Người dân Nghệ An hoang mang trước dịch tả lợn diễn biến phức tạp

Việc phát sinh mới dịch tả lợn châu Phi tại Nghệ An khiến các chủ trang trại và người dân trên địa bàn rất hoang mang.

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại có 18 xã, phường phát sinh mới dịch tả lợn châu Phi. Đây là thời điểm có nhiều địa phương phát sinh nhiều nhất kể từ khi Nghệ An phát hiện dịch đến nay khiến các chủ trang trại và người dân trên địa bàn rất hoang mang.

Tiêu hủy lợn dịch tại xã Hưng Đông, thành phố Vinh.

Tiêu hủy lợn dịch tại xã Hưng Đông, thành phố Vinh.

Nhiều chủ trang trại lợn ở huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu cho biết, ngay từ ngày đầu xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, các trại lợn của gia đình đều được bảo vệ, chăm sóc kĩ càng hơn; thậm chí còn mời cả cán bộ thú y địa phương đến hướng dẫn cách phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, ngay cả nguồn nước cũng chỉ dùng nước sạch của gia đình... Tuy nhiên, đến hôm nay khi dịch bùng phát lại khiến đàn lợn đều bị nhiễm bệnh mà không biết nguyên nhân do đâu.

“Địa phương trăn trở rất nhiều, không biết nguồn lây từ đâu. Nếu từ ngoài vào chắc cũng không có”- một người dân chia sẻ.

Người dân nơi đây cho rằng, việc quản lý và xử lý đều kỹ càng, vậy dịch bệnh này không biết đến từ đâu?

Trong khi đó, tại huyện miền cao biên giới Quế Phong, cũng đã có 8/14 xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Cách đây 1 tháng, huyện đã công bố hết dịch tại 7 /14 xã. Tuy nhiên, dịch bùng phát trở lại tại xã Cắm Muộn và xã Tri Lễ.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, huyện đang chỉ đạo chống dịch quyết liệt; bên cạnh đó có giải pháp bảo vệ trang trại của các hộ gia đình với quy trình nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm trên địa bàn trong những tháng cuối năm.

Nhiều địa phương ở huyện Kỳ Sơn vẫn có thói quen nuôi lợn thả rông.

“Trang trại đảm bảo quy trình không xảy ra dịch tả lợn châu Phi và khi trang trại cung cấp sản phẩm ra thị trường, được các ban ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát. Từ giờ đến cuối năm, huyện quyết tâm dập được dịch cho người dân an tâm có nguồn thực phẩm vào dịp Tết nguyên đán. Bên cạnh đó, phát triển gia cầm, thịt gia cầm cho người dân”- ông Bùi Văn Hiền cho biết.

Theo ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên nhân chủ yếu dịch bùng phát lại là do một số địa phương vẫn chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; Một số hộ chăn nuôi chưa triệt để thực hiện nguyên tắc “5 không”; Thói quen sử dụng nước ao, hồ, sông, kênh mương để vệ sinh chuồng trại; hoặc các chất thải chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường... Trước tình hình đó, tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác chống dịch theo kịch bản mà Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn quy định.

“Hiện tỉnh vẫn duy trì các điểm chốt chặn, đặc biệt là kiểm soát không cho lây lan ra diện rộng. Tuyên truyền phổ biến 5 không; không giấu dịch, không bán khi nghi có dịch; Thức ăn cho lợn phải xử lý đun sôi và không vứt lợn dịch ra môi trường. Hiện các địa phương đều tuyên truyền tốt. Chúng tôi chỉ đạo các huyện tập trung quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học, để đảm bảo dịch này được kiềm chế và không lây lan”- ông Đinh Viết Hồng cho biết./.

Quốc Khánh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-dan-nghe-an-hoang-mang-truoc-dich-ta-lon-dien-bien-phuc-tap-962997.vov