Người đàn ông đội mũ phớt

Lần đầu tiên tôi gặp ông vì liên quan đến một bức ảnh tư liệu. Bước vào phòng tôi, ông cẩn thận nâng chiếc mũ phớt ra khỏi đầu và khẽ nghiêng người chào. Cách chào ấy vừa lịch sự, vừa khiêm tốn và cũng vừa e dè.

Đã quá lâu rồi, tôi không còn được nhìn thấy cách chào ấy ở Hà Nội, một chốn vốn nổi tiếng thanh lịch này. Trước khi ngồi xuống ghế, ông để chiếc mũ một cách trang trọng và cẩn thận xuống bàn. Những lần sau này, động tác để mũ của ông vẫn như vậy. Lần nào tôi cũng quan sát cách chào và động tác mũ của ông với một cảm giác thật thú vị và xúc động. Con người ông ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên cho đến sau này luôn hiện lên hai mảng trái ngược nhau: nho nhã và lam lũ, ngơ ngác và buồn bã.

Mỗi năm chúng tôi chỉ gặp đôi lần vì công việc, cho nên tôi cũng không tìm hiểu lai lịch của ông. Chỉ biết ông là một người chụp ảnh và sưu tầm ảnh tư liệu. Sau này biết thêm ông là cộng tác ảnh tư liệu mật thiết cho Tạp chí Xưa và Nay của nhà sử học Dương Trung Quốc. Ông là người chụp và sưu tầm hàng ngàn bức ảnh tư liệu về Hà Nội, về các sự kiện và các nhân vật nổi tiếng. Nhưng những gì từ con người ông toát ra càng ngày càng gây cho tôi một sự tò mò. Ông là ai? Nguồn gốc ông thế nào? Điều gì đã làm lên cái nho nhã, cái lam lũ, cái lơ ngơ và buồn bã trong con người ông?

Ông là một người say mê phim ảnh. Ngay từ hồi còn nhỏ, ông đã cầm máy ảnh. Rồi ông theo học điện ảnh, chuyên nghề quay phim. Đời ông đã hai lần làm phụ quay cho hai bộ phim. Một phim tư liệu và một phim truyện. Ấy là phim Vợ chồng A Phủ. Nhưng số ông không may. Một ngày ở trường quay, phim hết. Người ta bảo ông về lán lấy phim. Ông cưỡi ngựa về lán và bị ngựa đá vào mặt làm cho con ngươi bên mắt phải của ông gần như bật tung ra khỏi hốc mắt. Khát vọng trở thành nhà quay phim vụt tối đen. Sau một thời gian chữa trị, mắt ông khá lên. Ông mừng lắm. Ông lại theo học một lớp quay phim chính quy khác. Nhưng lần này ông cũng không được cầm máy quay. Không có con ngựa nào đá ông. Số phận đã đá ông một cú mạnh hơn cú đá của ngựa. Từ đó khát vọng trở thành nhà quay phim vĩnh viễn rời bỏ ông.

Không trở thành nhà quay phim nhưng ông vẫn phải sống, phải nuôi con cái. Ông chỉ còn có một việc vừa để kiếm cơm vừa để đỡ dày vò về ước mơ giản dị của mình là quay phim. Thế là ông cầm máy ảnh. Nhưng ông cũng không trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh có ảnh bày trong các triển lãm ảnh nghệ thuật và được những giải thưởng nào đó. Ông trở thành thợ ảnh Habe. Thợ ảnh Habe là tên gọi cho có vẻ sang trọng của những người làm nghề chụp ảnh quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Habe là tên một hiệu ảnh trong một bộ phim nổi tiếng trước kia. Những người thợ ảnh như ông gọi thế. Còn người đời gọi ông và những đồn nghiệp của ông là thợ ảnh Bờ Hồ. Giữa khát vọng và sự học hành để trở thành một nhà quay phim và nghề chụp ảnh thuê ở Bờ Hồ là một trò đùa của số phận. Nhưng khi nói về những ngày tháng chụp ảnh quanh Bờ Hồ ông say đắm như một nghệ sĩ lớn nói về cuộc đời sáng tạo của mình.

Ông nói với tôi rằng, những người chụp ảnh Bờ Hồ có cùng nhau tổng kết một cách hài hước cái nghề chụp ảnh Bờ Hồ bằng gần sáu mươi cặp L kép. Cụm từ “LL” có nghĩa gì? Ông mỉm cười: Đó là lanh lẹn, luồn lách, lặn lội, lý luận, lì lợm, lẳng lơ, lấp liếm, lượn lờ, lưu loát vv và vv. Nghĩa là muốn ăn tiền được của thiên hạ bằng cái nghề này thì các tay thợ ảnh Bờ Hồ phải cực nhọc, vất vả, và cũng đầy mưu mẹo. Chụp ảnh Bờ Hồ không chỉ chụp quanh Bờ Hồ mà ông còn đi chụp thuê đám cưới đám ma. Có những bức ảnh vui chụp hơn nửa thế kỷ nay ông vẫn giữ. Đó là bức chụp hai đứa bé sinh đôi đầy tháng đang mở mắt tròn xoe nhìn cuộc đời. Có những bức ảnh buồn ông cũng giữ. Đó là bức ảnh ông chụp một đám tang hai cỗ quan tài để song song của hai vợ chồng cùng chết một ngày. Mà đó là một cái chết bình thường chứ không phải chết bom chết đạn gì. Ông bảo số phận thật kỳ lạ.

Mấy chục năm cầm máy ảnh, ông chỉ chụp những gì có thực của cuộc sống này mà không hề có sự bố trí nào. Có những hình ảnh chỉ hiện ra trong đời sống này một lần và không bao giờ thấy lại nữa. Ông chụp chuyến tàu điện cuối cùng của Hà Nội. Ông chụp đủ năm cửa ô Hà Nội được trang hoàng cờ hoa trong ngày những đội quân tiến về tiếp quản Tủ đô. Ông chụp cả những nghệ sĩ có tên tuổi của Cách mạng đứng trên cầu Thê Húc rồi sau đó lên tàu di cư năm 1954 và rời bỏ Cách mạng, rời bỏ thành phố quê hương. Có người ông chụp lấy tiền. Có người ông chụp mà không lấy tiền vì họ còn nghèo hơn ông. Có lúc ông phải chụp lén, chụp trộm. Vì trong thời chiến mà cứ mũ phớt, tóc dài, kính dâm và thập thò máy ảnh thì dễ bị người dân nghi là gián điệp. Ông chụp những người mà ông rất là quý trọng và chụp cả những kẻ ông dửng dưng thậm chí cả những kẻ ông khinh thường. Ông chụp những người quen và cả những người ông không quen biết. Cuộc đời có từng ấy gương mặt thì ông lại ghi lại từng ấy một cách trung thực. Không vì thù ghét mà bôi tro trát trấu. Không vì quý trọng mà trát phấn tô son. Cuộc đời thế nào hãy hiện lên như thế: buồn vui, tốt xấu, thật giả… Ông không phản bội lại hiện thực. Đấy là niềm vui của ông. Một niềm vui bất tận mà mấy ai thấu hiểu. Ông là một nghệ sĩ trong cái công việc mà người đời chẳng mấy ai coi trọng.

- Cha ông có làm nghề chụp ảnh không?

- Cha tôi là một thương gia thời Pháp thuộc.

Sau này tôi biết, cha ông chính là ông Trịnh Đình Kính, người mà trong một bài báo người ta đã gọi là ông Hoàng thủy tinh xứ Đông Dương. Đấy là một người đã làm ra những đồ thủy tinh nổi tiếng từng mười sáu lần được Huy chương vàng hội chợ Đông Dương và là người làm ra thủy tinh màu đầu tiên ở Việt Nam. Ngôi nhà của ông Trịnh Đình Kính từng là nơi ăn ở của nhiều đại biểu Quốc hội khóa I. Lúc đó, chính phủ còn nghèo khó, người dân đã chia cơm sẻ áo cho Cách Mạng. Ồng Trịnh Đình Kính là một trong những người tham gia tích cực trong tuần lễ vàng ủng hộ Cách mạng và trước đó đã từng bị Pháp bắt bỏ tù vì tội ủng hộ Việt Minh.

-Ông nội ông có làm nghề chụp ảnh không?

-Ông nội tôi là Trịnh Đình Thành.Ông nội tôi là một nghĩa quân dũng cảm trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp. Khi quân Cần Vương thua trận ở Bãi Sậy, ông nội tôi ôm tráp quân cơ nhảy xuống sông tự vẫn để giữu tiêt trung quân và bảo vệ những bí mật không thể rơi vào tay giặc.

Với những câu hỏi như vậy, tôi đã tìm về ông tổ mười đời trước đó của ông thợ ảnh Bờ Hồ Trịnh Đình Tiến. Đó chính là Khang Vương Trịnh Căn. Trịnh Căn là chúa thứ tư thời vua Lê chúa Trịnh. Ông có tài cầm quân lại có tiếng văn chương. Năm 1995, kết quả Hội thảo khoa học về “Chúa Trịnh – vị trí và vai trò lịch sử” được tổ chức ở Thanh Hóa với luận điểm: “Công minh lịch sử - Công bằng xã hội” đã được công bố trên báo Nhân dân. Trong đó đặt vấn đề có sự đối xử công bằng hơn với sự nghiệp của họ Trịnh. Như lời giới thiệu của giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam trong cuốn Khang Vương Trịnh Căn của tác giả Trịnh Xuân Tiến, nhà xuất bản Lao Động năm 2001: “Họ Trịnh – một dòng họ có nhiều cống hiến vào lịch sử dân tộc như xây dựng đất nước, gìn giữ biên cương, chấn hưng văn hiến… nhưng công lao của dòng họ này có chỗ bị lu mờ, sự nghiệp của các Chúa Trịnh có phần bị quên lãng”.

Cái chỗ bị lu mờ và cái phần bị lãng quên ấy có lẽ đã làm cho ông dày vò và buồn bã. Tại Đôn Thư, Thanh Oai, Hà Tây có khu thái miếu của họ Trịnh được xây cất để thờ phụng tổ tiên: Nhưng cho đến tận bây giờ khu thái Miếu ấy vẫn là nơi công cộng và mỗi ngày thêm hư hỏng. Chính quyền cấp trên đã có lệnh trao lại khu Thái Miếu này cho các hậu duệ Khang Vương Trịnh Căn, để họ thực hiện cái đạo đức truyền thống của người Việt là thờ phụng tổ tiên. Những ngày đầu chính quyền Cách mạng được thành lập, các hậu duệ của các Chúa Trịnh đã nhường khu Thái Miếu này cho chính quyền địa phương làm trụ sở, nhưng chính quyền địa phương đến giờ này vẫn cứ như là không nghe thấy. Báo chí lâu nay cũng đã nói nhiều về tình trạng của khu Thái Miếu. Ông Trịnh Đình Tiến buồn rầu bảo sau này trăm tuổi đi gặp tổ tiên. Ông chỉ còn biết dập đầu trước tổ tiên ông xin chịu tội chết. Nhưng kẻ thảo dân này biết làm sao? Biết làm sao bây giờ?

Mỗi khi ra khỏi nhà dù chỉ mang một tấm ảnh tư liệu cho một tờ báo hay một tạp chí nào đó với nhuận bút hai ba chục ngàn đồng thì ông cũng ăn mặc chỉnh chu. Ông đứng trước dãy mũ phớt hơn chục cái để chọn một cái thích hợp với thời tiết ngày hôm đó. Rồi ông trịnh trọng đội chiếc mũ lên đầu. Ông trịnh trọng ngả mũ chào. Ông trịnh trọng để chiếc mũ xuống bàn. Nhiều lúc tôi cứ liên tưởng một cách xa xôi tuy chẳng biết có cơ sở lắm, phải chăng vì mang trong mình dòng máu vua chúa nên ông mới có hành động trịnh trọng và đầy nghi lễ trong cả việc đội vào hay bỏ ra một cái mũ. Thời gian và thời thế đã thay đổi quá nhiều, ông không là kẻ ấu trĩ để ngồi mà thương tiếc ngôi vua tước chúa của dòng tộc mình. Ông sống dản dị và lặng lẽ như muôn vàn người dân như trong thời của lịch sử hiện đại. Ông tôn kính tổ tiên như tôi tôn kính tổ tiên tôi, như bà bán rau bên hè phố tôn kính tổ tiên của bà, như một ông ăn mày lang thang tôn kính tổ tiên của ông. Nỗi buồn nhất trong lòng ông là không có ít sự hiểu lầm và đôi khi ngờ vực của người đời sau về nhà Trịnh. Tôi bảo ông rằng các nhà sử học chân chính đã đánh giá đúng những đóng góp của nhà Trịnh với đất nước rồi kia mà. Chỉ rất ít người hiểu được như thế, ông nói.

- Báu vật mà các Chúa Trịnh để lại cho các hậu duệ của mình là gì?- Nhà tôi trước kia có nhiều cổ vật. Cha tôi là một trong những người sưu tầm cổ vật có tiếng ở Hà Nội. Sau nghèo túng bán hết. Nhưng chúng tôi chẳng coi đó là báu vật. Báu vật mà chúng tôi còn giữ được đến bây giờ là mấy trăm bài thơ của Khang Vương Trịnh Căn.

Khi bài viết này được in ra, tôi chắc chắn sẽ rất nhiều và rất nhiều người từng biết ông, từng được ông chụp ảnh ở Bờ Hồ sẽ thảng thốt kêu lên: Ô, hóa ra đây là hậu duệ của các bậc vua chúa từng nổi danh trong lịch sử ư! Còn ông, tôi biết, ông vẫn lặng lẽ nho nhã, lặng lẽ lam lũ, lặng lẽ ngơ ngác, và lặng lẽ buồn trong dòng chảy của thời gian. Ông vẫn đội những chiếc mũ phớt khác nhau tùy theo thời tiết. Ông vẫn trịnh trọng bỏ mũ ra khỏi đầu, trịnh trọng chào và trịnh trọng đặt mũ ttrước khi ngồi xuống để đưa một bức ảnh tư liệu hay cất giọng buồn bã kể về dòng tộc và khu Thái miếu của mình bị chính quyền địa phương chiếm dụng đang ngày một hoang tàn.

TÁI BÚT: Tên ông là Trịnh Đình Tiến. Ông có một người chị gái rất nổi tiếng. Đó là Trịnh Thị Ngọ, người đọc bản tin tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam mà các lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam gọi là Hà Nội Hannah.

Nguyễn Quang Thiều

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nguoi-dan-ong-doi-mu-phot-81412