Người đàn ông đến từ Cairo

Trong bức thư trước ngài hỏi tôi liệu có gặp chuyện gì kỳ lạ ở nước Anh hay không. Tôi có một chuyện này chắc sẽ làm vừa lòng ngài. Câu chuyện mà tôi sắp kể lạ đến mức có thể đã xuất hiện trong một truyện ngắn của ngài...

Từ: Solomon Meisl-Horowitz

Làng Victoria-ad-Mare, hạt Sussex, nước Anh

Đến: Franz Kafka

Nhà 36 phố Parizska, Prague, Bohemia

Kính gửi nhà văn Kafka,

Trong bức thư trước ngài hỏi tôi liệu có gặp chuyện gì kỳ lạ ở nước Anh hay không. Tôi có một chuyện này chắc sẽ làm vừa lòng ngài. Câu chuyện mà tôi sắp kể lạ đến mức có thể đã xuất hiện trong một truyện ngắn của ngài.

Tôi đi nghỉ mát tại làng Victoria-ad-Mare hồi đầu tháng 6 vừa rồi. Tôi đã định đi tắm biển thật nhiều, nhưng mà trời đổ mưa cả tuần đầu tiên khiến tôi bị “cầm tù” trong khách sạn mà không có việc gì làm cả. Một người bạn cũ của tôi làm nghề viết về đồ cổ biết được tin này nên mới mời tôi đến nghỉ tại nhà anh ấy ở hạt Kent. Tôi chấp nhận lời mời mà không mảy may suy nghĩ.

Ngôi nhà của bạn tôi được đặt tên là Canopus Hall vì bên trong có một cái bảo tàng nhỏ trưng bày đồ cổ từ Ai Cập. Nếu như không bị làm phiền liên tục bởi tiếng đàn cừu ngoài đồng cỏ thì tôi có thể nghĩ rằng mình đã lạc vào thế giới của những vị Pharaoh và Kim tự tháp.

Canopus Hall có khoảng trên dưới 40 phòng, hầu hết trong số đó được dùng để trưng bày đồ Ai Cập cổ. Bạn tôi, Nigel, trực tiếp dẫn tôi đi thăm từng phòng một. Anh ta tỏ ra rất vui mừng khi được giới thiệu với bạn bộ sưu tập những xác ướp trong quan tài. Nigel còn sở hữu một bộ sưu tập khác gồm đồ trang sức và kính màu có nguồn gốc từ thời hoàng hậu Cleopatra. Tôi có thể nhận ra rằng, tuy Nigel lúc nào cũng được bao quanh bởi niềm đam mê của mình, anh cũng luôn cảm thấy cô đơn. Đó là điều bình thường với các nhà sưu tầm đồ cổ.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên.

Minh họa: Doãn Hoàng Kiên.

Buổi tối đầu tiên hai chúng tôi dùng bữa bên lò sưởi phòng khách. Nigel phì phèo một thứ thuốc lá gì đó rất nặng mùi để chống lại cái lạnh của những cơn mưa mùa đông. Anh ta bất ngờ rít một hơi dài rồi hỏi tôi: “Anh có muốn trả lời một câu gì đó mà chưa ai từng tìm được lời giải chưa?!”.

Biết rằng Nigel đang có chuyện hay để kể, tôi mới dừng nĩa và quay sang nhìn anh. Nhà sưu tầm đồ cổ bắt đầu câu chuyện bằng một giọng nghiêm trang:

“Mười năm trước, tôi được bổ nhiệm làm Giám đốc trường Đại học Anh ở Cairo. Đây là vị trí mà tôi đã hằng mơ ước, nên anh khó có thể tả hết niềm vui mừng của tôi. Đặc biệt hơn, tôi lúc đó vừa mới lấy người vợ quá cố của mình, còn người bạn và người học trò xuất sắc của tôi, anh Rodger Bolton, lại được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc trường đại học. Tôi có khả năng đọc chữ Ai Cập cổ, còn Rodger lại giỏi về khoản vật liệu và các kỹ nghệ xưa. Hai chúng tôi trở thành một cặp bài trùng trong nghiên cứu văn hóa Ai Cập cổ đại”. Tôi cắt lời Nigel: “Có phải vì cái đó mà anh liên quan đến người Ai Cập cổ đại?”.

“Không! Nó là về một người đàn ông bị mất tích”.

“Rodger Bolton ư?”.

“Không phải anh ta! Người mất tích là Jusuf Ata-Giorgi. Ông ta biết đến hàng chục thứ tiếng khác nhau. Nhưng không ai rõ ông ta là người nước nào. Jusuf sở hữu một cửa hàng đồ cổ trên phố Abdin, gần nhà thờ Hồi giáo al-Azhar. Khi Jusuf mất tích, ông ta không có người nhà hay bạn bè để mà nhớ tiếc. Mọi người nghĩ rằng Jusuf có một chân trong giới trộm đồ cổ, vậy nên chắc ông ta mất tích do liên quan đến vụ việc mờ ám nào đó!”. Để tiện cho bác sỹ, tôi xin được tóm tắt lại câu truyện Nigel kể bằng lời của mình:

Nigel và Rodger đã mua lại từ Jusuf sáu chiếc quan tài có xác ướp bên trong. Ba trong sáu chiếc quan tài còn nguyên dấu sáp niêm phong và chữ ký của người đóng quan. Chỉ ba cái quan tài đó thôi cũng đã đáng giá cả một sự nghiệp đối với bất kỳ nhà khảo cổ học nào. Vì vậy mà Nigel sẵn sàng trả cái giá “cắt cổ” mà Jusuf đòi. Lúc tiếp nhận mấy cái quan tài, hai anh mừng đến mức không nhận ra rằng mình đang ở ngay giữa phố Abdin, nơi lúc nào cũng có “tai mắt” của bọn trộm đồ cổ.

Vì không có xe chở quan tài về trường đại học nên Nigel đành để chúng lại ở cửa hàng của Jusuf. Nửa đêm hôm đó, trong lúc Jusuf đang rời khỏi Cairo thì bọn trộm “viếng thăm” cửa hàng đồ cổ. Ba chiếc quan tài bị cậy mở, rồi bọn trộm lấy đi mọi thứ vàng bạc trang sức bên trong. Độc ác hơn, chúng còn chặt xác ướp thành từng mảnh nhỏ rồi nghiền ra để lấy chất bột. Người Ai Cập quan niệm rằng, những thứ lá, dầu thuốc dùng để ướp người chết về lâu thì sẽ thấm hết vào xác ướp. Thứ bột nói trên vì thế có thể chữa được bách bệnh!”.

Cả Nigel và Rodger đều bị sốc mạnh. Trong khi cơn giận đang bùng cháy trong người, Nigel lại lo cấp dưới của mình sẽ mất hết lý trí mà gây nên tội. May mắn là cuối cùng Rodger cũng giữ được bình tĩnh. Hai người bàn bạc với nhau, và họ nghi rằng không ai khác ngoài Jusuf đã đứng sau vụ trộm - làm thế thì ông ta vừa có tiền bán quan tài, vừa có tiền từ đống vàng bạc trang sức. Nigel đem nghi vấn này đến cãi nhau với người bán đồ cổ.

Thế nhưng buổi sáng hôm sau đó, Jusuf bất ngờ biến mất khỏi Cairo. Không ai biết rằng ông ta đã đi đâu, kể cả những người làm công trong cửa hàng. Vợ của Jusuf đến trường Đại học Anh mà khóc lóc và lu loa rằng Nigel đã giết chồng bà. Nigel tức tốc đến tận cửa hàng đồ cổ cùng với cảnh sát Cairo. Hóa ra người vợ của Jusuf phát hiện ra vết máu dính bên ngoài cửa hàng. Mọi thứ đồ cổ quý giá nhất cũng đã không cánh mà bay!”.

“Vì Jusuf từng có tiền án lừa đảo nên cảnh sát Cairo cho rằng ông ta đã dàn dựng cảnh giết người, rồi đem hết tiền bạc cùng đổ cổ bỏ đi. Người Ai Cập không có thói quen giữ mồm giữ miệng, vậy nên cảnh sát chỉ việc ngồi chờ xem có thông tin nào về Jusuf đang trốn ở đâu không.

Thế nhưng đã hơn mười năm rồi mà không ai biết Jusuf đang ở đâu. Cảnh sát cũng đành phải bỏ cuộc. Nigel đoán rằng ông ta đã rời khỏi Ai Cập để trốn sang tận Timbuktu hoặc Zanzibar.

Nigel và Rodger sửa soạn lại những cái quan tài và xác ướp đã bị phá hoại, rồi sau đó đem chúng về nước Anh. Một thời gian sau đó thì Nigel cũng từ chức ở trường đại học và không bao giờ đặt chân lên Ai Cập nữa. Bây giờ Nigel vẫn còn giữ lại một trong số những chiếc quan tài trong bộ sưu tập của mình. Rodger cũng từ chức như anh, nhưng phải mất đến tận nửa năm ở lại Ai Cập để được phép của cảng vụ Ai Cập đem chiếc quan tài về Anh”. Trời lạnh và tiếng mưa rơi trên mái nhà khiến tôi không thể ngủ được. Buổi sáng hôm sau, trong lúc đang ăn sáng ngoài vườn, tôi nói với Nigel: “Nếu anh không cảm thấy phiền thì liệu tôi có thể làm một vài thí nghiệm trong phòng trưng bày của anh được không?”.

Nigel đồng ý ngay. Chỉ mấy phút sau đó, anh ta dẫn tôi đến trước cái quan tài được đem về từ Ai Cập. Tôi cầm cái xẻng lấy ở ngoài vườn mà đập vào quan tài, đập đến khi nó bật mở. Bên trong quan tài chèn đầy thạch cao và bông, còn cái xác ướp bọc vải chỉ nằm co quắp một góc.

“Trời ơi! Sao tôi lại có thể ngốc đến mức quên mất rằng bọn làm đồ cổ giả thường lấy xác người vô gia cư để thay vào xác ướp thật chứ!” - Nigel kêu lên trong sự kinh hoàng và giận dữ.

“Mọi chuyện còn độc ác hơn thế nữa, Nigel à. Đây là cái xác một người quen của anh!”. Nói rồi tôi lấy con dao rạch một đường dọc cái xác ướp. Đằng sau lớp vải hiện ra khuôn mặt của một người đàn ông. Không như xác ướp bình thường, làn da ông ta không khô lại thành một màu gỗ mục, mà vẫn giữ được cái sắc vàng của cát và gió Ai Cập.

“Anh hãy nhìn đi! Đây có phải là Jusuf Ata-Giorgi, người buôn đồ cổ đã mất tích không?”.

Suýt nữa thì Nigel ngất xỉu luôn tại chỗ. Tôi phải cõng anh ta vào nhà rồi cho ngửi muối thì Nigel mới hơi hồi tỉnh lại. Sau đó tôi giải thích cho anh rằng:

“Tôi đã nghi ngờ Rodger Bolton ngay từ lúc anh kể lại hắn ta mất đến nửa năm để xin phép cảng vụ Ai Cập được đem xác ướp về Anh. Một cái xác ướp đã bị bọn trộm phá hoại đến mức đó thì hoàn toàn vô giá trị với chính quyền Ai Cập. Tại sao họ lại phải làm khó Rodger đến thế chứ?”.

Nigel cúi đầu lẩm bẩm: “Ừ nhỉ! Nếu lúc đó tôi không lo nghĩ những chuyện khác thì đã nhận ra điều này rồi!”.

“Anh cũng nói rằng Rodger có kiến thức về các kỹ nghệ của người Ai Cập cổ, trong đó có nghề chuẩn bị xác ướp, đúng không? Anh nghĩ xem, hắn ta có cả động cơ lẫn kinh nghiệm để thực hiện một vụ giết người!”.

“Vậy ý anh là…Rodger trong cơn giận đã giết chết Jusuf, rồi sau đó ướp xác và quấn vải ông ta lại để cho vào cái quan tài kia sao?”.

“Đúng vậy! Anh biết rõ hơn ai hết là để ướp một cái xác theo đúng cách người Ai Cập thì cần trên dưới nửa năm. Rodger làm việc này xong rồi mới gửi chiếc quan tài cho anh để xóa chứng cứ!”.

“Đồ khốn! Thế mà có lúc tôi coi hắn là người nhà đấy!” - Nigel chửi thề - “Được! Tôi đến cảnh sát để trình báo đây! Chỉ còn trông chờ tòa đại sứ cho dẫn độ kẻ giết người về Anh!”.

Thế nhưng chính tòa đại sứ cũng không làm gì được Rodger. Hắn ta đã trở thành công dân Ai Cập, rồi còn được chính quyền Ai Cập bổ nhiệm làm Giám đốc viện bảo tàng Cairo nữa. Niềm an ủi duy nhất của chúng tôi là hắn ta sẽ không bao giờ có thể đặt chân lên đất Anh nữa.

*

Tôi sẽ ở lại Victoria-ad-Mare thêm hai tuần nữa để thưởng lãm bãi biển tại đây. Sau đó tôi sẽ về thẳng Séc. Đến lúc đó thì hẹn gặp nhà văn tại quán cà-phê Widtmans. Mong rằng lúc đó ngài đã hoàn thành được một truyện ngắn.

Kính chào nhà văn.

Solomon Meisl

Ben Pastor (Ý)- Lê Công Vũ (dịch)

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/nguoi-dan-ong-den-tu-cairo-601265/