Người dân là đối tượng thụ hưởng

Đầu năm 2019, TP Hồ Chí Minh sẽ vận hành 4 trung tâm 'cốt lõi' của Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, trong đó xác định người dân là đối tượng ưu tiên thụ hưởng. Đây là điều người dân thành phố đang mong chờ và kỳ vọng những tiện ích đô thị thông minh phát huy hiệu quả trong thực tế.

 TP Hồ Chí Minh xây dựng đô thị thông minh để phục vụ người dân tốt hơn.

TP Hồ Chí Minh xây dựng đô thị thông minh để phục vụ người dân tốt hơn.

Hướng đến nhu cầu của người dân

Trong cơn bão số 9 vừa qua, thông qua ứng dụng nhắn tin SMS, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã kịp thời thông tin cảnh báo về diễn biến cơn bão để người dân thành phố chủ động phòng tránh. Trước đó, thành phố đã cung cấp ứng dụng cảnh báo tắc đường và ngập nước trên thiết bị điện thoại thông minh (smartphone), đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Anh Nguyễn Đỗ Thành Nhân (huyện Nhà Bè) cho hay: “Việc các đơn vị ra mắt những ứng dụng trên smartphone giúp người dân nhận biết được tình trạng tắc đường, ngập nước cho thấy thành phố đã bước đầu ứng dụng công nghệ để phục vụ người dân tốt hơn”.

Để xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ công nghệ là chưa đủ mà rất cần sự chung tay của người dân. Tiến sĩ Đoàn Xuân Huy Minh (Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh) cho biết, thành công bước đầu của dự án Smart Saigon - chương trình tự động tổng hợp, hiển thị, chia sẻ các thông tin ngập lụt và giao thông - đến từ việc người dân sẵn sàng tương tác với chính quyền. Cụ thể, người dùng mạng xã hội đã chủ động chia sẻ thông tin trên ứng dụng, kết hợp với thông tin giao thông và ngập nước chính thức từ các cơ quan quản lý nhà nước để cho ra những thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời.

Còn theo chuyên gia công nghệ thông tin Nguyễn Trọng, cần căn cứ vào nhu cầu của người dân để xác định những nội dung chính khi xây dựng đô thị thông minh. Người dân rất cần những dịch vụ trực tuyến khi thanh toán tiền điện, nước, hay dịch vụ thu gom rác... Do đó, đô thị thông minh phải giúp người dân sử dụng các dịch vụ trên một cách dễ dàng, để “bấm” là được phục vụ. Nếu đáp ứng tốt điều này, người dân sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ đó.

Khởi động từ tháng 1-2019

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết: Theo Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, thành phố đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên là: Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh; Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội và Trung tâm An toàn thông tin. Trong tháng 1-2019, Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở (giai đoạn 1) sẽ chính thức đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung, trên cơ sở tích hợp các dữ liệu hiện có của các sở, ngành thành phố. Trong quý I-2019, thành phố sẽ phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh.

Đối với Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, trước mắt thành phố sẽ thành lập Phòng Mô phỏng tại Viện Nghiên cứu phát triển thành phố trong tháng 1-2019, sau đó tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng trung tâm trong quý I-2019. Riêng Trung tâm An toàn thông tin sẽ được thành lập theo mô hình công ty cổ phần để có “cơ chế mở”, qua đó thu hút được nhân lực tốt nhất cho vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của thành phố. Việc thành lập công ty này được hoàn thành trong quý I-2019.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, xây dựng đô thị thông minh phải đạt được 5 mục tiêu, đó là: Kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh hơn, bền vững hơn; môi trường sống và làm việc của người dân tốt hơn; người dân tham gia quá trình quản lý nhà nước, quản lý cuộc sống của mình; người dân, doanh nghiệp được phục vụ tốt hơn; sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố dựa vào 4 chủ thể hành động thông minh: Chính quyền, doanh nghiệp, người dân và các tổ chức xã hội.

"Xây dựng đô thị thông minh có nhiều giải pháp, trong đó thành phố tập trung vào hai giải pháp lớn là quy hoạch thông minh hướng đến phát triển bền vững; quản lý thông minh dựa trên các chủ thể (chính quyền, người dân…) thông minh. Đặc biệt, mỗi người dân trong đô thị thông minh phải thể hiện là người thụ hưởng thông minh qua việc đánh giá dịch vụ mình sử dụng, từ đó tương tác, phản hồi với chính quyền nhằm hoàn thiện các dịch vụ", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Nguyễn Lê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/921769/nguoi-dan-la-doi-tuong-thu-huong