Người dân không mặn mà với xe buýt

Theo kết quả khảo sát về chỉ số hài lòng của người đi xe buýt mà Phòng Nghiên cứu và Quản lý Đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM công bố mới đây, cơ cấu hành khách sử dụng xe buýt đã có thay đổi. Đáng chú ý, khách hàng tiềm năng có hành trình ổn định và mức độ đi lại thường xuyên như học sinh, sinh viên và người đi làm giảm đáng kể.

Xe buýt không hấp dẫn hành khách do thái độ phục vụ chưa tốt.

Chê thái độ phục vụ

Theo Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố, hoạt động của hệ thống xe buýt ngày càng hiệu quả, đảm bảo phát triển kinh tế, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Đồng thời, hệ thống này cũng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của một lượng lớn hành khách là học sinh, sinh viên, người nghèo, người khuyết tật…Ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở GTVT TP HCM, khẳng định, khối lượng vận chuyển tăng 12 lần, từ 157.000 lên 650.000 lượt/ngày, góp phần rất lớn trong vận tải hành khách công cộng, đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại.

Mặc dù được đánh giá khá cao về kết quả hoạt động nhưng xe buýt vẫn chưa lấy được lòng hành khách và không thật sự thu hút. Lý do chủ yếu là những tồn tại cố hữu trong nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết, ví dụ như: Hành khách không hài lòng vì tính an toàn, an ninh khi đi xe buýt. Cụ thể hơn, xe buýt chạy nhanh, dừng không đúng trạm, dừng không sát lề, hoặc không dừng hẳn. Vệ sinh trạm, vệ sinh xe chưa tốt. Đặc biệt, thái độ xem thường hành khách của tài xế, tiếp viên xe buýt chưa thật sự được cải thiện.

Ông Cao Thanh Bình – Phó ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng nhân dân TP HCM cho rằng: “Thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên thời gian qua có nhiều chấn chỉnh tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, tài xế còn phóng nhanh, vượt ẩu, vào các trạm không dừng hẳn gây mất an toàn cho người đi xe buýt, thậm chí tài xế còn làm việc riêng khi lái xe...Do bất cập tồn tại lâu ngày chậm giải quyết nên tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia thấp, khoảng 8%. Qua khảo sát, đa phần phụ huynh chọn xe cá nhân đưa đón học sinh”.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy, không ít tài xế xe buýt bỏ trạm đi qua khi thấy người lớn tuổi, người khuyết tật. Chưa hết, tình trạng phân biệt đối xử giữa hành khách không trợ giá và trợ giá vẫn diễn ra. Sinh viên Nguyễn Ngọc Nga (Đại học quốc gia TP HCM) than phiền: “Thường thì nhân viên xe buýt không niềm nở hay mặn mà với học sinh, sinh viên. Tụi em lựa chọn xe buýt làm phương tiện đi học hàng ngày do giá rẻ, chứ không phải vì hài lòng”.

Ông Dư Phước Tân – Phòng Nghiên cứu và Quản lý Đô thị, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, thông tin, qua khảo sát về sự hài lòng của người dân thành phố đối với xe buýt cho thấy, từ 2013 – 2016 tỷ lệ hài lòng về xe buýt tăng 16%, tức là từ 21,4% tăng lên thành 37,4%, trong đó đa phần hài lòng về giá vé rẻ (chiếm tỷ lệ 57,4%). Trong khi đó, tỷ lệ không hài lòng trong 3 năm qua tăng cao 55%.

Hành khách đi xe buýt giảm nhiều

Nhận định về yếu tố hạn chế sự hài lòng của khách hàng đối với hoạt động xe buýt, ông Dư Phước Tân khẳng định: “Kiểm soát cá nhân cần phải tiếp tục được chấn chỉnh. Đây là vấn đề khó mặc dù có bàn nhiều”. Theo ông Tân, qua kết quả khảo sát về chỉ số hài lòng của người đi xe buýt cho thấy, cơ cấu hành khách sử dụng xe buýt có thay đổi. Khách hàng tiềm năng có hành trình ổn định và mức độ đi lại thường xuyên như học sinh, sinh viên và người đi làm giảm đáng kể. Ví dụ, năm 2013 tỷ lệ khách hàng sinh viên, người đi làm chiếm khoảng 37,4% nhưng 2016 chỉ còn 24,2%, giảm gần 13%. “Nên kiểm soát cá nhân ngay từ bây giờ với lộ trình hợp lý chứ chờ các phương tiện công cộng khác đi vào hoạt động mới chấn chỉnh thì không kịp” - ông Tân nhấn mạnh.

Mong muốn tăng lượng khách đi xe buýt nhiều hơn, không ít ý kiến cho rằng, các công ty vận tải hành khách cần phải đổi cách thức hoạt động, chú trọng đến sự hài lòng của khách hàng nhiều hơn. Song song với việc cải cách trên, nên đổi mới mô hình quản lý bằng cách quy về một mối nhằm nâng cao chất lượng vì 13 đầu mối hiện nay quản lý không tập trung. Ông Trần Chí Trung – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP HCM, khẳng định sẽ ghi nhận những bức xúc của người dân và cố gắng chấn chỉnh văn hóa ứng xử của nhân viên xe buýt.

Trả lời trước những bức xúc của người dân về chỉ số hài lòng đối với hoạt động xe buýt, ông Bùi Xuân Cường cho hay, sẽ yêu cầu các trung tâm, đơn vị vận chuyển đổi mới tư duy hoạt động. Theo đó, phải lấy hành khách là trung tâm, không phân biệt đối xử giữa người đi vé 2.000 đồng/lượt và người đi vé 6.000 đồng/lượt. “3 năm qua ngành đã tuyên truyền, vận động, tập huấn cho tài xế, tiếp viên đã có thay đổi đáng kể, nhưng chắc chắn vẫn tiếp tục tuyên truyền về ý thức, thái độ chăm sóc khách hàng của nhân viên xe buýt” – ông Cường cho hay.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xe/nguoi-dan-khong-man-ma-voi-xe-buyt-tintuc417678