Người đàn ông nhiều lần 'cướp cơm' Hà Bá kể giây phút vớt 3 em nhỏ đuối nước

Sau khoảng thời gian 30 phút có mặt tại hiện trường, người đàn ông 50 tuổi nhiều lần 'cướp cơm' Hà Bá lặn xuống đáy sông Đà, vớt được 3 thi thể nam sinh gặp nạn.

Khu vực bãi cát nơi 8 học sinh tử vong do đuối nước

Khu vực bãi cát nơi 8 học sinh tử vong do đuối nước

Kinh nghiệm hàng chục năm gắn bó với sông nước

Chiều ngày 21/3, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại con sông Đà đoạn chảy qua địa phận phường Thịnh Lang (TP. Hòa Bình) khiến 8 em học sinh tử vong. Qua tìm hiểu, PV được biết, trong số những người có mặt trong đội cứu nạn hôm đó có ông Nguyễn Ngọc Hiển (50 tuổi, trú tại phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình). Ông Hiền là người một mình lặn xuống đáy sông Đà vớt được 3 thi thể nam sinh trong vụ đuối nước.

Mặc dù đã 50 tuổi nhưng người đàn ông từng nhiều lần “cướp cơm” Hà Bá vẫn giữ được dáng vẻ rắn rỏi, ảnh mắt quắc thước. Ông Hiển bảo, gần 50 năm sống bên bãi Thịnh Minh, từng chứng kiến và cứu nhiều vụ đuối nước xảy ra ở đây nên ông nắm rõ về đoạn sông này như lòng bàn tay mình vậy.

Theo nhận xét của ông Hiển, Thịnh Minh là một bãi sông đẹp, được nhiều người dân TP. Hòa Bình vẫn ví von là “bãi biển Hòa Bình” bởi lẽ khu này có bãi cát trải dài hàng vài chục mét (tính từ bờ), cát trắng, nước trong nên mùa hè nào cũng có hàng trăm người tìm đến đây để giải tỏa cái nóng.

Mặc dù vậy, theo ông Hiển, dòng chảy của con sông khi qua bãi Thịnh Minh rất phức tạp và nếu không phải người có kinh nghiệm sông nước thì sẽ rất khó để nhận biết được những chỗ nào có xoáy nước hoặc những vùng nước quẩn.

“Bãi Thịnh Minh cách đây chừng 30 năm mỗi ngày có đến vài chiếc tàu cát kéo đến thi nhau cày xới khiến độ sâu của bãi có thể lên đến gần 30m. Sau nhiều năm bồi tụ, đến thời điểm hiện tại, chỗ sâu nhất của bãi cũng chỉ còn khoảng 10m”, ông Hiển nói.

Đặc biệt, trải qua nhiều năm gắn bó với bãi sông này, ông Hiển cho biết dòng chảy của con sông qua bãi Thịnh Minh biến chuyển bất ngờ. Ông bảo: “Nếu nhìn trên mặt nước sẽ thấy rất yên ắng nhưng có thể bên dưới đang có một dòng chảy ngầm hoặc nước quẩn và để phân biệt được vùng nước nguy hiểm và an toàn ở bãi sông, bãi biển là rất khó”.

Theo kinh nghiệm của ông Hiển, các nhận biết vùng nước ở bãi sông, bãi biển có an toàn hay không cách dễ nhất là quan sát thông qua bãi đất. Nếu lớp cát dưới đáy sông cứ thoải dần đều là vùng đó có thể an toàn để tắm. Còn những khu vực bãi cát đang thoải sau đó thụt bất ngờ và có bậc được xem là khu vực nguy hiểm, nên tránh xa.

Với kinh nghiệm sông nước của mình, đến nay, ông Hiển đã cứu được 5 người thoát khỏi miệng Hà Bá trên dòng sông Đà đoạn chảy qua bãi Thịnh Minh. Số tử thi vớt được lão ngư này cũng không nhớ hết nổi.

“Khi còn trẻ tôi có thể lặn được gần 2 phút và xuống độ sâu hơn 20 mét nhưng giờ sức khỏe đã giảm nhiều nên chỉ có thể nặn ở độ sâu khoảng 5 mét và được 1 phút”, ông Hiển cho biết.

Hàng chục năm gắn bó với sông nước, ông Hiển hiểu rõ quy luật của dòng sông Đà đoạn chảy qua địa bàn phường Thịnh Lang

Vụ đuối nước thương tâm nhất từng chứng kiến

Với kỹ năng bơi lội của mình cùng với sự am tường về con sông Đà, ròng rã mấy chục năm qua, cứ có người chết đuối, người ta lại gọi ông Hiền. Buổi chiều định mệnh 21/3 cướp đi sinh mạng 8 học sinh cũng thế, chỉ tiếc là lần này ông Hiển đến muộn.

Ông Hiển kể, khoảng 15h30’ chiều ngày 21/3, ông đang ngồi uống nước ở nhà thì nhận được điện thoại báo có nhiều học sinh đuối nước ở bãi Thịnh Minh cần giúp đỡ. Chưa để người đầu dây nói hết câu, ông Hiển lấy xe máy phi thằng ra hiện trường vụ việc.

“Lúc đến nơi, tôi thấy có nhiều người, cả công an tập trung ở đó rồi. Sau khi nắm sơ qua vụ việc còn 7 nam sinh đang mất tích dưới lòng sông, tôi lao xuống sông bắt tay vào việc tìm kiếm”, ông Hiển kể.

Hơn 10 phút ngụp lặn, ông Hiển đưa lên thuyền của công an thi thể em học sinh đầu tiên. Sau 30 phút đồng hồ, thi thể của 2 cháu khác tiếp tục được ông đưa lên. “Thi thể cháu đầu tiên tôi thấy chìm sấp gần sát đáy, khi vớt lên thì có máu chảy ra từ mồm, mũi, biết không cứu được nữa.

Thi thể 3 cháu tôi đưa lên bờ đều nằm cách xa nhau trong bán kính khoảng 70m. Thi thể cháu nằm chỗ nông nhất khoảng 3m trong khi có cháu nằm ở độ sâu lên đến 6m. Đây là vụ đuối nước thương tâm nhất tôi từng chứng kiến”, ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, thời điểm xảy ra sự việc, nước sông Đà rất trong nên ngồi từ trên thuyền của công an nhìn xuống đáy ông có thể thấy thi thể các học sinh gặp nạn. Tuy nhiên, để xuống vớt được các cháu lên bờ phải là người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu dòng nước và chịu được áp lực khi nặn ở độ sâu lớn.

Khoảng 16h chiều, do phải về có việc gấp nên ông bàn giao lại việc tìm kiếm cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, trước lúc ra về, ông nhìn kỹ dòng sông nơi các em học sinh gặp nạn một lượt và đề xuất ý kiến cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang làm nhiệm vụ tìm kiếm.

Đến khoảng 17h, ông nhận tin lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể học sinh cuối cùng.

Ông Hiển chia sẻ: “Đuối nước biết cách cứu thì vẫn cứu được. Nếu đuối nước cả giờ đồng hồ nhưng nạn nhân không uống nước, nước không vào phổi, chỉ ngạt khí và chết lâm sàng thì có thể cứu chữa.

Trong trường hợp nạn nhân uống nước nhưng chưa xảy ra tình trạng xuất huyết ở mồm, mũi, người sơ cứu cần cầm chân dốc ngược để nước chảy ra khỏi phổi nạn nhân, như vậy cũng có khả năng cứu được".

Xem thêm:

Chữa ung thư vú bằng 'thỉnh vong' ở chùa Ba Vàng: Bác sĩ bức xúc vì phản khoa học

T.K - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/nguoi-dan-ong-nhieu-lan-cuop-com-ha-ba-ke-giay-phut-vot-3-em-nho-duoi-nuoc-63625-3.html