Người dân ngang nhiên chặt phá hơn 600 cây cao su của doanh nghiệp đem bán

Theo phản ánh của Công ty TNHH MTV cà phê Việt Đức, mặc dù công ty đã vận động, giải thích nhiều lần nhưng có 3 hộ dân nhận khoán vẫn ngang nhiên cưa hạ hơn 600 cây cao su của công ty để bán, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ngày 10/10, Đại tá Nguyễn Văn Sỹ - Trưởng Công an huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm và đang cử cán bộ xác minh về việc có một số hộ dân nhận khoán đã cưa hạ vườn cây cao su tại Công ty TNHH MTV cà phê Việt Đức (viết tắt là công ty cà phê Việt Đức).

Hiện Cơ quan chức năng đang vào cuộc để tiến hành xác minh điều tra vụ việc.

Hiện Cơ quan chức năng đang vào cuộc để tiến hành xác minh điều tra vụ việc.

Theo Đại tá Sỹ, hiện lực lượng Công an đang tiến hành các bước kiểm tra xác minh, tin báo tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự thì sẽ khởi tố vụ án. Trong trường hợp có dấu hiệu dân sự, đơn vị sẽ trả lời, hướng dẫn phía công ty cà phê Việt Đức khởi kiện ra tòa án.

Trước đó, lãnh đạo công ty cà phê Việt Đức đã có đơn gửi đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát, UBND huyện Cư Kuin và các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk, tố cáo một số hộ dân nhận khoán đất liên kết với công ty có hành vi “Hủy hoại tài sản”.

Sau khi cưa hạ toàn bộ vườn cây cao su các hộ nhận khoán đưa máy vào ủi các gốc cây. (Ảnh: Cắt từ Clip).

Cụ thể, từ tháng 7 đến cuối tháng 8/2019, các hộ dân gồm: Nguyễn Duy Hưng, Trương Thị Nhung và Nguyễn Thị Hiền đã tự ý khai thác, cưa hạ toàn bộ vườn cây cao su liên kết với công ty để bán lại cho người khác. Sau khi phát hiện, phía công ty đã vận động, giải thích và yêu cầu các hộ dân trên dừng ngay việc cưa hạ khai thác cây cao su trái phép trên đất liên kết nhận khoán với công ty.

Hiện trường vườn cây cao su đã bị cưa hạ toàn bộ.

Tuy nhiên, các hộ dân không hợp tác. Tiếp đó, ngày 21/8/2019, phía công ty cà phê Việt Đức đã tổ chức đối thoại với các hộ dân nhận khoán. Tại buổi đối thoại, công ty đã giải thích chứng minh, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các hộ nhận khoán đối với công ty.

Ngoài ra, trong hợp đồng được các hộ nhận giao khoán ký trước đó, cũng quy định trong giai đoạn vườn cây cao su kinh doanh đang có lợi nhuận và khi hết chu kỳ kinh doanh, gỗ cây cao su được bán thanh lý phải được sự đồng ý của công ty và tuân thủ các quy định khác của pháp luật và được chia theo tỷ lệ là: người lao động 75%, công ty 25% . Thế nhưng, sau buổi đối thoại, cả 3 hộ dân nói trên vẫn tiếp tục cưa hạ toàn bộ vườn cây cao su đang trong thời kỳ kinh doanh (cho lấy mủ) bán để hưởng lợi.

Một vườn cây cao su khác đang kinh doanh phát triển bình thường, nhưng cũng bị các hộ nhận khoán cưa hạ toàn bộ cây cao su lấy gỗ để bán và đã ủi sạch gốc cây.

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc công ty cà phê Việt Đức, cả 3 hộ dân nói trên đã cưa hạ hơn 600 cây cao su lấy gỗ để bán, thu lợi trái phép hàng trăm triệu đồng. Trong khi, các vườn cây cao su nói trên đang trong thời kỳ kinh doanh phát triển bình thường.

Cũng liên quan đến vụ việc này một lãnh đạo VKSND huyện Cư Kuin cho biết, đơn vị cũng đã nhận được đơn tố giác tội phạm của công ty cà phê Việt Đức, hiện đơn vị đã phân công Kiểm sát viên xác minh, kiểm sát tin báo tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Chính

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/kinh-doanh-phap-luat/nguoi-dan-ngang-nhien-chat-pha-hon-600-cay-cao-su-cua-doanh-nghiep-dem-ban-76840.html