, tin tưởng. Ngoài ra, để đổi mới hoạt động truyền thông, anh Phong cũng đã không ngừng sáng tạo ra những cách “trò chuyện” mới.

Anh Nông Thanh Phong sinh năm 1964 tại Cảnh Tiên, Trùng Khánh, Cao Bằng; Năm 1988 - 1990 anh tham gia học Trung cấp Y (Y sĩ Đa khoa) tại Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên và sau khi tốt nghiệp anh được tiếp nhận làm việc tại mỏ Măng gan huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Từ tháng 4 năm 1998, anh nhận công tác tại Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Trà Lĩnh. Năm 2012, anh Phong được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện.

Trước đó anh vốn là người tích cực sưu tầm, tích lũy các bài dân ca cổ từ nhỏ. Anh có niềm say mê các làn điệu tày, Sli, lượn, Hà lều, Lượn then, Phong slư, Pựt lằn… Anh đã không ngừng tìm tòi nghiên cứu, hát nhuần nhuyễn các thể loại dân ca của quê mình. Anh thường xuyên tham gia, tổ chức đạo diễn, truyền dạy cho các đội văn nghệ của các ban, ngành để tham gia các cuộc thi hát, liên hoan dân ca, các hội diễn của huyện, của tỉnh và các hoạt động lễ hội ở địa phương. Để phát huy hiệu quả công việc, anh Phong đã tìm tòi, suy nghĩ cách để phát huy sở trường của mình gắn với nhiệm vụ chuyên môn. Sau đó, thông qua sáng tác lời, phỏng theo các làn điệu dân ca, anh Phong đã đưa thông tin truyền thông của công tác Dân số và phát triển, KHHGĐ, chăm sóc SKSS… vào trong các làn điệu, lời ca, thơ... để giúp người dân có thể hát, đọc, học theo và thông thuộc rồi sẽ dễ dàng truyền đạt lại cho người khác.

*Clip anh Nông Thanh Phong nói về hoạt động truyền thông sức khỏe, dân số, kế hoạch hóa gia đình... bằng các hình thức phiên dịch ra tiếng dân tộc và lồng ghép với làn điệu thơ, ca...:

Ngoài ra, anh Phong còn sáng tạo tiểu phẩm theo ngôn ngữ riêng của từng dân tộc Nùng, Tày… gắn với nội dung phòng, chống bạo lực gia đình kèm theo là vận động thực hiện tốt chính sách dân số, không sinh con thứ 3, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản... sau đó tổ chức dàn dựng và đi đến nhiều vùng sâu, xa để biểu diễn... Những hình thức truyền thông như vậy, rất bà con nhân dân thích thú, hưởng ứng đón nhận.

Theo chị Lương Thị Duyên, xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh: "Chị em chúng tôi không có điều kiện để hiểu về những chính sách dân số, nên thông qua những làn điệu, thơ, kịch… của huyện về biểu diễn có nội dung nói về lợi ích của việc không sinh con thứ 3, không phân biệt con gái, trai bình đẳng như nhau để giáo dục con cái nuôi dạy các con được tốt hơn... nên tôt thấy rất thích, rất bổ ích, dễ hiểu và rất gần gũi”.

Bằng những cách “trò chuyện sân khấu hóa", anh Phong cùng các đồng nghiệp ở Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện đã góp phần gia tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng là đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn khó khăn của huyện Trà Lĩnh tự nguyện sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc SKSS, KHHGĐ... Giai đoạn năm 2011 - 2016, tỷ suất sinh của huyện đã giảm từ 14,3‰ xuống 14,1‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 6,4% xuống 5,8%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đều đạt từ 104-119% kế hoạch năm ... và quy mô gia đình nhỏ ít con (2 con) đã được đa số người dân đón nhận…

Theo bà Lục Thị Thắng – Chi Cục trưởng, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng đánh giá: “Anh Nông Thanh Phong vừa là người quản lý năng động, sáng tạo, vừa có chuyên môn tốt. Các nội dung tuyên truyền về công tác Dân số và phát triển do anh Phong biên soạn rất gần với bà con nhân dân như: kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh...”.

 Với những nỗ lực trong công tác quản lý và sự sáng tạo trong công tác tuyên truyền về Dân số-KHHGĐ, anh Phong đã giành được nhiều bằng khen, giấy khen của Tổng cục Dân số-KHHGĐ, của tỉnh; cùng với nhiều giải thưởng: Giải nhất Hội thi Tiếng hát dân ca cụm miền Đông; Thành tích xuất sắc 15 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2015, Nông Thanh Phong được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú…

Với những nỗ lực trong công tác quản lý và sự sáng tạo trong công tác tuyên truyền về Dân số-KHHGĐ, anh Phong đã giành được nhiều bằng khen, giấy khen của Tổng cục Dân số-KHHGĐ, của tỉnh; cùng với nhiều giải thưởng: Giải nhất Hội thi Tiếng hát dân ca cụm miền Đông; Thành tích xuất sắc 15 năm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2015, Nông Thanh Phong được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú…

Tháng 7/2017, anh Phong (thứ 3 từ trái qua) được bình chọn là gương điển hình tiên tiến trong công tác Dân số và phát triển của tỉnh Cao Bằng.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/hon-nhan-gia-dinh/nguoi-dan-ong-noi-chuyen-ve-suc-khoe-sinh-san-bang-tho-ca-post45325.html