Người dân miền Bắc khổ sở vì thời tiết nồm, ẩm

Nền nhà ướt nhẹp, quần áo phơi cả tuần không khô, đồ dùng mốc meo, không gian mờ mịt… là những tình cảnh khó chịu mà người miền Bắc đang phải đối mặt trong những ngày thời tiết nồm, ẩm.

Nhiều bà nội trợ dành cả ngày nghỉ chỉ để lau nhà với mong muốn giúp cho nhà được khô ráo

Nền nhà ướt nhẹp, quần áo phơi cả tuần không khô

Gần 2 tuần qua, thời tiết miền Bắc luôn trong tình trạng ngoài trời mưa phùn, đường sá trơn trượt, trong nhà ẩm ướt do độ ẩm không khí quá cao khiến người dân phải dùng mọi cách để đối phó với hiện tượng nồm, ẩm.

Vì trời nồm, nền nhà trơn trượt, cô con gái 3 tuổi của chị Trần Vân Anh (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) trượt chân ngã u trán. Lo tai nạn cũng có thể xảy ra với bà nội bé, mấy hôm nay, chị Vân Anh yêu cầu cả nhà đóng kín cửa để hạn chế hơi nước từ ngoài ùa vào nhà, đồng thời mở điều hòa, đặt ở chế độ gió khô. "Nhà mình 4 tầng, những năm trước thường trời nồm chỉ tầng 1 và 2 ướt, năm nay không hiểu sao tầng trên cao cũng nhớp nháp. Mỗi ngày đi làm về, mình phải bật 3 điều hòa nóng mà thấy nước chảy tong tong", chị Vân Anh kể.

Theo chị, tháng này hóa đơn tiền điện sẽ tăng vọt vì điều hòa, máy sấy được huy động hết công suất. "Nhưng thà vậy còn hơn chịu cảnh lúc nào cũng cảm giác ẩm ướt từ dưới bàn chân lên tới tận giường nằm", chị nói.

Năm nay, trong những ngày thời tiết nồm ẩm thì cũng là lúc các trường cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy đã 1 tuần nay chị Cao Thị Tuyết phải xin nghỉ cơ quan để ở nhà trông con. Ngày nào cũng tất bật với công việc lau nhà, sấy quần áo mà mọi việc vẫn rối tung. Chị Tuyết cho biết: Nhà mình là nhà cấp 4 nên những thời tiết nồm ẩm càng thêm khổ sở, một mặt vừa phải trông bọn trẻ chơi trên giường, không được xuống đất; vừa phải lo sấy quần áo, nấu ăn, dọn nhà, lơ đi chút là chúng lại "phạm quy". "Hôm trước hai đứa đùa nhau dưới nền trơn trượt đã ngã bươu đầu chưa khỏi", chị Tuyết kể.

Có cơ địa dị ứng, những ngày trời nồm, anh Bách (Ba Đình, Hà Nội) khổ sở vì bị ngứa. "Ngày nào cũng bật nóng lạnh, tối tắm, sáng tắm mà vẫn thấy người nhớp nháp, ngứa ngáy. Ra đường thì mưa bẩn, tắc đường, khói bụi, về nhà lại ướt lép nhép, mùi ẩm mốc. Thật không chịu nổi với thời tiết này", anh Bách than thở.

Nồm ẩm không ảnh hưởng đến sinh hoạt

Anh Bách cho biết, vợ anh đang mang bầu những tháng cuối, phải sắm ngay một đôi dép riêng đi trong nhà vì sợ nền ướt, dễ trượt ngã. "Chúng tôi cố gắng mãi mới mua được căn hộ nhỏ ở khu tập thể, được ở tầng 1 thấy tiện dắt xe ra vào, không tính đến những ngày nồm ẩm ướt khó chịu thế này. Quần áo phơi ngoài hiên mãi không khô, trước khi mặc đều phải là", anh Bách kể.

Không chỉ khiến người dễ mệt, sinh bệnh, thời tiết ẩm ướt cũng dễ làm các vật dụng bằng điện bị hỏng hóc. Anh Nguyễn Chí Vinh (Song Phương, Hoài Đức Hà Nội) cho biết, sau những ngày qua, nhiều thiết bị điện tử trong nhà anh không chạy được nữa. "2 chiếc đèn tuýp ít bật khi cần đến thì không sáng, ti vi Samsung 45 inch đang ngon lành giờ cũng không lên hình, laptop tự dưng chập chờn... Chưa bao giờ mong trời nắng và khô ráo như bây giờ", anh Vinh mong mỏi.

Cách ứng phó khi thời tiết nồm, ẩm

Theo các chuyên gia khí tượng, khi độ ẩm không khí lên tới hơn 90% sẽ xảy ra hiện tượng nồm, hay còn gọi là trời nồm hoặc nồm trời. Đây là hiện tượng đặc trưng của miền Bắc, diễn ra vào mùa xuân hàng năm (phổ biến rải rác từ tháng 2 đến 4 dương lịch), các đợt nồm ẩm kéo dài từ vài ngày đến một tuần.

Trời nồm khiến hơi nước ngưng tụ, không khí ẩm ướt (tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc... sinh sôi nảy nở) kéo theo hàng loạt các hệ lụy liên quan đến con người và vật dụng, thực phẩm. Biểu hiện dễ nhận thấy và khó chịu nhất của kiểu thời tiết này chính là sàn, tường hoặc trần của những ngôi nhà thấp thường bị ẩm ướt như "đổ mồ hôi"; quần áo giặt lâu khô; sờ vào khăn, chăn, ga, gối, đệm luôn có cảm giác ẩm và mùi hôi; các vật dụng như đồ điện tử dễ hỏng hóc, thực phẩm dễ nấm mốc. Đối với con người, hiện tượng thời tiết khó chịu này khiến lỗ chân lông bị bí, quá trình bài tiết qua da bị hạn chế, từ đó sinh ra hàng loạt các bệnh như: Đau đầu, mệt mỏi, hen suyễn, tim mạch, các bệnh về khớp, tiêu hóa...

Theo PGS, TS Nguyễn Đình Tiến, chuyên gia lao và bệnh phổi: Để hạn chế ảnh hưởng xấu của độ ẩm cao, cần có những biện pháp sau để giảm độ ẩm trong không khí. Tốt nhất trong phòng có dụng cụ đo độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí trong phòng ở mức 40 - 60% bằng các biện pháp như: Đóng cửa kính phòng kết hợp với dùng máy hút ẩm, dùng điều hòa 2 chiều chế độ khô, tăng nhiệt độ trong phòng và thường xuyên vệ sinh sàn nhà, tường nhà, cửa kính bằng khăn khô. Khi đun nấu, tắm rửa… làm tăng độ ẩm không khí trong phòng thì cần có quạt thông gió. Song song với các biện pháp điều trị kiểm soát, các bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính cần chú ý tiêm phòng cúm vào mùa thu đông cho những bệnh nhân này.

Theo GS Nguyễn Đức Lợi, nguyên cán bộ Viện Nhiệt lạnh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong những ngày trời nồm, các gia đình có thể dùng điều hòa, máy hút ẩm, máy sưởi để làm bớt ẩm cho tường nhà, giúp nền nhà luôn được khô thoáng. Tuy nhiên, nếu dùng máy điều hòa ở chế độ hút ẩm thì nhiệt độ phòng lại giảm, gây se lạnh nên cần tăng nhiệt độ lên để tránh bị nhiễm lạnh và đỡ tốn điện.

MINH CHÂU

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nguoi-dan-mien-bac-kho-so-vi-thoi-tiet-nom-am-20200214164442877.htm