Người dân miền Tây thấp thỏm lo âu vì 'lũ lên nhanh'

Trong những ngày qua, từ sự cố vỡ đập thủy điện Nam Lào kết hợp với nước lũ thượng nguồn đổ về nên mực nước trên các tuyến sông, kênh rạch tại các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh khiến cho người dân lo lắng.

Nhiều diện tích lúc của nông dân đã chín vàng nhưng có nguy cơ bị lũ đe dọa

Không kịp trở tay

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày qua, mực nước tại vùng đầu nguồn Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp lên khá nhanh cao hơn cùng kỳ mọi năm khoảng 20-30cm. Nước lũ về sớm nên đã gây không ít khó khăn cho bà con nông dân đang sản xuất lúa và hoa màu, nhất là đối với những vùng chưa có đê bao kiên cố ở xã ven biên giới như Thường Phước 1, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc và một số khu vực bãi bồi thuộc các xã cù lao ven sông Tiền.

Vợ chồng chị Võ Thu Trang, ngụ xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cho biết vừa thua lỗ liên tiếp 2 vụ hoa màu trước đó nên vụ này canh tác lại vụ bí rợ với hy vọng gỡ gạc lại vốn. Tuy nhiên bí mới vừa cho bông thì nước lũ từ thượng nguồn đổ về nhanh và đang đe dọa đến diện tích canh tác của chị.

Ông Nguyễn Văn Dợt, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang), than thở: “Mấy ngày nay vợ chồng tôi đã đắp con đập ngăn nước lũ để bảo vệ cho 4 công dưa leo mới cho thu hoạch được hơn tuần nay. Do xung quanh đã bị ngập nước nên lũ chuột dồn về ruộng dưa làm nơi trú ăn và cắn phá không thương tiếc. Nếu mọi việc thuận lợi thì mùa vụ dưa này gia đình tôi thu hoạch không dưới 5 tấn trái, có thể kiếm được hơn 20 triệu đồng nhưng trước tình hình này thì cầm chắc lỗ nặng rồi”.

Trong khi đó, anh Lê Văn Khiêm ở ấp Phú Nhơn, xã Nhơn Hội, huyện An Phú (An Giang), cho biết vụ này gia đình anh ngậm ngùi chịu cảnh trắng tay với 8 công lúa đang trong giai đoạn chín đỏ đuôi sau 4 ngày nước lũ tràn vào ruộng. Ngoài ra, gia đình anh Khiêm cũng đang đối mặt với nguy cơ không thể thu được hạt bắp nào trên diện tích hơn một công đất, lí do là phải mất hơn cả tháng nữa ruộng bắp này mới cho thu hoạch nhưng nước lũ đã tràn vào đến chân.

“Năm nay bà con ở đây ai nấy đều mang nợ vì lũ về sớm và lớn hơn mọi năm. Bây giờ mà đi giăng câu, thả lưới cũng khó sống vì cá quá ít. Đau khổ hơn là có người đã lấy cọc của thương lái rồi và hẹn 2 ngày sau sẽ cắt lúa để cân bán nhưng cũng không xong. Lúa đã chín như kiểu cơm dọn lên bàn rồi mà chưa được ăn thì có gì buồn hơn”, anh Khiêm ngậm ngùi nói.

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết hơn một tuần qua, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to kết hợp với triều cường làm hơn 7.500 ha lúa và rau màu bị ảnh hưởng với nhiều mức độ khác nhau. Trong số này có gần 5.500 ha lúa trong giai đoạn chín đến thu hoạch nhưng phải chịu thiệt hại từ 30% đến 70%. Các ngành chức năng tỉnh đã dự báo lũ đầu mùa năm nay sẽ cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 30 - 50 cm và về sớm hơn cùng kỳ từ 7 - 10 ngày. Đỉnh lũ sẽ đạt trong khoảng thời gian từ 15/10 đến 24/10 .

Người nông dân lo lắng những ruộng dưa leo có thể bị nước lũ nhấn chìm bất cứ lúc nào

Chủ động phòng chống

Cũng theo ông Trần Anh Thư, hiện người dân tại các vùng rốn lũ trong tỉnh đang gia cố bờ bao, bơm nước ra ở các khu vực bị ngập úng. Đối với vùng đê bao thì triệt để vận hành đóng cống và chủ động bơm rút nước ra để cứu lúa hoặc rau màu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp An Giang yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh, có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao. Tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê bao, cống, các điểm xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng để kịp thời xử lý. Huy động lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ giúp dân thu hoạch lúa.

Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, cho biết các địa phương trong tỉnh đang tổ chức các đợt diễn tập về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục di dời dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm, vùng có nguy cơ ngập lũ sâu. Cùng với đó là tổ chức các đội cứu hộ, cứu nạn trực nơi xung yếu, tổ chức các điểm giữ trẻ cộng đồng và dạy trẻ từ 7 - 15 tuổi tập bơi. Ngành chức năng cũng đã thực hiện gia cố các bờ bao, sửa chửa cống thoát nước để kịp thời cứu lúa, hoa màu và cây ăn trái để tránh bị ngập úng.

Còn theo ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra, ngành Nông nghiệp Kiên Giang đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện rất nhiều nội dung liên quan. Trong đó, yêu cầu Chi cục Thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chửa các công trình thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây. Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm trước, trong và sau mùa lũ theo kế hoạch của năm 2018. Yêu cầu các địa phương vận động người dân chằng chống nhà cửa, kê kích vật tư, hàng hóa đảm bảo không bị ảnh hưởng do mưa lũ xảy ra.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/nguoi-dan-mien-tay-thap-thom-lo-au-vi-lu-len-nhanh-1256331.html