Người dân lưu vực sông Mêkông 'đăng đàn' phản đối thủy điện

Việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính và nhánh sông Mêkông gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân đã được không ít chuyên gia trong ngành đề cập. Và việc người nông dân 'đăng đàn' phản đối thủy điện đã diễn ra trong khuôn khổ diễn đàn khu vực hôm 20-3.

Các nông dân đại diện cho cộng đồng dân cư các quốc gia Thái Lan, Campuchia và Việt Nam “đăng đàn” trình bày tại diễn đàn dưới sự điều phối của bà Maureen Harris (bìa cùng bên phải). Ảnh: Trung Chánh

Phát biểu khai mạc diễn đàn Mêkông với chủ đề “Lưu vực Mêkông trước thách thức bảo vệ người dân và hệ sinh thái trong bối cảnh nhiều biến động” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 20-3, bà Maureen Harris của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cho rằng, việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mêkông đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh kế người dân và các nguy cơ khác như mất cân bằng hệ sinh thái, giảm lượng phù sa… “Tình trạng này có thể còn tồi tệ hơn do tác động của các đập thủy điện đang xây dựng trên dòng chính và khoảng 100 đập dòng phụ chuẩn bị được xây dựng”, bà nhấn mạnh.

Theo bà Maureen Harris, việc xây dựng thêm các đập thủy điện có thể khiến lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm xuống chỉ còn 4%, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển nông nghiệp ở khu vực này.

Trong khi đó, chỉ bằng những cảm nhận thực tế nơi mình sinh sống, người dân lưu vực sông Mêkông đã “đăng đàn” chỉ ra những tác động mà họ đang chịu đựng và kêu gọi dừng ngay việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn của dòng sông này.

Ông Somkiat Khuan Chaingsa, một người dân sống ở tỉnh Chiang Rai của Thái Lan, cho biết thời gian gần đây dòng sông Mêkông đang thay đổi nhanh và có xu hướng ngày càng tồi tệ hơn, tác động tiêu cực đến sinh kế người dân.

Chỉ tay vào bức ảnh chụp hệ sinh thái dòng sông Mêkông đoạn đi qua khu vực phía Bắc Thái Lan, ông Somkiat Khuan Chaingsa cho biết, trước đây khu vực này có khoảng 60 chủng loại thực vật có lợi cho cộng đồng người dân sống gần đó. “Nhưng, do biến động của dòng chảy sông Mêkông những loại cây này không sinh trưởng được như trước đó nữa”, ông giải thích.

Một bức ảnh khác chụp cách nay 3 năm thể hiện một thảm thực vật dưới nước tại khu vực này rất phong phú. Thế nhưng, vị đại diện của Thái Lan nói rằng, hiện đã không còn nữa và điều này chẳng những ảnh hưởng đến sinh kế người dân vì đây là nguồn thực phẩm của họ, mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản vì thảm thực vật này cũng là nguồn thức ăn của một số loài cá.

Không dừng lại ở đó, theo ông Somkiat Khuan Chaingsa, việc làm vườn dọc bờ sông được xem là nguồn sinh kế của người dân qua nhiều thế hệ, thì hiện nay đã không còn như xưa do tác động tiêu cực từ dòng sông Mêkông.

Ông Long Sochet, một người dân sống tại khu vực biển hồ Tonle Sap của Campuchia, cho biết Tonle Sap là hồ lớn nhất ở quốc gia này và đây cũng là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản lớn ở Campuchia. “Hồ này được kết nối chặt chẽ với sông Mêkông, nhưng từ khi chúng ta có các đập thủy điện ở Lào, thì một số vấn để đã xảy ra, một số giống loài thủy sản đã biến mất khỏi hệ sinh thái của hồ”, ông Long Sochet cho biết và nói rằng mùa đánh bắt cá để làm mắm đã bị tác động bởi sản lượng giảm đi nhiều.

Một điểm khác được ông Long Sochet quan sát thấy và cho biết, đó là mực nước trong hồ Tonle Sap đã giảm và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, do khó dẫn nước vào đồng ruộng.

Vấn đề nêu trên, theo ông, sẽ dẫn đến việc giảm lượng phù sa trên đồng ruộng, cho nên, người dân sẽ lạm dụng phân bón hóa học ngày càng nhiều hơn. “Đối với tôi và người dân Campuchia, chúng tôi lo rằng việc phát triển các đập thủy điện trên sông Mê kông sẽ khiến hồ Tonle Sap biến mất. Như vậy, đồng nghĩa khoảng 2 triệu cư dân sống dựa vào nguồn lợi của hồ Tonle Sap cũng không biết sẽ về đâu”, ông cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Hải, một người dân ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, kể rằng sau mỗi mùa mưa, các khu vực bị sạt lở, mất rừng lộ ra càng nhiều hơn. “Tôi sống ở Tiền Giang thuộc hạ lưu sông Mêkông, trước đây Tiền Giang được ưu đãi, nước ngọt quanh năm, nhưng gần đây mặn xâm nhập ngày càng sâu do nước từ thượng nguồn ngày càng suy giảm”, ông cho biết và nói rằng điều này sẽ dẫn đến diện tích đất trồng trọt cũng ngày càng bị thu hẹp.

Trước tình trạng nêu trên, bà Maureen Harris cho rằng, việc lắng nghe ý kiến của người dân để đưa ra kế hoạch hành đồng ứng phó là điều cần thiết nhằm đảm bảo cuộc sống, sinh kế của người dân lưu vực sông Mêkông được bền vững.

Ông Somkiat Khuan Chaingsa nêu ra 3 thông điệp gửi đến diễn đàn. Thứ nhất, phải nghiên cứu nhiều hơn về tác động của đập thủy điện sông Mêkông lên đời sống người dân nơi đây; thứ hai, phải rà soát lại các kế hoạch phát triển kinh tế ở lưu vực sông này và thứ ba là cần tìm ra giải pháp, chiến lược để giải quyết các vấn đề của người dân và Chính phủ phải hỗ trợ để bảo tồn hệ sinh thái và sinh kế người dân.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/270299/nguoi-dan-luu-vuc-song-mekong-dang-dan-phan-doi-thuy-dien.html