Người đàn ông khiếm thị ở Quảng Ngãi mắc bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người'

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho biết, tại đây đang điều trị một nam bệnh nhân khiếm thị mắc bệnh 'vi khuẩn ăn thịt người'.

Ông H. đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: PN Online

Ông H. đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: PN Online

Ngày 28/11, bác sĩ Lương Văn Tuấn - Trưởng khoa Nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cho PN Online biết, đơn vị này đang điều trị cho nam bệnh nhân khiếm thị mắc bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” (bệnh Whitmore).

Cụ thể, bệnh nhân là ông Lê Đức H. (50 tuổi, ở xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh tiểu đường, là người khiếm thị, chỉ có thể lao động nhẹ. Người nhà bệnh nhân cho hay, cách đây khoảng 2 tháng, ông H. có dấu hiệu trướng bụng, xuất hiện áp xe mủ ở bụng.

Mặc dù người nhà đã đưa bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế và mổ lấy khối áp xe 2 lần nhưng vẫn không khỏi. Đến lần thứ 3, qua thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi chẩn đoán bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Sau 21 ngày điều trị tích cực, hiện tại sức khỏe bệnh nhân diễn biến tốt và chuẩn bị được xuất viện điều trị ngoại trú.

Không chỉ tại Quảng Ngãi, ngành y tế nhiều tỉnh khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế…) đã ghi nhận số trường hợp mắc bệnh Whitmore tăng đột biến. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua chính là nguyên nhân khiến bệnh Whitmore bùng phát.

Bệnh Whitmore là bệnh hiếm gặp với nhiều biến chứng nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt với những người đang mắc bệnh mãn tính. Dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn với những bệnh khác vì có áp xe cơ, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng da… Bệnh cần được điều trị lâu dài, dùng kháng sinh liều cao, trong khoảng thời gian từ 5-7 tháng mới có thể khỏi hoàn toàn.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động phòng tránh bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất, nước, bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng. Đặc biệt khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng, bệnh nhân cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm …

Nguyệt Hà (T/h) -

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/nguoi-dan-ong-khiem-thi-o-quang-ngai-mac-benh-vi-khuan-an-thit-nguoi-114606-9.html