Người đàn ông bị bỏng độ 3 khi dùng cồn nướng mực

Việc đổ thêm cồn khi nướng mực khiến người đàn ông phải nhập viện vì bỏng nặng.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nam (40 tuổi, trú tại Hà Nội) bị tổn thương rộng và sâu do bỏng, diện tích khoảng 20% tại 2 tay, chân và vùng trung tâm cơ thể. Mức độ bỏng loại 2, 3. Cơ thể bệnh nhân xuất hiện một số tổ chức hoại tử.

Ngày 25/10, khi nướng mực, bệnh nhân đổ thêm cồn vào và làm ngọn lửa bùng lên khiến sự cố xảy ra.

Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ kháng sinh toàn thân, rửa, thuốc bôi làm sạch và kích thích liền vết thương. Sau 3 ngày, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định hơn. Người này thoát khỏi tình trạng nguy kịch ban đầu.

Theo bác sĩ Nguyễn Nam Giang, Trưởng khoa Bỏng, chỉ trong 3 ngày đầu tuần cuối của tháng 10, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận tới 5 ca bỏng cồn với nhiều mức độ.

"Bệnh nhân bị bỏng do cồn thường bị tổn thương toàn bộ vùng mặt trước và các khu vực nhạy cảm khác như ngực, chân, tay. Đây là những khu vực rất khó điều trị và ảnh hưởng lớn tới thẩm mỹ trong tương lai". bác sĩ Giang chia sẻ.

Việc tiên lượng cũng phụ thuộc vào sức khỏe của bệnh nhân. Dựa vào đó, các bác sĩ sẽ quyết định có cần phẫu thuật hay không. Bên cạnh điều trị, đội ngũ y tế cũng phải xử lý sẹo, di chứng của bỏng để phục hồi chức năng cho người bệnh.

Hàng năm, khoa Bỏng của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận rất nhiều nạn nhân bị bỏng cồn do nướng mực. Theo bác sĩ Giang, nguyên nhân chủ yếu của bỏng do lửa cồn là nạn nhân thiếu cẩn trọng.

"Lửa cồn là ánh sáng xanh. Đôi khi trong điều kiện ban ngày ở ngoài trời, ngọn lửa có cháy nhưng nạn nhân không nhìn rõ, đổ thêm cồn, khiến nó bùng lên rất nguy hiểm", bác sĩ này cho hay.

Để phòng tránh tai nạn bỏng do cồn, bác sĩ Giang khuyến cáo người dân phải đặc biệt cẩn thận khi nấu, nướng thực phẩm khô bằng nhiên liệu này. Khi cần bổ sung trong quá trình nướng, chúng ta cần làm tắt hẳn ngọn lửa trước khi đổ thêm cồn.

Để sơ cứu, chúng ta cần cắt quần áo của nạn nhân khỏi vùng tổn thương rồi ngâm vùng bỏng trong nước mát.

Việc điều trị bỏng do cồn phụ thuộc vào diện tích, độ sâu của tổn thương. Trong một số trường hợp bỏng sâu, các bác sĩ sẽ phải mổ cắt phần hoại tử và ghép da. Thời gian điều trị có thể nhiều hơn một tháng.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ong-bi-bong-do-3-khi-dung-con-nuong-muc-post1146954.html