Người dân Khánh Hòa thở phào nghe tin bão suy yếu

Tại Khánh Hòa nơi được dự báo là tâm của bão số 14 đổ bộ, người dân tỏ ra nhẹ nhõm trước thông tin bão số 14 đang suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

XEM CLIP:

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết hồi 4h, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển các tỉnh Khánh Hòa - Bình Thuận với sức gió tối đa 60km/h, giật cấp 9. Vùng gió mạnh do áp thấp nhiệt đới trên cấp 6, gió giật mạnh cấp 9 có bán kính 100 km về phía Bắc và 80 km về phía Nam tính từ vùng tâm áp thấp nhiệt đới.

Bão số 14 đang suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo đó, khi đi vào vùng biển cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận khoảng 200 km về phía Đông, bão số 14 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Cơ quan này cho biết, tối nay và sáng mai áp thấp nhiệt đới theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực nam Campuchia.

Vùng biển các tỉnh Bình Định đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió tối đa cấp 7, giật cấp 9; biển động, sóng biển cao 2-4m.

Thành phố Cam Ranh lúc 6h sáng, trời nhiều mây, mưa và gió nhẹ

Theo ghi nhận của PV VietNamNet tại TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), nơi được dự báo là tâm của bão số 14 đổ bộ, người dân vui mừng trước thông tin bão số 14 đang suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

“Hôm qua gia đình tôi phải ngưng mọi sinh hoạt để gia cố nhà cửa, chờ đón bão. Từ tối hôm qua đến sáng nay lo lắng lắm, không chợp mắt được. Thế nhưng vừa nghe tin bão suy yếu thành áp thấp, ai cũng thấy nhẹ nhõm”- anh Minh Châu (ngụ TP. Cam Ranh) nói.

Người dân tụ tập tại quán cà phê 'ngóng' thông tin bão số 14

Anh cho biết thêm, cách đây không lâu cơn bão số 12 đổ bộ vào khu vực và tỉnh Khánh Hòa gây thiệt hại nặng. Do vậy, người dân rất lo sợ trước thông tin bão số 14 và liên tục cập nhật thông tin thời tiết.

Còn theo ghi nhận tại TP. Nha Trang, hôm qua (18/11) chính quyền đã di dời gần 900 hộ dân về ở tạm tại trụ sở UBND, trường học, đồn biên phòng.

Trong số các hộ dân phải di dời, bà Thanh (ngụ xã Phước Đồng) cho biết: "Cơn bão số 12 là nỗi ám ảnh; người dân thiệt hại nặng nên chúng tôi rất lo sợ. Nhận được tin bão, cả gia đình gói ghém đồ đạc đi tá túc tránh bão. Giờ nghe tin bão thành áp thấp thì rất mừng. Nếu không có gì thay đổi, chiều nay chúng tôi được về nhà..."

Một người dân sống trên đường Phạm Văn Đồng - TP Cam Ranh tháo chằng chống trước nhà sau khi nghe tin bão suy yếu. Ảnh: Như Sỹ

Người dân đi tránh bão tại TP Nha Trang chuẩn bị được về nhà. Ảnh: báo Khánh Hòa

Trong khi đó tại Ninh Thuận, phóng viên ghi nhận mưa gió khá nhẹ. Từ chiều và suốt đêm qua, người dân phải tìm mọi biện pháp để gia cố nhà cửa. Chính quyền các địa phương tăng cường lực lượng túc trực 24/24 ứng phó bão. Di dời người dân sống trong ở vùng thấp trũng sơ tán đến nơi an toàn.

Tàu cá sẵn sàng ra khơi đánh bắt trở lại

Cũng theo ghi nhận, trưa nay tại cảng cá Đá Bạc Cam Ranh, có nhiều tàu bắt đầu di chuyển vào sâu trong cảng, lấy hàng hóa, chuẩn bị cho chuyến ra khởi bám biển.

Anh Quốc Dũng - một ngư dân cho biết, thông tin về bão số 14 đổ bộ vào Cam Ranh khiến người đánh bắt xa bờ hết sức lo lắng.

Vận chuyển hàng xuống tàu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt

Tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân neo đậu tại cảng Đá Bạc Cam Ranh

"Chúng tôi phải ngưng hoạt động đánh bắt, đưa phương tiện vào cảng trú ẩn. Giờ bão suy yếu rồi, ngư dân chúng tôi vui lắm. Trong ngày mai sẽ tiếp tục ra khơi để mưu sinh"- anh Quốc Dũng cho hay.

Ông Trần Văn Chương - Phó ban quản lý cảng cá Đá Bạc Cam Ranh cho biết, từ 2 ngày qua, ban quản lý đã tổ chức sắp xếp cho tàu thuyền neo đậu an toàn trong khu vực cảng.

"Rất may đợt này bão đổi hướng, suy yếu thành áp thấp không gây ảnh hưởng đến Khánh Hòa. Mặc dù vậy, tàu thuyền vẫn chưa thể xuất cảng. Hiện Ban quản lý vẫn tạo điều kiện để bà con buôn bán trong khu vực cảng"- ông Chương nói và cho biết đang chờ lệnh từ phía Đồn biên phòng Cam Ranh mới có thể cho tàu xuất bến, đánh bắt như bình thường.

Như Sỹ- Văn Châu

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/nguoi-dan-khanh-hoa-tho-phao-nghe-tin-bao-suy-yeu-411784.html