Người dân Nghệ An bàn giao cá thể cu li quý hiếm cho kiểm lâm

Trên đường về nhà, anh Lương Văn Tùng bắt gặp cá thể loài cu li quý hiếm nên đã bắt và sau đó bàn giao cho lực lượng chức năng để thả về rừng.

Chiều ngày 7/7, một người dân ở huyện miền núi Quỳ Châu đã bàn giao một cá thể loài cu li quý hiểm cho Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu.

Cá thể loài cu li mà anh Tùng bắt được. Ảnh: Lương Nga

Cá thể loài cu li mà anh Tùng bắt được. Ảnh: Lương Nga

Trước đó, tối ngày 6/7 trên đường điều khiển xe ô tô đi từ thành phố Vinh về Quỳ Châu, anh Lương Văn Tùng trú tại xã Châu Hoàn đã suýt cán phải con cu li đang băng qua đoạn đường. Lúc này anh Tùng xuống xe kiểm tra thì thấy cá thể đang khỏe mạnh.

Biết cu li là động vật hoang dã nằm trong sách đỏ và đang có nguy cơ tuyệt chủng nên anh Tùng đã đưa lên xe. Sau đó, anh Lương Văn Tùng đã bàn giao cá thể cu li cho Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu.

Anh Lương Văn Tùng bàn giao cá thể cu li cho Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu. Ảnh: Lương Nga

Được biết cá thể cu li này dài 35cm, nặng 1kg.

Cu li là loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ. Cu li lùn, hay cu li nhỏ, có tên khoa học là Nycticebus pygmaeus, là một loài linh trưởng độc đáo thuộc phân họ cu li chỉ xuất hiện tại các khu rừng ở Việt Nam, Lào và Campuchia.

Chúng có vị trí đặc biệt trong nghiên cứu tiến hóa và thích nghi với đời sống trên cây. Hiện loài cu li nhỏ này đang bị đe dọa tuyệt chủng tại Việt Nam cũng như trên thế giới và đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.

Theo Nghị định 06/2019 của Chính phủ thì các loài động, thực vật rừng sẽ được chia thành các nhóm chính sau:

Nhóm I: Các loài động thực vật rừng đang có nguy cơ tuyệt chủng, nghiêm cấm mọi hành vi khai thác và sử dụng với mục đích thương mại. Nhóm IA là các loài thực vật còn nhóm IB là động vật rừng.
Nhóm II: Bao gồm những loài động thực vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng cần được bảo vệ và hạn chế khai thác, sử dụng với mục đích thương mại. Nhóm IIA là các loài thực vật còn IIB là các động vật rừng.

Như vậy, các loài động vật thuộc nhóm IB và IIB thường là các loài động vật quý hiếm cần được bảo vệ để tránh nguy cơ tuyệt chủng.

Lương Nga

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/nguoi-dan-nghe-an-ban-giao-ca-the-cu-li-quy-hiem-cho-kiem-lam-270502.html