Người dân 'nín thở' qua cầu treo xuống cấp

Để có thể giao thương, đi lại học hành với khu vực trung tâm, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người phải 'nín thở' đi qua cầu treo Đôm Bán, xã Định Cư, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình). Cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, rất dễ xảy ra sự cố rơi xuống suối.

Cầu treo Đôm Bán bắc qua suối Keo Vò (đầu nguồn Sông Bưởi) chính là nơi kết nối, chuyên chở những giấc mơ của người dân 2 thôn Đôm Thượng và Đôm Hà của xã Định Cư. Cộng đồng dân cư 100% là dân tộc Mường, hiện có 239 hộ với 1.156 khẩu. Đây cũng là hai thôn thuộc diện khó khăn nhất xã.

 Cầu treo Đôm Bán chật hẹp, xuống cấp

Cầu treo Đôm Bán chật hẹp, xuống cấp

Theo quan sát của PV, Cầu Đôm Bán có chiều rộng khoảng 2,5m, dài chừng 70m, cách mặt sông hàng chục mét. Mặt cầu được lát bằng ván gỗ tạp hiện đã mục nát, các miếng ván gãy vụn, nhiều chỗ lọt vừa cả chiếc xe máy. Các ốc vít, mối nối bằng sắt đã hoen rỉ khó có khả năng chống chịu với mưa to, gió lớn. Mỗi khi có người và phương tiện đi qua, cây cầu lại rung lên bần bật, rất dễ xảy ra tai nạn.

Anh Bùi Văn Minh, thôn Đôm Thượng chia sẻ: “Mặc dù biết cầu xuống cấp nhưng người dân 2 thôn muốn sang với trung tâm buộc phải qua cây cầu cũ nát này. Không ít vụ tai nạn do trượt chân hoặc bước vào tấm ván hỏng khiến người rơi xuống suối. Dân ở đây mong cấp trên quan tâm, đầu tư nâng cấp mặt cầu, để đảm bảo an toàn cho người dân địa phương".

Mặt cầu hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Được biết cả hai xóm hiện có hơn 100 học sinh các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, ngày nào đến trường cũng phải đi qua cây cầu treo này. Mỗi lần các cháu đi qua cầu ai cũng lo nơm nớp bởi nếu không may ván mặt cầu bị gãy, hay bị lọt vào lỗ thủng trên mặt cầu rơi xuống sông thì chưa chắc tính mạng được đảm bảo.

Trưởng thôn Đôm Hạ Bùi Văn Bằng nói: “Cây cầu treo vào thôn được xây dựng từ nhiều năm nay. Từ khi xây dựng đến nay, cầu nhiều lần hư hỏng nhân dân trong xóm đã góp tiền, ngày công để sửa chữa, tuy nhiên cũng không kịp với sự xuống cấp ngày một trầm trọng của cây cầu. Bây giờ nhân dân mong sao cấp trên quan tâm, đầu tư hẳn một cây cầu cứng, để phương tiện cơ giới vào thu mua nguyên, vật liệu cho người dân được thuận tiện. Giao thương phát triển thì đời sống nhân dân mới được nâng lên, khoảng cách giàu nghèo mới được rút ngắn. Các cháu học sinh mới đỡ gánh nặng trên bước đường đến trường. Chứ để như bây giờ, dân chúng tôi lo lắm, mỗi khi có mưa to, gió lớn là cả 2 thôn bị cô lập".

Mỗi khi có người, phương tiện qua lại, cầu rung lên bần bật

Chủ tịch UBND xã Định Cư Bùi Văn Chiên cho hay: “Cầu treo dân sinh Đôm Bán hiện đã xuống cấp là đúng sự thật. Người dân nhiều lần đã góp tiền sửa chữa để đảm bảo việc giao thương, đi lại. Tuy nhiên hiện nay hư hỏng rất lớn, địa phương cũng không có nguồn để bố trí làm lại mặt cầu. Chúng tôi đã báo cáo cấp trên xin hướng hỗ trợ, khắc phục, tuy nhiên đang phải chờ. Việc kết nối các vùng khó khăn như ở thôn Đôm Thượng và Đôm Hà là rất cần thiết, bởi nơi đây là đồng bào dân tộc Mường tỷ lệ hộ nghèo còn cao."

Để xóa khoảng cách giàu nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau thì việc đảm bảo giao thông, đi lại cho người dân cần được đặc biệt quan tâm. Các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình cần sớm xem xét bố trí kinh phí sửa chữa cây cầu để việc đi lại của người dân, đến trường của các em học sinh được thuận tiện. Về lâu dài cần nghiên cứu xây dựng một cây cầu cứng cho phương tiện cơ giới lưu thông được, có như vậy thì giao thương, buôn bán của người dân mới phát triển, quá trình xóa đói, giảm nghèo mới bền vững.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/giao-thong/nguo-i-dan-nin-tho-qua-cau-treo-xuong-cap-321410.html