Người dân làng nghề đang tự giết mình: Ô nhiễm vì thiếu công nghệ?

Không có công nghệ xử lý, không quan tâm đến khâu xả thải, người dân làng nghề đang tự mình đầu độc cuộc sống của chính mình. Đánh đổi sức khỏe lấy thu nhập, môi trường làng nghề đang ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, công nghệ xử lý dường như vẫn chỉ ở phòng thí nghiệm.

Dây truyền bật bông đã quá lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Dây truyền bật bông đã quá lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Loạn ô nhiễm, loạn bệnh tật

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ của Quốc hội, hiện nay, chỉ có 26,7% cơ sở làng nghề là có thu gom nước thải công nghiệp và có 20,9% số làng nghề là có thu gom chất thải rắn công nghiệp.

Đây đang là một vấn đề lớn trong xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là các làng nghề truyền thống.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, trong đó trên 1.800 làng nghề và làng nghề truyền thống được công nhận.

Có đến 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Ðịnh... Miền Trung chiếm khoảng 23,6%, tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và miền Nam chiếm khoảng 16,6%, tập trung chủ yếu ở TP Cần Thơ, tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương.

Ô nhiễm môi trường làng nghề không phải là vấn đề mới. Hiện có nhiều đề tài nghiên cứu về thực trạng này song các kết quả đưa ra cũng mới chỉ ở mức cảnh báo chung chung.

TS Đinh Xuân Khoa, Viện KH&CN Môi trường thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra những con số báo động về hiện trạng môi trường tại các làng nghề: 100% mẫu nước thải ở các làng nghề có thông số vượt quá tiêu chuẩn cho phép; nước mặt, nước ngầm đều có dấu hiệu ô nhiễm.

Ô nhiễm không khí chủ yếu tập trung ở các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, gốm, sứ, nhựa… Ước tính tại lượng ô nhiễm không khí do đốt than để nung vôi, nung gốm, sứ từ hàng trăm lò thủ công lên tới hàng triệu m3 khí độc.

Dân cư làng nghề và cả các xã lân cận đều phải sống chung với khói bụi, hơi nóng và khí độc hại từ các làng nghề này. Ðiển hình như làng gốm Bát Tràng, làng tái chế sắt thép Ða Hội, xã Châu Khê (Bắc Ninh)…

Môi trường nước và không khí bị ô nhiễm tại các làng nghề đã tác động không nhỏ sức khỏe người lao động. Các bệnh nghề nghiệp như đường hô hấp, đau mắt, suy nhược thần kinh, bệnh ngoài da… ngày càng gia tăng.

Theo các chuyên gia, tại các làng nghề khí thải, nước thải, chất thải rắn chưa được xử lý đã xả thẳng vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng không khí và các nguồn nước mặt, nước dưới đất tại địa phương.

Thiếu công nghệ đồng bộ

Từ năm 2005, các nhà khoa học thuộc Bộ môn Công nghệ hóa học, Khoa Hóa học, Trường ĐHKHTN, ĐHQG TPHCM đã nghiên cứu ra một hệ thống xử lý nước thải đa năng có tính đồng bộ. Thiết bị xử lý này thực chất là việc sử dụng các chất keo tụ, trợ keo tụ, các chất hấp thụ để tiến hành xử lý sơ cấp nhằm loại bỏ tất cả các chất lơ lửng, cặn, bụi... xuống còn dưới 50%.

Sau đó, hệ thống tiếp tục hoạt động để xử lý thứ cấp bằng bùn hoạt tính hoặc lọc sinh học kết hợp các chất phụ gia, bước này có thể xử lý được 30% lượng chất độc hại có trong nước. Nước thải sẽ được xử lý bằng AOB (oxy hóa tăng cường), biện pháp này cho phép xử lý tới 90% các hợp chất độc hại.

Thiết bị xử lý nước thải đa năng ở làng nghề nói trên có thể áp dụng cho nhiều loại đối tượng như nước thải dệt, nhuộm, làm giấy, công nghiệp thực phẩm, nước thải sinh hoạt với quy mô xử lý từ 5 đến 1.500 m3/ngày đêm; giá thành xử lý rẻ (1.200 - 3.500 đồng/m3 nước thải).

Tuy nhiên cho đến nay, PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết, công nghệ cũng chưa thể nhân rộng ra được vì rất nhiều lý do, trong đó có vấn đề kinh phí. Bản thân các hộ gia đình thì không quan tâm đầu tư. Từ đó đến nay, rất nhiều công nghệ ra đời, nhưng chưa có công nghệ nào có thể ứng dụng rộng rãi được.

Theo ông Đỗ Đức Thành - Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội), việc xử lý nước thải tại khu vực làng nghề rất khó khăn do các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong khu dân cư, tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô nhỏ, tự phát.

Trong khi đó, do khó khăn về vốn nên rất ít hộ đủ điều kiện đầu tư xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường... Các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu; chưa có chính sách hỗ trợ tài chính để khuyến khích di dời các cơ sở đến nơi sản xuất tập trung, gây khó khăn trong xử lý đồng bộ ô nhiễm môi trường.

Các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường thường đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó bảo đảm tiến độ do phải cân đối nguồn lực, nhất là các chương trình, nhiệm vụ dự án sử dụng nguồn ngân sách…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nguoi-dan-lang-nghe-dang-tu-giet-minh-o-nhiem-vi-thieu-cong-nghe-4045144-b.html