Người đàn ông bị máy cưa chém đứt gần lìa bàn tay và chân

Người đàn ông ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bị lưỡi máy cưa văng trúng làm đứt gần lìa bàn tay và chân.

Sáng 9/12, bác sĩ CKII Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật cứu người đàn ông nguy kịch do bị đứt gần lìa bàn tay và bàn chân.

Ngày 5/12, ông N.N.V. (62 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dùng máy cưa để cắt tỉa cây thì trúng phải thân cây quá cứng làm lưỡi máy cưa dội ra trúng vào bàn tay rồi rơi xuống đất cắt trúng chân.

Sau phẫu thuật, các ngón tay của bệnh nhân hồng hào trở lại

Sau phẫu thuật, các ngón tay của bệnh nhân hồng hào trở lại

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu trong tình trạng cổ tay phải đứt gần lìa thành 2 đoạn, bàn tay tím tái, đau nhức dữ dội, lộ gân xương, không cử động được các ngón tay. Bàn chân của bệnh nhân cũng có vết thương rất phức tạp.

Bệnh viện đã huy động hai ê-kíp vi phẫu và chấn thương để phẫu thuật cứu bàn tay và chân cho bệnh nhân.

Bác sĩ đánh giá vết thương ở bàn tay rất nguy hiểm do hai đường cắt khoảng 2/3 chu vi cổ tay, đứt gần hết mạch máu, gân cơ và thần kinh, trong đó xương quay và một số gân cơ, mạch máu vùng cổ tay đứt 2 đoạn.

Đặc biệt động mạch quay đứt 2 đoạn, dập nát không thể khâu nối như bình thường. Các bác sĩ phải lấy tĩnh mạch ở nơi khác để ghép vào thay đoạn động mạch dập nát. Bác sĩ cố định tổn thương xương quay bên phải bằng kirschner.

Vết thương cổ chân làm đứt toàn bộ gân gấp, gân gót, mạch máu thần kinh. Bác sĩ đã khâu nối mạch máu, thần kinh và gân gót lại cho bệnh nhân. Sau 5 giờ 30 phút phẫu thuật căng thẳng, bàn tay bệnh nhân hồng trở lại.

Bác sĩ Phạm Thanh Phong cho biết, sáng nay, các ngón tay của bệnh nhân hồng, mạch rõ, cử động được, vết thương cổ chân ổn định.

Bước đầu, ca phẫu thuật đã giữ lại bàn tay cho ông V. Tuy nhiên, bệnh nhân cần điều trị tích cực để tránh nhiễm trùng, lành xương và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng bàn tay.

BSCKII Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình cho biết, nếu dùng máy cưa cầm tay, máy cắt mini… không cẩn thận, mọi người có thể bị tai nạn.

Khi điều trị những trường hợp đứt lìa như trên, tổn thương nặng nề, bị lóc da, bầm giập… khiến khâu nối mạch máu để cứu sống chi khó khăn hơn.

Ngoài ra, lưỡi cưa rất nhiều răng khiến vết thương rộng, nham nhở, tổn thương nhiều phần của tay...

"Điều trị những ca này rất khó do các vết thương bị khuyết hổng, các tổ chức bị dập nát, đứt rời. Các tổn thương xương, thần kinh và gân cũng vậy. Sau khi phẫu thuật, khả năng hồi phục chức năng vận động và cảm giác thấp hơn. Nguy cơ nhiễm trùng sau mổ cũng cao", bác sĩ Huỳnh Thống Em nói.

Theo bác sĩ, với các trường hợp tay, chân khi bị đứt rời, thì thời gian phẫu thuật nối lại chi tốt nhất phải trước 6 giờ kể từ thời điểm bị đứt rời.

Khi gặp tai nạn lao động đứt rời một phần cơ thể cần sơ cứu bảo quản giữ gìn đúng cách để bác sĩ vi phẫu thuật ghép nối thành công với những ca đứt lìa chi.

Một yếu tố quan trọng giữ được chi cho bệnh nhân là phải sơ cứu kịp thời, băng và cầm máu ngay tại chỗ.

Sau đó, bệnh nhân cần được chuyển đến trung tâm y tế gần nhất để được xử trí và bảo quản phần chi đứt lìa đúng cách, đảm bảo chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân ổn định. Sau đó, bệnh nhân cần đưa đến các cơ sở y tế có khả năng thực hiện phẫu thuật với kỹ thuật cao.

H.Thanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nguoi-dan-ong-o-can-tho-bi-may-cua-chem-dut-gan-lia-ban-tay-va-chan-696000.html