Người dân Lai Châu có cuộc sống khấm khá từ rừng

Thu nhập từ hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đang giúp đồng bào các dân tộc ở tỉnh biên giới Lai Châu có cuộc sống khấm khá hơn và cùng nhau bảo vệ tốt hơn diện tích rừng.

Như thường lệ, sau bữa cơm sáng, anh Chồ A Sử, ở bản Cang Há, xã Tung Qua Lìn, huyện biên giới Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) lại cùng nhóm người ở bản mang theo dụng cụ đi tuần rừng. Đây là việc làm thường ngày, đã được tổ bảo vệ rừng của bản duy trì từ nhiều năm nay, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ việc xâm phạm đến rừng.

Anh Chồ A Sử chia sẻ, trước đây do cuộc sống khó khăn, bà con trong bản thường vào rừng để khai thác gỗ và củi đem bán. Giờ có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con không chặt phá nữa mà cùng nhau bảo vệ, vì thế rừng do bản quản lý ngày càng xanh tốt. Từ số tiền được chi trả qua nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, bà con đã đầu tư mua cây, con giống để phát triển kinh tế, nên cuộc sống đã khấm khá hơn.

“Nhận tiền về, bà con dùng để mua giống cây để trồng rừng, để cho ngày càng có nhiều rừng hơn” - anh Chồ A Sử nói.

Thu nhập từ hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đang giúp đồng bào các dân tộc ở tỉnh biên giới Lai Châu có cuộc sống khấm khá, ý thức bảo vệ rừng của người dân tốt hơn.

Thu nhập từ hoạt động bảo vệ và phát triển rừng đang giúp đồng bào các dân tộc ở tỉnh biên giới Lai Châu có cuộc sống khấm khá, ý thức bảo vệ rừng của người dân tốt hơn.

Tung Qua Lìn là xã biên giới khó khăn của huyện Phong Thổ và là nơi sinh sống của hơn 400 hộ dân đồng bào Mông và Hà Nhì. Hiện toàn xã có trên 2.000 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ chiếm hơn 30%. Những năm qua, hàng năm bà con đều được nhận số tiền từ 2,2 - 2,5 tỷ đồng từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Ông Vàng A Quẩy, Chủ tịch UBND xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ cho biết: “Xã cũng đã có kế hoạch tuyên truyền cho bà con để bà con xây dựng quy ước, hương ước của bản. Tiền dịch vụ môi trường rừng phải sử dụng có hiệu quả và hàng năm phải bảo vệ diện tích rừng của bản mình được tốt hơn”.

Tỉnh Lai Châu hiện có trên 429.000 ha rừng nằm trong kế hoạch chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh được giao gần gần 440 tỷ đồng để chi trả cho người quản lý, bảo vệ rừng. Đến nay, Quỹ đã cơ bản hoàn thành việc chi trả cho người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Trọng Lịch, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, thu nhập từ hoạt động quản lý, bảo vệ rừng đã giúp bà con có thêm điều kiện để tái đầu tư cho sản xuất, từ đó có cuộc sống ổn định hơn.

“Hiện nay tổng toàn tỉnh đã chi trả được 439 tỷ đồng, bao gồm cả tạm ứng và thanh toán. Về công tác chi trả thì chúng tôi cũng đã có thông báo số tiền trực tiếp cho các đơn vị và cũng đề nghị các đơn vị là có sự phối hợp tránh chi trả cùng thời gian, tránh cho người dân phải đi lại nhiều lần, tạo thuận lợi cho người dân trong khi nhận tiền hỗ trợ rừng” - ông Nguyễn Trọng Lịch nói.

Có thu nhập từ rừng, bà con càng nâng niu hơn những cánh rừng của bản, của xã, từ đó, các cánh rừng của địa phương ngày càng xanh tốt. Giữ được rừng là giữ được nước, cuộc sống của người dân nhờ đó cũng sẽ ổn định, phát triển, nhất là hạn chế được tình trạng sạt lở đất, lũ quét mỗi mùa mưa lũ về./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-dan-lai-chau-co-cuoc-song-kham-kha-tu-rung-867321.vov