6 hộ dân nơm nớp với nguy cơ đá lăn sập nhà

6 hộ dân ở bản Tân Hợp xã Lục Dạ đang sống bất an trong những ngôi nhà nằm dưới đồi trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, cần kíp phải di dời. Bá Hậu - Minh Hạnh

6 hộ dân ở bản Tân Hợp xã Lục Dạ đang sống bất an trong những ngôi nhà nằm dưới đồi trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, cần kíp phải di dời.

Bản Tân Hợp xã Lục Dạ có 124 hộ dân sinh sống. Do vị trí địa lý nên nhiều hộ dân trong bản đều dựng nhà sát gần chân núi cao, nơi có nhiều tảng đá mồ côi nặng hàng tấn nằm rải rác trên triền núi.

Những năm gần đây mỗi mùa mưa bão về, 6 hộ dân ở bản Tân Hợp lại thấp thỏm nỗi lo sạt lở đất, đá lăn. Nỗi lo này luôn thường trực và có cơ sở bởi vào đợt mưa cách đây vài năm, người dân trong bản đã chứng kiến cảnh một tảng đá to khoảng 2m3 lăn từ trên núi vào nhà một hộ dân. Rất may hôm đó cả gia đình này đi vắng nên không bị ảnh hưởng.

Tảng đá này đã bị "mất chân", nguy cơ tiềm ẩn gây họa mỗi khi mưa bão đến. Ảnh: Minh Hạnh

Tảng đá này đã bị "mất chân", nguy cơ tiềm ẩn gây họa mỗi khi mưa bão đến. Ảnh: Minh Hạnh

Ông La Văn Thành, bản Tân Hợp xã Lục Dạ chia sẻ: "Gia đình tôi và 5 gia đình khác luôn thấp thỏm mỗi khi mùa mưa đến vì bên trên nhà có rất nhiều tảng đá to. Gia đình tôi ở đây đã 15 năm, năm nào cứ đến mùa mưa bão lại nơm nớp lo sợ. Trong năm ni gia đình tôi đã phải sơ tán đi 3 lần vì trời mưa to. Biết là nguy hiểm thế nhưng gia đình không biết chuyển đi đâu vì hoàn cảnh gia đình không cho phép".

Chúng tôi cũng đã trực tiếp chứng kiến một tảng đá to nặng hàng tấn nằm gác vào một thân cây ngay phía trên nhà ông Thành, chỉ cần mưa lũ to là hòn đá có thể lăn xuống căn nhà của ông bất cứ lúc nào.

Người dân đành thực hiện giải pháp đóng cọc để giữ tảng đá. Ảnh: Bá Hậu

Cách nhà ông Thành không xa là hộ bà La Thị Thu, 1 trong 6 gia đình nằm trong khu vực có nguy cơ cao. Bà Thu cũng chia sẻ: “Sau nhiều năm sinh sống dưới chân đồi, gia đình tôi luôn canh cánh nỗi lo xảy ra đá lăn mỗi khi mưa bão đến. Nhiều hôm mưa to, cả gia đình lại lánh tạm sang nhờ nhà người thân gần đó, đợi mưa tạnh mới dám về”.

Nhà các hộ dân phía dưới tảng đá mồ côi lớn. Ảnh: Bá Hậu

Qua tìm hiểu được biết, sau khi nắm bắt được thực trạng, đề xuất, kiến nghị của xã, hiện nay chính quyền huyện Con Cuông cũng đã có giải pháp quy hoạch vùng đất mới với diện tích 6.000m2 ở vùng đất Khe Sú.

Đây được coi là khu tái định cư mới để bà con có thể di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất. Huyện Con Cuông cũng đã có tờ trình xin ý kiến của Chi cục phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An để hỗ trợ kinh phí.

Huyện Con Cuông, chính quyền địa phương cũng đã trực tiếp làm việc với các hộ dân tìm cách di dời đến nơi ở khác. Ảnh: Minh Hạnh

Bà Lương Thị Hiền - Phó Chủ tịch UBND xã Lục Dạ cho biết: 6 hộ dân với 25 nhân khẩu ở bản Tân Hợp ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá cao. Trong cơn bão số 2 và số 10 vừa qua để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân chúng tôi đã sơ tán dân đến nhà cộng đồng.

Hiện nay, xã đã xin chủ trương từ Huyện ủy và UBND huyện để quy hoạch vùng đất mới, di dời các hộ dân này ra khởi vùng nguy cơ sạt lở. Mặc dù vậy, giải quyết vấn đề này đang nằm ngoài nguồn lực của xã và huyện, mong tỉnh cần quan tâm và hỗ trợ thêm về kinh phí./.

Bá Hậu - Minh Hạnh

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/mien-tay-nghe-an/201712/6-ho-dan-nom-nop-voi-nguy-co-da-lan-sap-nha-2868238/