Người đàn ông 35 tuổi bị nhồi máu cơ tim

Các bác sĩ cho biết khá bất ngờ khi tiếp nhận trường hợp này bởi nhồi máu cơ tim là căn bệnh phổ biến ở người trên 60 tuổi.

Thông tin do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cung cấp chiều 28/4. Bệnh nhân là anh H.M.N., 35 tuổi, ngụ tại TP.HCM).

Anh N. nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi. Sau khi thực hiện điện tâm đồ và men tim, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Một nhánh động mạch tưới máu cho tim đã bị tắc.

Bệnh nhân được đặt stent động mạch vành nhằm nhanh chóng tái tưới máu cho vùng cơ tim bị tổn thương. Nhờ được can thiệp kịp thời, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, tránh được các biến chứng nguy hiểm.

Anh N. không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng đang theo dõi điều trị đái tháo đường type II. Khoảng 3 tháng trở lại đây, anh thường xuyên căng thẳng trong công việc, ít tập thể dục, ăn uống thất thường. Thỉnh thoảng, bệnh nhân có cảm giác đau nặng ngực, khó thở nhưng chủ quan không đi khám.

 Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch khám và tư vấn cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: Nam Phương.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch khám và tư vấn cho bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Ảnh: Nam Phương.

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hoàng Vũ, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết nhồi máu cơ tim là một cấp cứu khẩn trong y khoa. Đây là tình trạng tắc nghẽn đột ngột động mạch nuôi tim (hay động mạch vành) gây tổn thương tế bào cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp, thậm chí dẫn đến đột tử.

Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm. Nếu không cấp cứu kịp thời, khả năng tử vong của bệnh nhân có tới 50%.

"Điều đáng lo ngại là nhồi máu cơ tim đang có xu hướng trẻ hóa do lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, nhiều người chưa nhận biết các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, bỏ lỡ 'thời gian vàng' trong điều trị, tăng nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng nếu không được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Vũ nhận định.

Theo chuyên gia này, nhồi máu cơ tim đa phần do xơ vữa động mạch nuôi tim. Một số nguyên nhân khác có thể là co thắt động mạch vành, chấn thương tim, bệnh cơ tim do stress.

Các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim gồm hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch. Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như nam giới, người cao tuổi, thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động...

"Càng có đồng thời nhiều yếu tố kể trên thì khả năng bị nhồi máu cơ tim càng cao. Ở người trẻ, lối sống sinh hoạt thiếu lành mạnh, áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ cũng làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.

Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử. Thời gian gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu. Khi có dấu hiệu nhồi máu cơ tim như mệt mỏi, khó thở, đau tức ngực... người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-dan-ong-35-tuoi-bi-nhoi-mau-co-tim-post1209212.html