Người đàn ông 20 năm vừa chống nạng, vừa cắt tóc cho khách

Mặc dù phải dùng nạng thay chân để hành nghề cắt tóc, nhưng suốt hơn 20 năm qua, ông Hoàng Xuân Hồng (SN 1962, trú tại thôn 9, xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vẫn vượt khó nuôi 4 con nhỏ ăn học.

Vụ tai nạn lúc còn trẻ khiến cuộc đời ông Hồng rẽ sang một chặng đường khác với rất nhiều chông gai. Ảnh: N.Sơn

Nỗi đau chất chồng

Tìm về xã Cổ Đạm hỏi về hoàn cảnh ông Hồng ai cũng phải thán phục. Trong căn nhà nhỏ cấp 4 thấp lè tè chúng tôi bắt gặp một người đàn ông dáng người nhỏ nhắn với bước đi khập khễnh nhờ chiếc nạng, đang cầm kéo cắt từng đường tóc cho khách. Mặc dù tay nạng, tay kéo nhưng thao tác của ông thoăn thoắt, gọn gàng.

Cắt tóc xong cho khách, ông Hồng nở nụ cười hiền hậu mời chúng tôi vào nhà uống nước. Rót chén nước chè xanh, ông Hồng ngồi tâm sự với chúng tôi về cuộc đời cơ cực và sóng gió của mình. “Năm 1984, tôi đi bộ đội về, trong một lần đi làm tôi bị tai nạn dẫn đến tàn tật. Cũng bắt đầu từ thời điểm đó cuộc sống của tôi vốn khó khăn lại càng gian khó hơn gấp bội. Ngày đó vì thương con nên bố mẹ tôi đã bán hết tài sản để chạy chữa, những mong sẽ giúp tôi qua được cơn hoạn nạn. Suốt nhiều năm đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác bệnh tình của tôi vẫn không hề thuyên giảm. Gia đình đành đưa tôi về nhà chăm sóc. Mọi sinh hoạt của tôi đều do bố mẹ chăm lo”, ông Hồng tâm sự.

Tai họa ập đến khi tuổi đời còn trẻ khiến ông nhiều lần muốn gục ngã buông xuôi. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, người thân ông đã lấy lại được ý chí, không đầu hàng trước số phận. Ông quyết tâm tập đi bằng nạng gỗ: “Lúc đầu đi nạng gỗ nó khó lắm, tôi bị ngã suốt. Phải mất hơn 4 năm tôi mới tự tin đi lại được”.

Năm 1996, niềm hạnh phúc cũng đã đến với ông, ông lập gia đình và sinh được 2 người con. Đó cũng là nguồn động lực lớn nhất để ông vượt lên tất cả. Nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu, do không chịu được sự khổ cực, đến năm 2004, người vợ đã bỏ 2 con lại cho mình ông chăm sóc và đi biệt xứ. “Lúc đó tôi đau đớn lắm, không ngờ người vợ mình thương yêu nhất lại nỡ dứt bỏ chồng con ra đi như vậy. Thời gian đầu, tôi gần như suy sụp, nhưng cứ nghĩ về hai đứa con nhỏ tôi lại cố nuốt nước mắt vào trong”, ông Hồng nói trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Nghị lực mạnh mẽ

Mặc dù tàn tật, nhưng ông Hồng vẫn cố gắng cóp nhặt từng đồng để nuôi dưỡng con cái.

Nhấm nháp ngụp chè đậm chát, ông Hồng kể về cái duyên đến với nghề cắt tóc: “Trước đây tôi đi bộ đội cũng đã từng cắt tóc giúp nhiều người, nhưng lúc tôi trở nên tàn tật như thế này đứng còn không nổi sao có thể làm được như trước. Nhiều đêm tôi nằm nghĩ phải kiếm một cái nghề gì đó để kiếm sống nuôi vợ con. Sau đó tôi quyết tâm chọn nghề cắt tóc, vẫn biết rằng nghề này rất khó đối với tôi nhưng vì miếng cơm manh áo của gia đình nên tôi phải gắng. Lúc đầu việc cắt tóc thật sự khó khăn, nhiều người cũng không dám để tôi cắt vì họ sợ hỏng tóc. Nhưng cũng có rất nhiều người ủng hộ vì thương tôi là chính. Đến nay, tôi cũng đã quen dần với cây kéo trong tay nên khách cắt tóc cũng đến nhiều hơn. Bình quân mỗi ngày tôi cũng cắt được 5-6 khách, thu nhập cũng xấp xỉ trăm nghìn đồng. Đủ tiền rau cháo qua ngày”.

Ông Phan Văn Hùng (khách hàng cắt tóc) tâm sự: “Nói đến ông Hồng, chúng tôi đều thán phục. Ông có nghị lực rất mạnh mẽ, tuổi đã cao, sức yếu còn phải chống nạng nhưng hàng ngày ông vẫn cắt tóc để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Ngày rảnh tôi cũng thường ra quán ông chơi, vừa xem ông cắt tóc vừa nói chuyện cho vui để tiếp thêm động lực cho ông”.

Năm 2008, niềm vui lớn đã đến với ông Hồng. Chị Võ Thị Nghĩa, một phụ nữ trong vùng đã cảm thông với người đàn ông tàn tật nhưng có tính cần cù và nghị lực vượt khó nên đã tình nguyện về chung sống với ông. Thương chồng, chị Nghĩa cố gắng lao động nhưng không giúp được gì nhiều. Để rồi, khi vợ chồng ông Hồng sinh thêm 2 con, gánh nặng mưu sinh ngày một thêm nặng nề.

Chia sẻ với chúng tôi, em Hoàng Trung Thông (con trai đầu của ông Hồng) chia sẻ, bản thân em cảm thấy thương bố vô cùng. Cách đây 6 tháng, Thông xin đi làm việc tại Trung Quốc nhưng lương chỉ được 3 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải nên em đã quay về nhà phụ giúp bố mẹ công việc đồng ruộng. Thông bảo, thời gian tới, nếu gia đình có thể vay mượn được kinh phí, em sẽ đi xuất khẩu lao động với mong ước giúp gia đình trả hết nợ, phụ giúp bố mẹ về mặt kinh tế để nuôi dạy các em.

Hiện hàng tháng ông Hồng được trợ cấp 405.000 đồng. Hiện cuộc sống của gia đình ông khó khăn gấp bội. Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Hiền (hàng xóm gia đình ông Hồng) cho biết: “Hoàn cảnh gia đình ông Hồng hiện nay đặc biệt khó khăn nhưng lại không được hưởng chế độ hộ nghèo. Ông ấy đau ốm suốt ngày, cũng may mấy đứa con đều ngoan, lo phụ giúp bố mẹ. Chúng tôi hàng xóm cũng không giúp được gì nhiều, chỉ mong cộng đồng, các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ vợ chồng ông ấy vượt qua khó khăn”.

Các con của ông Hồng cũng đã dần trưởng thành. Hai con đầu đã biết đi làm phụ giúp bố mẹ kiếm tiền nuôi 2 em nhỏ ăn học. Giờ sức khỏe của ông ngày càng yếu, mỗi khi trái gió trở trời là khắp người đau nhức phải nằm liệt một chỗ, ngực ông tức nghẹn khó thở, đến việc phát âm cũng không được chứ chưa nói đến công việc cắt tóc hàng ngày. Không biết ông còn trụ được bao lâu với công việc của mình?

Sơn Nguyễn

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ong-20-nam-vua-chong-nang-vua-cat-toc-cho-khach-20181205202743469.htm