Người đàn ông không cầm nổi đôi đũa vì nhân nhầy chèn cổ

Do nhân nhầy chèn cổ, một người đàn ông nguy cơ bị liệt, không thể tự đi lại, tay chân vụng về, không thể cầm đũa...

Sự cử động đôi tay của ông V. đã trở lại sau khi các bác sĩ xử lý đĩa đệm, nhân nhầy sau cổ. Ảnh Người Lao Động.

Sự cử động đôi tay của ông V. đã trở lại sau khi các bác sĩ xử lý đĩa đệm, nhân nhầy sau cổ. Ảnh Người Lao Động.

Theo Báo Người Lao Động thông tin, sáng 29/5, Bệnh viện Gia An 115 TP HCM vừa cứu chữa kịp thời một người đàn ông suýt bị bại liệt, suy hô hấp tử vong do nhân nhầy lồi ra phía sau cổ. Bệnh nhân là T.Đ.V (66 tuổi, ngụ Gia Lai), nhập viện trong tình trạng dáng người cứng ngắc, không thể tự đi lại, vụng về cử động bàn tay, không thể cầm đũa, bàn chải đánh răng, thường rơi ly, rớt chén…

Tại Bệnh viện Gia An 115, kết quả chụp MRI cột sống cổ, ông được chẩn đoán là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chèn ép tủy C3, C4, có nguy cơ suy hô hấp, liệt tứ chi nên được chỉ định can thiệp khẩn cấp. TS-BS Huỳnh Hồng Châu cùng BS.CK1 Trần Công Năng (Khoa Ngoại Bệnh viện Gia An 115) đã tiến hành vi phẫu thuật lấy nhân đệm C3-C4, giải ép tủy, đặt đĩa đệm nhân tạo chuyển động toàn phần.

Sau khi được phẫu thuật, bệnh nhân đã hết các triệu chứng đau, tê, đi lại dễ dàng, hồi phục hoàn toàn các cử động tinh vi của hai bàn tay. Được biết, ông V. bị tình trạng trên xuất hiện khoảng 3 tháng nay, tê ngày càng nhiều, lan xuống hai chân. Khi mới xuất hiện triệu chứng đã đi khám điều trị tại cơ sở y tế địa phương nhưng không giảm.

Ngoài ra, rễ thần kinh cổ từ tủy sống ra có thể bị chèn ép cấp tính hay mạn tính do các loại bệnh lý khác nhau. Bệnh lý rễ thần kinh cổ có biểu hiện lâm sàng chính là đau cổ, đau lan ra vai, đau lan xuống cánh tay – cẳng tay – bàn tay và đến các ngón tay. Tê hay các dị cảm khác kèm theo đường rễ thần kinh bị chèn ép.

Các nguyên nhân chèn ép rễ thần kinh cổ chủ yếu ở tầng di động cột sống cổ phía trước tủy sống cổ, theo thứ tự thường gặp: thoát vị đĩa đệm cổ bệnh lý, thoát vị đĩa đệm cổ sau chấn thương, thoái hóa cột sống cổ. Đa số trường hợp chỉ một rễ bị chèn ép và chỉ một bên cổ, vai, cánh tay đau. Một số ít trường hợp xảy ra hai tầng bệnh với hai rễ thần kinh đau cùng bên. Đối với bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ sẽ có những cách điều trị khác nhau.

Điều trị nội khoa bao gồm nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, uống thuốc, những loại thuốc kháng viêm, thuốc giãn cơ, bổ trợ thần kinh thì cảm giác đau của bệnh nhân có thể lui dần. Những người đáp ứng với điều trị nội khoa có thể xem như là thành công đối với điều trị bảo tồn và 80% số bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể điều trị nội khoa bảo tồn thành công.

Khi phát hiện bệnh lý rễ thần kinh cổ, không phải lúc nào bệnh nhân cũng phải bị phẫu thuật. Một số thuốc hỗ trợ có thể được sử dụng như thuốc kháng viêm không phải corticosteroids, thuốc giảm đau, thuốc trợ lực thần kinh, thuốc an thần... Tập mạnh cơ vùng cổ nhẹ nhàng, dần dần, dưới sự giám sát của chuyên viên phục hồi chức năng khi bớt đau cổ.

Trúc An (T/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/nguoi-dan-ong-khong-cam-noi-doi-dua-vi-nhan-nhay-chen-co-94094-9.html