Người dân làng chài nô nức 'Nghinh Ông', giữ văn hóa biển

Các cụ ông khăn đóng áo dài chỉn chu dự lễ, nhắc chuyện con cháu về truyền thuyết cá Ông, cá Bà. Những em nhỏ theo cha mẹ chen chân nhau quanh Lăng thờ. Rồi đoàn người nối nhau rước lễ dọc bãi biển. Đến phần hội thì thanh niên sắm vai hát hò, thi chèo thuyền, đan lưới,… Đó là những hình ảnh sôi động của lễ hội Cầu Ngư ở những làng chài miền Trung. Nơi văn hóa miền biển may mắn được lưu giữ lại giữa cơn lốc đô thị hóa.

Lễ hội Cầu Ngư với ngư dân miền biển là một ngày hội lớn để tỏ lòng tôn kính với biển cả.

Ngày hội làng chài

Từ sớm tinh mơ ngày 16.2 âm lịch, cả người già và trẻ nhỏ ở các làng chài Thọ Quang của TP. Đà Nẵng đã lại tập trung về các đền thờ Cá Ông (gọi là Lăng Ông). Lễ hội Cầu Ngư, hay còn gọi là lễ hội Cá Ông là lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố biển. Hàng năm, tùy từng làng chọn rằm tháng giêng hoặc sau rằm tháng hai âm lịch để tổ chức lễ. Chỉ có điểm chung là dù ở đâu, lễ hội cũng đông đúc, rộn ràng.

Theo các cụ cao niên trong làng, lễ hội Cầu Ngư thường được tổ chức 3 ngày với hai phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ được mở đầu với Lễ Nghinh Ông rồi tiếp đến Lễ Cầu An, Cầu Ngư trên biển bày tỏ lòng thành kính cầu mưa thuận gió hòa, mùa đánh bắt thắng lợi, no đủ. Vừa chỉnh lại trang phục lễ tế, cụ Nguyễn Dũng – cao niên tại làng chài Thọ Quang vừa chỉ tay về Lăng Ông kể rõ, trong ngày lễ, lăng được người dân trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Không chỉ vậy, dọc bãi biển và ở bến đậu những ngày này, các tàu thuyền đều chăng đèn kết hoa.

"Trong phần lễ, làng chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn" - cụ Dũng cho hay.

Anh Lê Hoàng - ngư dân làng chào Thọ Quang tiếp lời: "Phần lễ vừa xong thì phần hội bắt đầu ngay sau đó với các trò chơi. Các nam thanh niên sắm vai ngư dân cùng nhau hát bả trạo (chèo thuyền), tái diễn nét sinh hoạt của ngư dân trên biển. Phần thi văn nghệ và thể thao thể hiện sự đoàn kết giữa các vạn chài, những người sát cánh bên nhau khi lênh đênh trên biển cả. Họ cùng nhau hát hò, thi đan lưới, lắc thúng trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của người làng. Dù ai bận rộn mấy cũng sẽ đưa con cháu đến dự lễ, dự hội".

Giữa cơn lốc đô thị hóa, văn hóa biển vẫn được gìn giữ ở những làng chài miền Trung.

Giữ văn hóa biển Việt Nam

Tại Đà Nẵng, những làng chài đang ngày càng bị thu hẹp lại. May mắn, dù đô thị phát triển nhưng những Lăng Ông vẫn được người dân gìn giữ. Làng cá Nam Ô là một trong số ít những nơi còn giữ được Lăng Ông với tuổi đời trăm tuổi. Lăng Ngư Ông tại làng được xây dựng từ 1823 với kết cấu, kiến trúc cổ truyền thống, được trùng tu bảo tồn qua nhiều đời, đặc biệt trong khuôn viện có một giếng Chăm cổ, nơi người Chăm và người Việt sau này thường đến lấy nước ngọt mỗi khi ra khơi và những ngôi mộ cá Ông gắn liền với tâm linh địa phương.

Cũng đang bước vào mùa lễ hội, hay tin có đoàn khách ở xa đến dự buổi lễ Cầu Ngư năm nay của làng, cụ Lê Bôi – một cao niên làng đưa mọi người tham quan Lăng. Dù đã lớn tuổi nhưng cụ Bôi vẫn nhớ và kể rõ tường tận, lăng thờ cá Ông của làng đã có từ nhiều đời. “Từ thời ông bà tổ tiên chúng tôi đã xem cá Ông là sinh vật thiêng. Nhiều câu chuyện về việc cá Ông, cá Bà dìu tàu, cứu ngư dân vẫn được truyền tai nhau. Điều đó giúp chúng tôi có thêm niềm tin, vững tay lái đưa con tàu ra biển khơi. Nhiều người có thể chưa từng thấy hay chứng kiến sự việc nhưng đó là một đức tin và là cách ngư dân chúng tôi thể hiện sự tôn trọng với người mẹ thiên nhiên - biển cả” - cụ Bôi chia sẻ.

Cũng theo các cụ cao niên trong làng, từ ngày lập nên làng Nam Ô, ngư nghiệp đã gắn liền với đời sống người dân. Về sau, nhiều đời vua nhà Nguyễn đã ban sắc phong tặng cá voi là “Nam Hải cự tộc Ngọc Lân tôn Thần”. Liên tiếp trong nhiều thế kỷ, các triều đại vua khác nhau đã ban sắc phong cho thần Nam Hải, chính thức công nhận tục thờ cúng Cá Ông tại các làng quê dọc ven biển miền Trung. Từ đó, Lăng Ông làng Nam Ô cũng được hình thành và gìn giữ cho đến bây giờ. Những cây cột và nhiều mảnh gỗ tại đây vẫn được giữ lại từ xa xưa. “Ông” là tiếng gọi tôn kính của ngư dân dành riêng cho cá voi, loài cá thường giúp họ vượt qua tai nạn khi lênh đênh trên biển cả. Không chỉ người lớn mà những đứa trẻ nhỏ lớn lên cũng được dạy phải tôn trọng cá Ông.

Đưa đoàn khách đi vào gian thờ trong cùng của Lăng, ông Bôi cẩn thận chạm tay vào những hủ cốt Ông. “Cứ vài ba năm là người làng lại vớt được xác cá Ông, cá Bà tấp vào bờ. Với người ngư dân, điều đó có nghĩa là Ông Bà đã chọn làng biển này làm nơi yên nghỉ. Vì vậy, chúng tôi đưa xác cá Ông, cá Bà về làng chôn cất cẩn thận. Ba năm sau thì hốt cốt, làm lễ tế đưa vào Lăng thờ. Đến nay, tại Lăng có hàng chục bộ cốt Ông, cốt Bà” – ông Bôi kể với giọng tôn kính và tự hào.

Vậy là, không chỉ là những câu chuyện truyền thuyết, lòng tôn kính với cá Ông vẫn đang hiện diện tại những làng chài miền Trung. Những câu chuyện ngư dân may mắn vượt giông bão hay cá Ông dạt bờ chọn nơi yên nghỉ vẫn đang được ngư dân truyền tai nhau qua nhiều thế hệ. Nói vậy để hiểu, Lễ hội Cầu Ngư lưu giữ trong mình một tín ngưỡng dân gian chứ không chỉ là một lễ hội hay phong tục tập quán. Tất cả những mối quan hệ ấy gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau, có tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau trong quá trình tồn tại cho đến ngày nay vẫn mang đậm những đặc trưng văn hóa biển.

Dọc những con đường biển Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung, cơn lốc đô thị hóa đang đe dọa sự tồn tại của những làng chài. Nhiều Lăng Ông được gìn giữ lại như Nam Ô, Thọ Quang đang phải chịu cảnh “trơ trọi” giữa đống ngổn ngang gạch đá.

Ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thào Đà Nẵng trăn trở: “Văn hóa tâm linh là những thứ tồn tại lâu đời cùng với người dân bản địa. Với mọi di tích lịch sử văn hóa, chúng tôi đều mong sẽ được giữ nguyên trạng. Bởi những di sản dù ở cấp nào đi nữa, là cấp quốc gia, thành phố hay của làng xã đều hình thành trong một quá trình lâu dài. Đó là từ khi những vị tiền hiền đến khai thiên lập địa, lập nên những ngôi đền, miếu mạo để thờ tự. Đó là điều cần được tôn trọng. Chỉ khi được sống giữa cuộc sống của người dân thì văn hóa mới có hồn. Tâm linh ở đây không phải chỉ là của người đã khuất hay thần thánh mà là chính ở lòng thành của những người còn sống”.

Chẳng biết rằng đến bao giờ làng chài cuối cùng phải nhường chỗ cho đô thị nhưng hôm nay, mỗi người ngư dân vẫn đang giữ trong mình nét văn hóa biển.

Thùy Trang

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/nguoi-dan-lang-chai-no-nuc-nghinh-ong-giu-van-hoa-bien-599587.ldo