Người đàn ông đóng băng cơ thể chờ hồi sinh nhưng không thành

Hơn 50 năm trôi qua, bác sĩ James Bedford vẫn 'ngủ say' trong bể nitơ lỏng lạnh -196 độ C và chưa từng thức dậy.

Ngày 12/1/1967, cách đây 54 năm, bác sĩ James Bedford qua đời ở tuổi 73 tại viện dưỡng lão. Ông bị ung thư thận đã di căn đến phổi. Cái chết của vị bác sĩ người Mỹ đã đánh dấu sự kiện lịch sử của y học thế giới.

Theo Cnet, thay vì hỏa táng hay chôn cất, thi thể của bác sĩ Bedford được đưa vào bảo quản lạnh.

 Các chuyên gia chuẩn bị dung dịch và chất ướp thi thể cho bác sĩ James Bedford. Ảnh: Getty Images.

Các chuyên gia chuẩn bị dung dịch và chất ướp thi thể cho bác sĩ James Bedford. Ảnh: Getty Images.

"Chuyến phiêu lưu" qua nhiều kho lạnh

Theo New York Times, cơ thể của bác sĩ Bedford được các chuyên gia từ Hiệp hội Cryonics California, Mỹ, xử lý. Trước khi qua đời, ông Bedford đã tuyên bố mình sẽ cống hiến cơ thể cho y khoa và ngành nghiên cứu đông lạnh thi thể.

Quyết định này được đưa ra sau khi ông nhận lời đề nghị từ Life Extension Society, tổ chức điện tử đầu tiên trên thế giới. Họ đề nghị đóng băng miễn phí người đầu tiên tham gia dự án Cryonics.

Tiến sĩ James Bedford. Ảnh: Alcor.

Tuy nhiên, sự ra đi của tiến sĩ Bedford vẫn khiến toàn bộ thành viên dự án Cryonics California bất ngờ. Y tá của ông phải ngay lập tức chạy đi thu thập đá đông lạnh từ hàng xóm trong khi chờ họ tới. Trước đó, mọi thứ về việc đông lạnh thi thể vẫn chỉ là lý thuyết. Nhóm chuyên gia chưa từng trải qua lần trải nghiệm thực tế nào.

Sau đó, nhóm chuyên gia đến. Tuần hoàn của tiến sĩ Bedford được duy trì thông qua hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim. Cùng lúc đó, cơ thể phải được làm lạnh trên đá.

Ba bác sĩ trực tiếp tiếp nhận quá trình này là nhà nghiên cứu đông lạnh Robert Prehoda, bác sĩ Dante Brunol và Robert Nelson - Chủ tịch của Hiệp hội Cryonics California.

"Tôi làm điều này với hy vọng, ngày nào đó, con cháu tôi sẽ được hưởng lợi từ giải pháp khoa học tuyệt vời này", Bedford tâm sự với Robert Nelson. Sau này, toàn bộ quá trình ướp đông thi thể bác sĩ Bedford đều được ông Nelson viết trong cuốn sách của mình.

Ê-kíp bắt đầu thay máu của bác sĩ Bedford bằng dung dịch bảo quản hóa học. Họ tiêm chất dimethyl sulfoxide vào cơ thể ông. Đây là chất được cho là có thể giúp bảo toàn các cơ quan nội tạng và mô. Sau đó, họ đóng băng thi thể bằng đá khô trước khi chuyển sang môi trường nitơ lỏng.

Ông Robert Nelson tả lại quá trình ướp đông thi thể của bác sĩ James Bedford. Ảnh: Getty Images.

Thi thể Bedford được đưa vào một quan tài, chở về nhà riêng rồi sau đó chuyển đến trung tâm đông lạnh Cryo - Care ở Phoenix, Arizona. Nơi này đã đồng ý cất giữ túi thi thể đông lạnh của ông Bedford trong bể nitơ lỏng -196 độ C.

Sự kiện này được cho là đánh dấu bước ngoặt cho nền y tế thế giới. Nhưng ở thời điểm đó, nó vấp phải vô số những phản đối, tranh cãi từ giới chuyên gia lẫn người dân. Chính vì thế, thi thể của bác sĩ Bedford nhiều lần bị yêu cầu rã đông và chôn cất hoặc hỏa thiêu như phương pháp truyền thống.

Gia đình của Bedford yêu cầu được nhận thi thể người thân về và tự bảo quản. Chính vì thế, thi thể của ông đã trải qua "chuyến phiêu lưu" qua nhiều kho lạnh tại Mỹ. Năm 1969, thi thể được chuyển tới kho lạnh Anaheim của công ty sản xuất thiết bị thử nghiệm Galiso Inc., ở California. Tại đây, cơ thể của ông được đặt trong chiếc bể nitơ lớn hơn, nhiệt độ tốt hơn.

Cecilia Bedford (con dâu tiến sĩ Bedford) chụp cùng "kén đông lạnh" của Cryo-Care, trước khi thi thể của ông chuyển đến Galiso, Inc. vào tháng 4/1970. Ảnh: Getty Images.

Vợ và con Bedford trung thành với di nguyện của ông. Tuy nhiên, một số thành viên khác trong gia đình không chấp nhận cách "an nghỉ" này. Cuộc chiến pháp lý giữa các thành viên nhà Bedford đã nổ ra. Tài sản 100.000 USD mà ông để lại cho việc đóng băng dần cạn kiệt vì chi phí kiện cáo.

Năm 1976, áp lực từ đơn vị bảo hiểm khiến Galiso không thể tiếp tục trữ đông thi thể của Bedford. Đơn vị này buộc Galiso phải tuyên bố vị bác sĩ đã tử vong. Ngày 31/7/1976, Norman, con trai của ông Bedford, thuê xe lạnh, di chuyển thi thể cha từ Galiso đến Trans-Time Inc., cơ sở kỹ thuật điện tử thương mại ở Emeryville (thị trấn gần Berkeley, California).

Nhưng Bedford cũng không "ở lại" nơi này lâu vì chi phí kho quá cao. Sau đó, Norman chuyển thi thể cha tới địa điểm bí mật tại nhà ở Nam California và thỉnh thoảng bổ sung khí nitơ trong bể đông lạnh.

Vài năm sau, chi phí tiếp tục là bài toán khiến người thân của Bedford đau đầu. Cả gia đình quyết định đưa ông trở lại kho lạnh thương mại. Nơi họ chọn lần này là Phòng thí nghiệm Alcor-Cryovita ở Fullerton.

Lần kiểm tra duy nhất và không thể hồi sinh

Năm 1991, 22 năm sau khi "ngủ đông", thi thể của ông Bedford được đưa đến một kho lạnh khác. Đây là nơi "nghỉ ngơi" của 3 thi thể ướp đông khác.

Ngày 25/5/1991, các chuyên gia kiểm tra tình trạng thi thể của bác sĩ Bedford lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ. Theo báo cáo của Alcor, da cổ, thân trên của Bedford đã bị đổi màu, mũi sụp xuống và xuất hiện hai lỗ thủng trên cơ thể.

Kiểm tra kỹ vùng da ở ngực trên cho thấy các vết lõm có vẻ như bị gãy xương. Mũi và miệng của ông có vết máu, mắt mở hé và giác mạc có màu trắng của băng. Các kỹ thuật viên đánh giá dịch máu chảy ra từ miệng và mũi không phải là điều bất ngờ, nằm ngoài dự đoán.

Thi thể của ông James Bedford trong lần kiểm tra duy nhất. Ảnh: Getty Images.

Đặc biệt, kiểm tra hình ảnh bên ngoài họ nhận thấy thi thể trẻ hơn so với tuổi 73. Dù có những biến đổi, báo cáo đánh giá ông được bảo quản tốt.

Trải qua một cuộc "phiêu lưu" dài và đầy khó khăn, cuối cùng, dự án đông lạnh thi thể chờ ngày hồi sinh mà bác sĩ Bedford tham gia đã chính thức dừng lại vào năm 1994. Năm 2017 là thời điểm mà Robert dự đoán vị bác sĩ sẽ thức dậy trôi qua nhưng không đạt được kết quả như mong đợi.

Tình trạng của ông vẫn chưa được đánh giá là chết nhưng họ cũng không kết luận ông còn sống. Theo một số nhà khoa học, James Bedford thậm chí đã tử vong khi bước vào quá trình thử nghiệm đóng băng. Cơ thể của ông vẫn nằm trong phòng thí nghiệm của tổ chức kéo dài sự sống Alcor.

Cryonics trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là lạnh. Đây là công nghệ đóng băng thi thể ở nhiệt độ thấp (thường là -196 độ C) với hy vọng họ có thể sống lại trong tương lai. Cryonics từng bị hoài nghi là phản khoa học và vấp phải nhiều tranh luận trái chiều.

Các quy trình ướp đông chỉ có thể bắt đầu sau khi người đó chết lâm sàng và buộc phải sử dụng chất bảo quản lạnh để ngăn hình thành băng. Tính đến năm 2014, khoảng 250 thi thể đã tham gia quá trình đông lạnh này ở Mỹ. Ngoài ra, 1.500 người khác đăng ký chờ.

Hiện nay, thế giới chỉ có 4 cơ sở có thể thực hiện độc lập phương pháp đông lạnh thi thể ở Mỹ (CI, Alcor), Nga (KrioRus) và Trung Quốc (Viện Nghiên cứu Khoa học Đời sống Yinfeng).

Theo CBC, tính đến năm 2018, chi phí để trữ lạnh thi thể bằng công nghệ Cryonics có thể dao động từ 28.000 đến 200.000 USD.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ong-dong-bang-co-the-cho-hoi-sinh-nhung-khong-thanh-post1191256.html