Người dân Indonesia có xu hướng xem tham nhũng như 'chuyện bình thường'

Theo kết quả khảo sát vừa được công bố bởi Indonesia Survey Circle (LSI), tham nhũng và không khoan dung (tôn giáo) tiếp tục là mối đe dọa đối với nền dân chủ trong nước.

Indonesia xếp thứ 96/180 nước theo đánh giá chỉ số CPI 2017 của TI, giảm 6 bậc so với năm trước. Ảnh: AFP

Tiến sỹ Burhanuddin Muhtadi, chuyên gia nghiên cứu cấp cao của LSI cho biết, cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 8, trên 1.520 cử tri. Kết quả khảo sát cho thấy, người Indonesia có xu hướng chấp nhận tham nhũng như một "chuyện bình thường", bởi đây là kinh nghiệm sống của họ được hình thành nên từ sự tiếp xúc với các quan chức Chính phủ các cấp trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đơn cử như việc họ làm đơn để xin cấp giấy chứng minh thư nhân dân hoặc giấy khai sinh cho con cái.

Bởi vậy, theo ông Burhanuddin, một trong những cách để bài trừ tham nhũng là giải quyết các vấn đề tồn tại trong dịch vụ công.

"Cách đơn giản nhất là bắt đầu từ các quan chức của chúng ta. Nếu họ không yêu cầu tiền hay sự đút lót từ phía những người mà họ phục vụ, nhiều khả năng mọi người sẽ xem các hành vi hối lộ là không bình thường", ông nói.

Indonesia đã giảm 6 bậc, xếp ở vị trí thứ 96/180 quốc gia theo đánh giá Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI) năm 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, được công bố hồi tháng 2 năm nay. Theo những người tham gia khảo sát của LSI, lý do khiến Indonesia bị tụt trong bảng xếp hạng là bởi đất nước này thiếu các tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Năm 2017, tham nhũng, chủ yếu là từ hối lộ đã khiến nhà nước Indonesia thất thoát 132,94 tỷ USD, theo số liệu từ Cơ quan Giám sát tham nhũng Indonesia (ICW). Trong khi đó, chỉ một phần nhỏ số tiền này (chiếm 4,91%) được thu hồi và trả lại cho kho bạc nhà nước sau khi các vụ việc được đưa ra tòa xét xử, phán quyết.

Điều phối viên Adnan Topan Husodo của ICW nhấn mạnh, gần 2.500 công chức nhà nước của Indonesia có dính líu tới các vụ tham nhũng đã bị tòa xét xử và có phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các quan chức này vẫn tại vị, thậm chí, một số còn được thăng quan tiến chức.

"Điều này cho thấy hệ thống quản lý hiện tại đã không đưa ra được các chế tài (cho các quan chức nhà nước) để họ hoạt động một cách trong sạch. Chúng ta cần phải suy nghĩ làm thế nào để thay đổi điều này”, ông Adnan nói.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/nguoi-dan-indonesia-co-xu-huong-xem-tham-nhung-nhu-chuyen-binh-thuong_t114c52n139260