Người dân Manila hoang mang, không rõ sẽ bị phong tỏa thế nào

Hoảng sợ, khó hiểu, lo lắng - đó là những cảm xúc của hàng triệu người Philippines khi sống dưới lệnh phong tỏa kéo dài một tháng vừa được ban hành ở thủ đô Manila.

Trong hai ngày qua, các siêu thị, trung tâm thương mại chật kín khách tới mua các nhu yếu phẩm trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực vào đêm ngày 15/3.

Nước khử trùng tay nhanh chóng hết hàng. Mọi người cũng thi nhau mua gạo, thực phẩm đóng hộp, thịt, bánh mì, sữa, mì cốc và giấy vệ sinh.

Không rõ lệnh phong tỏa diễn ra thế nào

Họ xếp hàng ít nhất một giờ, có những nơi phải xếp hàng ba giờ. Những chuỗi siêu thị lớn nhất như SM Supermarket và S&R là nơi đông khách nhất.

“Tôi không biết còn phải đợi bao lâu nữa. Tôi không biết phải làm sao, chỉ thấy sợ, vì vậy tôi chỉ ra ngoài chợ mua khoai lang và chuối”, Jinky Jorgio, 52 tuổi, một nhà tư vấn về truyền thông nói với Straits Times.

Komfie Manalo, 49 tuổi, biên tập viên tại một tờ báo, nói mọi người không hoảng loạn tại khu chợ mà ông tới mua. Nhưng rõ ràng là có sự bất an.

“Có thể có sự lo sợ, nhưng họ không mua nhiều. Họ vẫn chỉ mua những gì cần thiết cho vài ngày, thậm chí cho một ngày”, ông Manalo nói với Straits Times.

Sự bất an xuất phát từ việc Tổng thống Rodrigo Duterte không đưa ra nhiều chi tiết khi tuyên bố “cách ly” Manila trong một tháng vào ngày 12/3.

Ông thông báo lệnh phong tỏa đối với toàn bộ vùng Metro Manila (Vùng Đô thị Manila, bao gồm thủ đô Manila và vùng lân cận) trong vòng một tháng để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo tuyên bố của Tổng thống Duterte, các tuyến đường thủy, đường bộ, đường hàng không nội địa đến và đi vùng đô thị Manila sẽ bị đóng lại, trong khi các hoạt động tập trung đông người bị cấm.

 Người đi làm đeo khẩu trang xếp hàng lên tàu ở Manila ngày 11/3. Ảnh: Reuters.

Người đi làm đeo khẩu trang xếp hàng lên tàu ở Manila ngày 11/3. Ảnh: Reuters.

Có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, kèm theo sự hoài nghi về cách thực hiện lệnh phong tỏa rộng lớn này, đối với Metro Manila, nơi có 13 triệu dân và lượng người và hàng hóa khổng lồ đi qua mỗi ngày. Và 3 triệu người khác vào thủ đô làm việc mỗi ngày từ các vùng lân cận.

Ngày 13/3, các quan chức đã không thể giải thích rõ.

Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Ano nói những người có công việc hoặc là chủ cửa hiệu bên trong Metro Manila nhưng sống ngoài ranh giới Metro Manila sẽ được phép đi lại tự do, và cần xuất trình giấy tờ tùy thân.

“Công việc vẫn sẽ tiếp tục”, Bộ trưởng Thương mại Roman Lopez cũng nói với các phóng viên.

“Nhưng những ai làm nghề tự do”, ông nói thêm, “sẽ phải đi nơi khác”.

Chuẩn tướng Debold Sinas, lãnh đạo lực lượng cảnh sát Manila, cho biết 20.000 cảnh sát sẽ đứng tại chốt chặn dọc các đường và cao tốc dẫn vào Metro Manila.

Vẫn chưa rõ việc kiểm tra sẽ diễn ra như thế nào ở các chốt chặn, và nhiều người lo ngại tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nếu ai cũng phải xuất trình giấy tờ tùy thân và kiểm tra thân nhiệt.

Ông Sinas cho biết đã đề xuất ngưng toàn bộ phương tiện công cộng ra vào Metro Manila.

“Làm sao kiểm soát được dòng người nếu để xe buýt ra vào? Mục tiêu ở đây là giới hạn đi lại”, ông nói.

Theo đề xuất của ông, người đi làm sẽ phải xuống tàu xe ở các trạm kiểm soát, qua kiểm tra, rồi lên phương tiện công cộng (chỉ hoạt động bên trong Manila) để đến văn phòng.

Tác động về tinh thần

Động thái phong tỏa Metro Manila diễn ra sau khi ít nhất 15 quan chức và nghị sĩ Philippines phải xét nghiệm virus hoặc tự cách ly. Ông Duterte, người đã 74 tuổi, cũng phải lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 12/3, sau khi đã tiếp xúc với một số quan chức trên.

Philippines hiện có 64 ca nhiễm virus corona và 6 ca tử vong, tính đến sáng 14/3.

Các hàng hóa khô, nông sản và các mặt hàng thiết yếu khác sẽ không bị ảnh hưởng từ lệnh phong tỏa Metro Manila.

“Cần bảo đảm nguồn cung không gián đoạn và ngăn mua sắm hoảng loạn. Chúng tôi đảm bảo chúng tôi có đủ nguồn cung. Ví của các bạn sẽ hết tiền trước khi chúng tôi hết nước rửa tay”, ông Lopez nói.

3 triệu người vào Metro Manila làm việc mỗi ngày từ các vùng xung quanh. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đối với một số người, khó có thể ngăn được tác động về cá nhân và tinh thần.

Các cặp đôi ở hai phía đường ranh giới khu vực Metro Manila đang lo sẽ phải xa cách trong một tháng.

“Vẫn có Facetime”, Marivic Sangalang, 23 tuổi, nhà thiết kế đồ họa sống trong Metro Manila, nói với Straits Times. Bạn trai cô sống ở thành phố khác ở phía nam thủ đô.

Chính phủ đang khuyến cáo những cặp đôi đã đính hôn hãy hoãn hoặc làm nhỏ các đám cưới.

“Không cần phải dừng hẳn việc cưới xin, nhưng có thể giảm lượng khách mời. Nhưng tốt nhất là hoãn đám cưới lại, và đòi lại tiền đặt cọc”, ông Lopez nói.

Vẫn có những thái độ lạc quan, nhất là khi trẻ em được ở nhà, cha mẹ được làm từ xa.

“Tôi có thêm thời gian với con tôi vì tôi không phải đi lại... Tôi cũng có cơ hội nhìn thấy con tôi thức dậy thường xuyên hơn”, Abigail Ho-Torres, 39 tuổi, chuyên viên truyền thông, nói với Straits Times.

Giáo viên yoga Johnna Giolagon, 44 tuổi, nói cô có thêm thời gian cho bản thân.

“Tôi không phải dạy từ 4h sáng chỉ để chuẩn bị lên lớp. Tôi vẫn thức giấc lúc 4h sáng vì đồng hồ sinh học của mình. Nhưng ít nhất tôi không phải ra khỏi giường”, cô nói.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/nguoi-dan-manila-hoang-mang-khong-ro-se-bi-phong-toa-the-nao-post1059384.html