Người dân mong tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính

Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ vừa công bố Chỉ số CCHC (PAR index) năm 2018 và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 (SIPAS).

* Hà Nội xếp thứ hai các tỉnh, thành về chỉ số CCHC

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng cho biết kết quả PAR index năm 2018 của các Bộ được chia thành 2 nhóm:

Nhóm thứ nhất, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, bao gồm 14 Bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục vị trí dẫn đầu. Nhóm thứ hai, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 70% đến dưới 80% gồm 4 Bộ, trong đó Bộ GTVT có kết quả thấp nhất.

Kết quả Chỉ số CCHC năm 2018 của các tỉnh, thành được phân loại thành 4 nhóm, với giá trị trung bình đạt 76,92%. Quảng Ninh tiếp tục giữ vững ngôi vị dẫn đầu bảng xếp hạng, tiếp sau đó là thành phố Hà Nội.

Người dân làm TTHC tại Bộ phận một cửa quận Long Biên. ảnh: P.Thảo

Người dân làm TTHC tại Bộ phận một cửa quận Long Biên. ảnh: P.Thảo

Năm 2018, người dân, tổ chức tiếp tục có những đánh giá cao về kết quả CCHC ở các địa phương. Điều này cho thấy, niềm tin và sự ủng hộ của nhân dân ngày càng cao đối với các chủ trương, chính sách CCHC tại địa phương.

Báo cáo SIPAS 2018 cho thấy bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đối với người dân, tổ chức. Kết quả cho thấy, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước nói chung trong cả nước là 82,99%, trong đó tỉnh có chỉ số hài lòng cao nhất là Sơn La và thấp nhất là Hà Giang.

5 yếu tố cơ bản của quá trình và kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công được đánh giá trong khuôn khổ Chỉ số SIPAS 2018, gồm: (1) Tiếp cận dịch vụ, (2) TTHC, (3) công chức, (4) kết quả dịch vụ, (5) việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức nói chung lần lượt là 80,62%, 86,40%, 85,10%, 88,13% và 74,07%.

Chỉ số SIPAS 2018 tiến hành so sánh giữa 8 lĩnh vực dịch vụ và 3 cấp hành chính ở địa phương. Trong số 8 lĩnh vực, lĩnh vực GTVT nhận được sự hài lòng cao nhất và lĩnh vực đất đai, môi trường nhận được sự hài lòng thấp nhất. Trong số 3 cấp hành chính ở địa phương, cấp xã nhận được sự hài lòng cao nhất và cấp huyện nhận được sự hài lòng thấp nhất.

Năm 2018, người dân, tổ chức có những phản ánh khá tích cực đối với quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công. Gần như 100% người dân, tổ chức giao dịch dịch vụ hành chính công tại bộ phận một cửa; 78,20% người được khảo sát cho biết đi lại 1 - 2 lần để giải quyết công việc; 93,80% nhận kết quả đúng hẹn và sớm hẹn; 97,55% không bị gây phiền hà, sách nhiễu; 98,58% không bị gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí.

Chỉ số SIPAS 2018 cũng cho biết người dân, tổ chức mong muốn mở rộng các hình thức thông tin tiếp cận dịch vụ, tiếp tục đơn giản hóa TTHC và rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, năm 2018 các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh, chú trọng thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ các chỉ số; thúc đẩy tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn thuộc phạm vi quản lý với quyết tâm đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN - 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số Bộ, ngành, địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác CCHC, chưa thể hiện vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thúc đẩy cải cách, chưa tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước.

Cụ thể, công tác xây dựng pháp luật không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch; việc điều chỉnh, xin rút, xin lùi thời hạn xây dựng văn bản vẫn xảy ra thường xuyên; công tác rà soát, đánh giá văn bản quy phạm pháp luật chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng Bộ, ngành, địa phương ban hành các quy định TTHC trái thẩm quyền; vẫn còn tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn, gây phiền hà cho người dân, DN. Một số Bộ, ngành công bố, công khai TTHC còn chậm, chưa đúng quy định; việc thực hiện quy định xin lỗi người dân khi giải quyết TTHC trễ hẹn còn chưa nghiêm, chưa đầy đủ; tỷ lệ ứng dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, mang tính hình thức...

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các Bộ, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018 trong chỉ đạo, điều hành CCHC và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, khẩn trương hoàn thành việc thực thi các phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, đơn giản hóa TTHC, trọng tâm là rà soát, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh; tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC; giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ; nghiêm túc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn. Đồng thời, đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ...

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nguoi-dan-mong-tiep-tuc-rut-ngan-thoi-gian-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-149722.html