Người dân mạnh tay chi tiêu sau 2 năm dịch bệnh

Sau 2 năm dịch bệnh, người dân đã từng bước phục hồi chi tiêu. Điều này thể hiện qua quy mô và dung lượng thị trường liên tục gia tăng. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021 (trong khi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 là 8%).

Bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng tăng gần 12%

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương sáng 14/7, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, 6 tháng đầu năm nay ghi nhận những nỗ lực của ngành Công Thương trong vượt qua khó khăn để ổn định, giữ vững và phát triển thị trường trong nước. Theo đó, quy mô và dung lượng thị trường những tháng đầu năm liên tục gia tăng, đạt mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ năm trước. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021 (trong khi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 là 8%).

Với sự hồi phục của thị trường, sức mua từ nay tới cuối năm sẽ tăng trở lại.

Với sự hồi phục của thị trường, sức mua từ nay tới cuối năm sẽ tăng trở lại.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, thời gian qua, xu hướng tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã tác động mạnh đến giá xăng dầu trên thị trường trong nước. Để hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Đồng thời, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, lưu thông hàng hóa trên thị trường không còn chịu tác động quá lớn của dịch COVID-19. Hoạt động kinh tế - xã hội trên cả nước hồi phục nhanh, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng, trong đó có lĩnh vực du lịch đã kích cầu nền kinh tế. “Sự tăng trưởng của doanh thu bán lẻ là tín hiệu khả quan hỗ trợ cho phục hồi sản xuất kinh doanh. Đơn cử tại hệ thống bán lẻ BRG, hiện nay, lượng khách hàng đến mua sắm tăng mạnh; sức mua hiện nay có thể ngang bằng so với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, nhất là vào các ngày lễ lớn, cuối tuần”, bà Dương cho hay.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị WinMart cũng cho rằng, sức mua cũng rất khả quan. Người tiêu dùng đến hệ thống siêu thị vẫn tập trung chủ yếu vào các sản phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt gia đình hằng ngày. Theo dự báo, từ giờ tới cuối năm khi mà giá xăng dầu hạ nhiệt, tình hình kinh tế sẽ khởi sắc hơn và doanh nghiệp bán lẻ nói chung, WinCommerce nói riêng cũng sẽ có sự khởi sắc, sức mua cũng quay trở lại bình thường. Cùng với đó, vào dịp cuối năm là mùa mua sắm nên sẽ rộn ràng hơn. Do vậy, xu hướng tiêu dùng và sức mua sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa so với thời điểm sáu tháng đầu năm.

Nỗ lực kiềm chế lạm phát

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh thu bán lẻ tăng là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên các bộ, ngành cần triển khai đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát đang gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân, mà nguyên nhân tăng giá tiêu dùng chủ yếu là do lực đẩy từ giá xăng dầu liên tục tăng và đang ở mức cao. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, có thể thấy nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu bị đẩy lên từ giá dịch vụ vận tải cho đến giá mặt hàng thiết yếu hàng ngày như giá rau, củ, thịt lợn, gà, trứng gia cầm, dầu ăn… Chính vì vậy, các bộ, ngành nắm vai trò quan trọng như Liên Bộ Công Thương - Tài chính - Nông nghiệp Phát triển Nông thôn cần có biện pháp hạ nhiệt giá mạnh mẽ hơn nữa…

Để giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4%, hạ thấp tỷ lệ lạm phát, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, cần ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế, qua đó hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với thị trường trong và ngoài nước. “Áp lực lạm phát là mối nguy cơ hàng đầu cho hoạt động kinh tế 6 tháng cuối năm. Lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng, giá dầu thô tiếp tục dự báo tăng mạnh…, tâm lý lo ngại “lạm phát nhập khẩu” nhất là khi Việt Nam có độ mở kinh tế cao. Do đó, kiểm soát lạm phát, hạ nhiệt giá xăng dầu là ưu tiên hàng đầu”, bà Hương nhấn mạnh.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ có giải pháp pháp ổn định nguồn cung và giá xăng dầu cũng như các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm nay, trong đó “đòn bẩy” lớn nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu. Ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/nguoi-dan-manh-tay-chi-tieu-sau-2-nam-dich-benh-i660880/