Người dân Nepal xuống đường phản đối Trung Quốc lấn chiếm biên giới

Người dân Nepal đã xuống đường biểu tình trong tuần này để bày tỏ sự phẫn nộ đối với Trung Quốc sau khi một báo cáo gần đây của chính phủ cho thấy Bắc Kinh đã lấn chiếm 36 ha đất của Nepal, gần bằng 26 sân bóng đá.

Người biểu tình Nepal tại thủ đô Kathmandu hôm 11.11 - Ảnh: EPA

Người biểu tình Nepal tại thủ đô Kathmandu hôm 11.11 - Ảnh: EPA

Những người biểu tình, chủ yếu là những người trẻ tuổi, đã tuần hành trên khắp các thành phố ở Nepal trong ngày 11.11. Họ hô to các khẩu hiệu và giơ cao các tấm bảng với dòng chữ “Trả lại đất cho người Nepal”, “Trung Quốc hãy rời khỏi đây”.

Theo tài liệu do Cục Khảo sát Nepal công bố vào đầu tháng 11, 4 quận có chung biên giới với Trung Quốc là Sankhuwasabha, Rasuwa, Sindhupalchowk và Humla đã bị mất một phần lãnh thổ khi Bắc Kinh mở rộng các dự án đường bộ. Dữ liệu của chính phủ cho thấy Nepal đứng trước việc mất thêm vài trăm ha đất cho Bắc Kinh.

Tài liệu của Nepal đã bị New Delhi mỉa mai là một phản ứng đối với bản đồ được phát hành vào ngày 2.11 bởi Ấn Độ, nơi tuyên bố khu vực biên giới rộng 372km2, được gọi là Kalapani ở Nepal, là một phần của bang Uttarakhand phía bắc Ấn Độ.

Động thái này cũng đã làm bùng phát những cuộc biểu tình dữ dội chống Ấn Độ trên đường phố Nepal trong ngày 11.11. Ấn Độ sau đó tuyên bố không có thay đổi nào trong hiện trạng liên quan đến sự phân chia biên giới với Nepal. New Delhi cho biết bản đồ được cập nhật là nhằm làm rõ các khu vực xung quanh khu vực Jammu và Kashmir đang tranh chấp.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cấc cuộc biểu tình trên đường phố chống lại Trung Quốc xảy ra chỉ 1 tháng sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm 2 ngày tới Nepal vào tháng 10 - chuyến công du đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới đất nước Nam Á này trong hơn 2 thập kỷ. Trong khuôn khổ của chuyến thăm, ông Tập đã ký 20 thỏa thuận quan trọng với chính phủ Nepal, bao gồm về thương mại và và y tế.

Bhim Bhurtel, cựu giám đốc điều hành của Trung tâm Nam Á Nepal, nghĩ rằng, biên giới Nepal - Trung Quốc là một trong những biên giới yên tĩnh nhất trên thế giới. “Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rất không đáng kể, so với các cuộc biểu tình giận dữ chống lại Ấn Độ".

"Tôi không nghĩ các cuộc biểu tình chống Bắc Kinh có khả năng trở thành cái gai trong quan hệ Kathmandu - Bắc Kinh. Đây không phải là một sự xâm lấn biên giới của Trung Quốc, tình trạng bất ổn mới nhất chỉ là do sự hiểu lầm song phương xuất phát từ các thỏa thuận trước đó về việc ai sẽ kiểm soát tốt hơn việc duy trì các đồn biên phòng”, ông Bhurtel nói.

Trong khi đó, chuyên gia về hợp tác và hội nhập khu vực Mahendra Lama, đến từ Đại học Ấn Độ Jawaharlal Nehru, cho biết cảm xúc của người dân Nepal hiện đang tăng cao so với cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc, và cho biết sự giận dữ đối với các tranh chấp lãnh thổ không có gì mới.

Được biết, Nepal là một quốc gia nhỏ bé thuộc dãy Himalaya, bị kẹp giữa Ấn Độ và Trung Quốc. New Delhi, theo truyền thống là một đồng minh mạnh mẽ của đối tác thương mại lớn nhất của Nepal. Tuy nhiên, trong những năm gần đây Ấn Độ đã mất dần ảnh hưởng với Nepal, thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và viện trợ từ Bắc Kinh. Kathmandu thực tế đã chuyển hướng đối ngoại sang Bắc Kinh nhằm tăng cường hợp tác để đáp trả sự phong tỏa kinh tế của New Delhi.

Việc phong tỏa không chính thức, không bao giờ được chính phủ Ấn Độ chính thức thừa nhận nhưng đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng ở Nepal, nhằm mục đích gây sức ép với Kathmandu để ủng hộ nhiều quyền hơn cho người thiểu số Madheshi gốc Ấn Độ.

Hoàng Vũ (theo SCMP)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/nguoi-dan-nepal-xuong-duong-phan-doi-trung-quoc-lan-chiem-bien-gioi-125536.html