Người đàn ông 40 năm giả gái, sống phận 'bóng rỗi'

Tết đến, ông lại khoác lên mình bộ quần áo rực rỡ sắc màu, đắm mình trong thân phận 'cô bóng' để làm lễ cầu phúc, cầu an cho mọi người.

Nghệ nhân Lê Minh Hùng hóa thân thành cô “bóng” trong nghệ thuật múa bóng rỗi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nghệ nhân Lê Minh Hùng hóa thân thành cô “bóng” trong nghệ thuật múa bóng rỗi. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Vào nghề bằng những trận đòn roi đau đớn

Gặp nhau trong một chiều muộn không hẹn trước, nghệ nhân múa bóng rỗi Lê Minh Hùng (61 tuổi, ngụ TP.Tân An, tỉnh Long An) tất bật chuẩn bị cho lịch trình cúng đình, miếu kéo dài tại các tỉnh miền Tây.

Ông nói, công việc múa bóng rỗi của mình "vắt" từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch. Vào những ngày này, ông hầu như không đón xuân, vui Tết cùng gia đình. Ông đi múa bóng rỗi tại nhiều đình, miếu lớn khắp các tỉnh miền Tây.

Múa bóng rỗi là loại hình nghệ thuật múa hát nghi lễ, thường được tổ chức vào dịp lễ hội tại các đình, miếu ở Nam Bộ. Sau khi cúng, tế lễ, tiết mục múa, hát bóng rỗi lại được biểu diễn. Tiết mục này thường được những người nam giả nữ trình bày.

Dịp giao xuân, bộ môn múa bóng rỗi đặc biệt phát triển, những "cô bóng có nghề" vô cùng đắt khách. Tuy nhiên, để trở thành "cô bóng đắt khách" là điều không hề dễ dàng.

“Phải yêu, đam mê bóng rỗi đến kỳ cùng, phải đủ độ rộng lượng và có một sự chịu đựng không giới hạn để vượt qua nỗi đau bị kỳ thị, khinh bỉ của người đời mới có thể trở thành "cô bóng có nghề”, nghệ nhân Minh Hùng chia sẻ.

Nghiệp múa bóng rỗi đến với ông bằng sự đam mê bất tận và những trận đòi roi đau đớn. Năm 17 tuổi, ông bị những điệu múa, câu hát, tâu rỗi… trong một lễ hội gần nhà mê hoặc.

Tạo hình của nghệ nhân Minh Hùng trước khi tham gia tiết mục biểu diễn múa bóng rỗi trong một lễ hội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông kể: “Không hiểu vì sao những câu hát, mời trầu, tâu rỗi,... của “cô bóng” hòa theo nhịp đàn khiến tôi mê đắm. Tôi mê múa bóng rỗi đến mức trong giấc ngủ, tôi cũng mơ thấy mình đang múa rồi tay chân huơ lung tung”.

“Nhưng điều này trở thành nỗi đau của gia đình, dòng họ tôi. Không ai chấp nhận cho tôi làm “bóng”, không ai muốn tôi giả gái đi múa trong miếu, đình. Tôi bị đánh đến ngất xỉu khi cãi lời cha mẹ để theo đuổi đam mê của mình”, ông kể thêm.

Thế nhưng, những trận đòn roi cũng không ngăn cản được ông đến với bộ môn múa bóng rỗi. Năm quê nhà ngập lụt, nước dâng ngang ngực, lúc cha mẹ lo cất giữ lúa, gạo ông bế đứa em, lội nước đến miếu múa bóng rỗi.

Đến nơi, ông lật đật kẻ mắt, tô son, đánh phấn, đội tóc giả, mặc áo bảy màu múa bóng. Thế rồi chuyện bại lộ, ông bị người nhà đánh.

Ông kể: “Vừa đánh, người nhà tôi vừa hỏi: “Mày có bỏ không?". Dù rất đau, tôi cũng cắn răng trả lời: “Dạ không”. Thế là, tôi lại bị đánh. Đánh mãi tôi không bỏ, sau này má tôi cũng có phần buông”.

“Thấy vậy, tôi tỉ tê, năn nỉ má cho đi làm bóng. Bà nói: “Mày là con trai đi làm bóng coi sao được”. Tôi biết bà thương tôi lắm nên cứ năn nỉ hoài. Biết không thể ngăn cản, cuối cùng bà cũng đồng ý", ông kể thêm.

40 năm theo đuổi nghệ thuật múa bóng rỗi, liên tục giả gái, ông thường xuyên bị một số người châm chọc, quấy rối, miệt thị. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Giấu nỗi đau riêng để giữ nét cổ truyền

Năm 17 tuổi, ông chính thức học nghề múa bóng rỗi. Bảy năm sau, ông được hành nghề dù vẫn bị anh, chị, người thân từ mặt. Thế nhưng, niềm hạnh phúc được sống với đam mê khiến ông thực sự thăng hoa trong nghệ múa bóng rỗi.

Ông nghiên cứu, sáng tạo thêm những vật dụng trong các bài múa cổ. Ông sắp xếp lại và làm rõ hơn ý nghĩa, nội dung của các bài múa cổ truyền như: Múa lộc bình, múa lu, múa dâng hoa, múa dao, múa ghế, múa lông công, múa mâm vàng, múa rắn…

Giữa lúc sự nghiệp đang phát triển, ông yêu và quyết định cưới vợ. Ông cố giấu vợ nghề "giả gái" của mình. Thế nhưng, sau một năm, không thể chịu đựng thêm nỗi đau bị tâm lý đè nặng, cuối cùng, ông thổ lộ với vợ về công việc của mình.

Ông kể: “Năm 24 tuổi, tôi cưới vợ. Một năm sau, vợ tôi biết tôi làm "bóng" nhưng vẫn im lặng, giả vờ như không hay. Tôi sợ đây sẽ là cú sốc lớn đối với bà ấy nên quyết định nói ra sự thật”.

“Một đêm dài lê thê, tôi ghé vào tai bà ấy hỏi: “Em có buồn không?”. Thế mà bà ấy nói rằng nghề nào cũng là nghề miễn sao tôi thích là bà ấy vui rồi”, nam nghệ nhân kể thêm.

Từ đó, vợ ông không thắc mắc thêm về công việc giả gái để múa bóng rỗi của ông nữa. Hơn thế, bà trở thành hậu phương đáng tin cậy cho ông phát triển nghiệp “bóng rỗi” của mình. Bà đứng sau, chuẩn bị giúp ông áo lớn, “áo nhỏ” của phụ nữ để ông yên tâm làm “bóng".

Những chiếc huy chương, bằng khen là niềm động viên lớn lao cho sự đóng góp thầm lặng của Nghệ nhân ưu tú Lê Minh Hùng. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Ông tự hào nói rằng, nếu không có sự cảm thông của vợ, có lẽ ông sẽ không theo đuổi được đam mê của mình suốt 40 năm qua. Bởi, ngoài những lúc thăng hoa, nghệ thuật múa bóng rỗi cũng đem đến cho ông lắm nỗi ê chề.

Nghệ nhân Minh Hùng chia sẻ: “Hơn 40 năm theo nghề, tôi bị người ta kỳ thị, khinh miệt nhiều lắm. Có người chửi tôi là đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà”.

“Nhiều người còn nói những lời hết sức nặng nề, thậm chí có ý miệt thị tôi. Đáng buồn hơn, trong lúc tôi hóa thân thành "cô bóng", nhiều người thiếu tôn trọng đến mức có hành động sàm sỡ, quấy rối tôi. Họ có ý khinh thường tôi”, ông kể thêm.

Những lúc như thế, ông đau đớn đến bật khóc. Ông khóc một mình rồi cũng tự mình vượt qua. Ông nói, để chữa lành vết thương tinh thần, ông luôn tâm niệm mình hóa thân thành "cô bóng" để cúng cầu an, cầu phúc mọi người.

“Tôi sống và làm nghề như vậy là để lưu giữ, bảo tồn bộ môn múa bóng rỗi. Tôi không giả gái để chạy theo những toan tính thấp hèn. Cuối cùng, người ta cũng hiểu và trân trọng tôi, trân trọng bộ môn múa bóng rỗi”, ông nói.

Khát vọng cao quý đầy nhân văn ấy giúp ông gặt hái nhiều thành công. Minh chứng là mùa giao xuân, ông trở thành “bóng” đắt khách nhất tại các tỉnh miền Tây.

Đạt danh hiệu Nghệ nhân ưu tú

Nghệ nhân Lê Minh Hùng từng tham gia nhiều cuộc thi về múa bóng rỗi và đạt giải cao. Năm 2017, trong cuộc thi múa bóng rỗi lần đầu tiên được tổ chức tại Tiền Giang, ông đạt giải nhất.

Cùng năm này, khi cuộc thi tổ chức tại quê nhà, ông tiếp tục đạt huy chương vàng. Sau đó, ông tiếp tục đạt huy chương vàng trong kỳ thi tổ chức tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tiếp sau đó, ông đạt giải nhì khi cuộc thi nói trên được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai. Năm 2019, ông vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Xem thêm video: 20 năm mang đào cổ 'độc nhất vô nhị' vào Sài Gòn chiều lòng khách chơi Tết

Nguyễn Sơn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/nguoi-dan-ong-40-nam-gia-gai-song-phan-bong-roi-711069.html